Vì sao mua ti vi giảm giá vẫn bị đắt cả triệu đồng?

Kinh tếThứ Sáu, 10/06/2016 07:12:00 +07:00

Siêu thị điện máy đang tung nhiều chương trình giảm giá 20 đến 50% cho mặt hàng ti vi (TV) vào mùa Euro 2016, nhưng nhiều sản phẩm giá còn cao hơn so với ở các cửa hàng nh

Anh Phạm Trung Anh (Hà Đông, Hà Nội) vừa mua TV 40 inch Samsung 40J5100 ở một siêu thị trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) với giá 8,9 triệu đồng. Anh cho biết, siêu thị quảng cáo là giá đã giảm hơn 20% và tặng kèm quạt cây. Cùng thiết bị này, hàng xóm của anh mua với giá chỉ 7,5 triệu đồng tại một cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Tương tự, anh Nguyễn Trung Hiếu (Từ Liêm, Hà Nội) cũng thấy một siêu thị điện máy gần nhà quảng cáo giảm giá tới 30% cho mặt hàng TV mùa bóng đá nên đã sắm chiếc LG 43 inch với giá 10 triệu đồng. Khi được người thân mách chỗ có thể mua mẫu tương tự chỉ với 9 triệu đồng, anh Hiếu mới tiếc vì quyết định chóng vánh của mình. "Nhân viên bán hàng nói mẫu này giá tốt, lại không còn nhiều hàng và gia đình lại đang có nhu cầu thực sự nên tôi quyết mua rất nhanh", Anh Hiếu ngậm ngùi.

Mùa Euro 2016, nhiều siêu thị điện máy đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn khi mua TV. 

Trong mùa Euro 2016, nhiều trung tâm điện máy đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mại, ưu đãi nhằm thu hút người tiêu dùng. Mặt hàng TV cũng sôi động với hàng trăm mẫu, đều được giới thiệu giảm giá từ 20 đến 50%, đi kèm nhiều quà tặng. Tuy nhiên, không ít sản phẩm trong danh mục khuyến mãi của họ vẫn có giá cao hơn so với cửa hàng ngoài. Thực chất, chiêu giảm của nhiều siêu thị điện máy là ảo.

Anh Nguyễn Đức Thành, một người Kinh doanh hàng điện tử trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay, việc hạ giá TV tới 50% là cách nhiều siêu thị qua mắt người dùng.

"Đúng là giảm 30-50% thật, nhưng là mức giảm so với giá công bố ban đầu của nhà sản xuất. Còn thực tế, mẫu TV đó đã được điều chỉnh giá và bán thấp hơn cả triệu đồng từ nhiều tháng trước. Do đó, việc giảm giá kia gần như không mang lại giá trị gì cho khách hàng", anh Thành phân tích.

Về phía siêu thị điện máy, đại diện một đơn vị cho rằng, các hệ thống lớn đều được nhà sản xuất quy định giá bán lẻ nhằm tránh trường hợp phá giá. Trong khi đó, các cửa hàng nhỏ không chịu ràng buộc này nên có thể điều chỉnh linh hoạt hơn nhằm lôi kéo khách hàng. Song cũng có trường hợp, cửa hàng tự ý bóc tách quà khuyến mại của hãng rồi bán riêng, từ đó giảm giá trực tiếp vào sản phẩm, điều mà các siêu thị lớn không thể làm.

Theo ông Trần Công Tiến, một chuyên gia trong lĩnh vực nghe nhìn, người dùng nên lên mạng tham khảo giá TV trước khi mua vì giá giữa chính các siêu thị đôi khi cũng có mức chênh lệch khá lớn. "Tránh bị hoa mắt bởi các lời quảng cáo giảm giá 'khủng' hay các món quà tặng, bởi rất có thể đây là hình thức bán hàng kèm hàng, vô tình phải mua những thứ không thật sự cần thiết", ông Tiến chia sẻ.

Với TV, người mua có thể chọn ở những cửa hàng điện tử nhỏ hay các trung tâm điện máy nếu giá tốt. Dù ở đâu, cũng cần xem xét kỹ nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo thiết bị mới, được hưởng đầy đủ chế độ bảo hành theo chính sách của nhà sản xuất.

Nguồn: VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn