Vì sao New York chịu thảm cảnh kinh hoàng nhất thế giới trong đại dịch COVID-19?

Thời sự quốc tếThứ Ba, 14/04/2020 07:40:00 +07:00
(VTC News) -

New York trở thành tâm dịch COVID-19 của Mỹ với số ca nhiễm và thiệt mạng cao hơn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tính đến sáng 14/4, số trường hợp nhiễm COVID-19 tại bang New York đã lên tới 195.655 ca, cao hơn Tây Ban Nha và Italy - những quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất châu Âu. Số người chết do dịch bệnh tại New York là 10.056, chiếm 42,5% số ca thiệt mạng trên toàn nước Mỹ. 

Số ca nhiễm tại thành phố New York và các hạt lân cận như Nassau, Suffolk, Westchester và Rockland đã chiếm tới 93% trên toàn bang. Riêng ở New York, tỷ lệ thiệt mạng do COVID-19 là 6%, cao hơn trung bình ở Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới. 

Số người chết ở New York thậm chí nhiều gấp đôi số nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001.

Vì sao New York chịu thảm cảnh kinh hoàng nhất thế giới trong đại dịch COVID-19? - 1

New York chôn xác người chết vì COVID-19 trên đảo Hart.

Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo nhận định sự lây lan của virus corona chủng mới "đang được kiểm soát" và "điều tồi tệ nhất đã qua đi nếu chúng ta có bước đi thông minh". Dù vậy, số người chết cho thấy "mức độ đau đớn và xót xa khủng khiếp" tại New York nói riêng và Mỹ nói chung hiện tại. 

Tại sao New York lại chịu thiệt hại lớn hơn nhiều so với các bang còn lại tại Mỹ? Liệu lý do có đơn giản là do quy mô dân số? Thành phố New York có 8 triệu người sinh sống, gấp đôi Los Angeles, nhưng số ca nhiễm ở đây nhiều gấp đến 8, 9 lần các thành phố khác. 

Theo CNN, mật độ dân số ở New York có thể là một phần nguyên nhân. Dịch SARS-CoV-2 lây lan cực nhanh khi con người tiếp xúc với nhau ở khoảng cách gần, trong các không gian như nhà thờ, du thuyền, ở những sự kiện ngoài trời như buổi diễn âm nhạc, hay trong những căn hộ nhỏ có nhiều người cùng sinh sống.

Vì sao New York chịu thảm cảnh kinh hoàng nhất thế giới trong đại dịch COVID-19? - 2

Bệnh viện ở Mỹ thiếu cả trang thiết bị và nhân lực. 

Mật độ dân số ở New York là 27.000 người/km2, cao nhất nước Mỹ, dễ dàng là môi trường lý tưởng để virus corona chủng mới sinh sôi, lây nhiễm.

Tuy nhiên, mật độ này chưa phải là cao so với nhiều thành phố lớn ở châu Á, với nhiều thành phố có hơn 40.000 người/km2 cùng sinh sống. 

Cách lý giải dựa trên mật độ dân số cũng không bao trùm toàn bộ vấn đề. Khu vực có mật độ dày nhất ở New York là Manhattan, trong khi Queens chỉ đứng thứ tư. Dù vậy, số ca nhiễm ở Queens lại nhiều gấp đôi so với Manhattan. 

Một lý giải khác là New York thực hiện nhiều xét nghiệm hơn so với các bang khác. Xét nghiệm nhiều cũng đồng nghĩa với tìm ra nhiều trường hợp nhiễm bệnh, và khi có nhiều ca nhiễm, New York lại phải xét nghiệm nhiều hơn.

Một số nước trên thế giới cũng phát hiện nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhờ xét nghiệm diện rộng là Đức, Hàn Quốc và Iceland. 

Vì sao New York chịu thảm cảnh kinh hoàng nhất thế giới trong đại dịch COVID-19? - 3

New York có mật độ dân số cao nhất nước Mỹ.

Ngoài ra, một số bang ở Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo người dân tự cách ly ở nhà nếu nhiễm bệnh. Họ không được xét nghiệm và nếu chết tại nhà, những người này sẽ không được tính là nhiễm COVID-19. Thành phố New York thực hiện xét nghiệm diện rộng, nên số ca nhiễm cao hơn các bang khác là có thể hiểu được, chưa kể New York cũng xuất hiện dịch bệnh trước các tỉnh bang khác khoảng 1, 2 tuần. 

Dù vậy, do sự mập mờ về con số, cách thức thống kê lẫn khác biệt trong xét nghiệm, chúng ta không bao giờ có bức tranh tổng thể về tình hình COVID-19 ở Mỹ. 

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là số người chết tại New York đang tăng mạnh. Các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Không thể biết có bao nhiêu người Mỹ đã thiệt mạng bởi công tác đối phó dịch bệnh cẩu thả từ chính quyền, song tác động từ sự chậm trễ trong khâu chuẩn bị khiến Mỹ rơi vào thảm họa là rất đáng kể. 

Video: Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng thảm hoạ ở 50 bang của Mỹ

Một nguyên nhân đáng buồn nữa cho thảm cảnh ở New York là việc người nghèo và cộng đồng thiểu số ở đây (cũng như trên toàn nước Mỹ) không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, mà bệnh tật thì không chừa ai, không buông tha cho bất cứ tầng lớp, chủng tộc nào.

Cộng đồng gốc Phi và Mỹ Latin chiếm 51% dân số và cũng chiếm 62% số người chết do COVID-19 tại New York, cao gấp đôi so cộng đồng da trắng, có thể do số người gốc Phi và Mỹ Latin được chẩn đoán mắc bệnh nặng cao hơn so với mặt bằng chung những người nhiễm bệnh. 

Sự chênh lệch này cũng là hệ quả của nhiều yếu tố. Phần lớn người chết do COVID-19 đều mắc bệnh nền trước đó như huyết áp cao, tiểu đường, phổ biến trong cộng đồng người gốc Phi và Mỹ Latin.

Vì sao New York chịu thảm cảnh kinh hoàng nhất thế giới trong đại dịch COVID-19? - 4

Nhiều đối tượng ở Mỹ không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tại sao họ lại mắc những bệnh này? Câu trả lời là do không có hệ thống chăm sóc sức khỏe phù hợp. Những đối tượng yếu thế ở New York khó tiếp cận dịch vụ y tế vì lý do tiền bạc, thời gian hay thậm chí là niềm tin rằng tốt hơn hết là nên ở nhà, thay vì được xét nghiệm COVID-19. Ngoài ra, những chậm trễ trong khâu chẩn đoán, điều trị cũng khiến số người chết tăng cao.

Thảm kịch tại New York cũng giống với Italy, New Orleans hay Iran. Virus corona chủng mới đã tấn công vào lỗ hổng hệ thống chăm sóc sức khỏe mà ở đó, những người lớn tuổi, mắc bệnh nền hoặc ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế rất dễ trở thành nạn nhân.

Video: New York chôn người chết vì COVID-19 trên đảo Hart

Hy vọng, đại dịch COVID-19 sẽ buộc chúng ta phải suy nghĩ cẩn trọng về những thiếu sót đã được phơi bày, đồng thời xây dựng phương pháp tiếp cận công bằng, trực diện để các bác sĩ và y tá có thể chăm sóc cho những người có nhu cầu.

Nếu không làm được điều này, chúng ta chỉ làm tăm tối thêm ký ức của những người đã chết và tổn thương trái tim của những người ở lại.

Hồng Nam (Nguồn: CNN)
Bình luận
vtcnews.vn