Vì sao Mỹ muốn tham quan tàu sân bay Liêu Ninh?

Thế giớiThứ Hai, 07/04/2014 02:37:00 +07:00

Tàu Liêu Ninh là đại diện cho tham vọng trên biển của Trung Quốc và là trọng tâm cho chiến dịch khơi dậy lòng ái quốc của chính phủ nước này.

Tàu Liêu Ninh là đại diện cho tham vọng trên biển của Trung Quốc và là trọng tâm cho chiến dịch khơi dậy lòng ái quốc của chính phủ nước này.

Mỹ đề nghị


Theo báo Thanh Niên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đề nghị được lên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc để tham quan vào ngày 7/4 và đề nghị này được Bắc Kinh chấp thuận.

Như vậy, ông Hagel sẽ trở thành người nước ngoài đầu tiên đặt chân lên tàu sân bay Liêu Ninh.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, đề nghị của ông Hagel là có mục đích. Không chỉ lên tham quan đơn thuần mà có thể vì muốn tận mắt chứng kiến sự bành trướng của Trung Quốc trên biển.

 Điều ấy có thể được lý giải bởi đề nghị của người đứng đầu Lầu Năm Góc đưa ra chỉ một ngày sau khi ông tuyên bố thẳng thừng rằng:

 Trung Quốc “không thể cứ đi loanh quanh rồi vẽ lại đường biên giới, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia bằng vũ lực, cưỡng  ép và hăm dọa, cho dù đó là ở các đảo nhỏ trong Thái Bình Dương", hàm ý chỉ trích cách hành xử đơn phương của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền với các quốc gia láng giềng châu Á.

Ngoài ra, tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 6/4, ông Hagel cũng yêu cầu Trung Quốc nên minh bạch về cách thức nước này tăng cường sức mạnh quân đội.

Được biết, Liêu Ninh là tàu sân bay có từ thời Liên Xô, đã được Trung Quốc tân trang và mua lại từ Ukraine. Liêu Ninh được đưa vào sử dụng hồi tháng 9/2012.

Giới phân tích nhận định mặc dù không bằng các tàu sân bay của Mỹ, nhưng tàu Liêu Ninh là đại diện cho tham vọng trên biển của Trung Quốc và là trọng tâm cho chiến dịch khơi dậy lòng ái quốc của chính phủ nước này.

Đầu năm 2014, tàu Liêu Ninh đã hoàn tất các đợt tập luyện tại Biển Đông. Tân Hoa xã cho biết chiếc tàu đã được kiểm tra hệ thống chiến đấu, tập luyện cách dàn đội hình và “đã đạt được những mục tiêu đề ra”.

Trung Quốc chấp thuận, vì sao?


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đề nghị được lên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc để tham quan và đề nghị này được Bắc Kinh chấp thuận.

Lý giải cho sự mau mắn chấp thuận của Trung Quốc, giới quan sát cho rằng, với tình hình phức tạp ở Biển Đông hiện nay, Bắc Kinh không có sự lựa chọn khác.

Cách đây ít ngày, vào chiều 30/3, Philippines đã nộp lên Tòa án quốc tế bằng chứng chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh rằng hành động này sẽ phá hỏng mối quan hệ giữa 2 nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật và Mỹ trong cuộc họp báo tại Tokyo 

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, hồ sơ đệ trình lên Tòa án ở Hague bao gồm gần 4.000 trang tài liệu giải thích và lập luận của Philippines.

Philippines yêu cầu Tòa án quốc tế lên tiếng về các yêu sách của Trung Quốc về “đường lưỡi bò”, chiếm khoảng 80% vùng biển chiến lược. Hồ sơ của Philippines với nội dung tuyên bố cốt lõi là yêu sách “đường lưỡi bò” không phù hợp luật pháp quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Đồng tình ủng hộ vụ kiện cáo này, ngày 30/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết Washington tán thành việc thực thi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo “mà không e dè bất kỳ hành động trả đũa nào”.

“Bất chấp kết quả của việc phân xử là gì, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế đưa ra những hành động đơn phương gây bất ổn và leo thang căng thẳng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu

Không chỉ vậy, trong bối cảnh đối đầu gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Sự ủng hộ của Mỹ với Nhật Bản cũng là điều khiến Trung Quốc băn khoăn.

Trong chuyến thăm châu Á lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Hagel nhắc lại việc Washington đứng về phía Nhật Bản thông qua hiệp ước tương trợ an ninh có giá trị đối với cả quần đảo tranh chấp nói trên.

“Chúng tôi rất coi trọng cam kết của Mỹ trong hiệp ước này, và chúng tôi cực lực phản đối bất cứ hành động cưỡng ép đơn phương nào nhằm phá hoại quyền kiểm soát của Nhật”, ông Hagel dõng dạc tuyên bố.

Trước tình hình phức tạp đó, theo giới phân tích, Trung Quốc đồng ý để ông Hagel lên tàu sân bay Liêu Ninh một phần muốn xoa dịu tình hình phức tạp hiện nay, mặt khác, Trung Quốc đang chột dạ bởi những hành động ngang ngược, tuyên bố chủ quyền phi lý trên vùng biển.

Theo Báo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn