Vì sao Mặt Trăng thường có màu đỏ khi xuất hiện nguyệt thực?

Thời sựThứ Hai, 07/08/2017 19:45:00 +07:00

Chuyên gia thiên văn cho biết khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối thì có rất ít ánh sáng Mặt Trời được chiếu tới và phản xạ nên Mặt Trăng sẽ tối hơn thông thường rất nhiều và vùng che khuất có màu đỏ thẫm (nguyệt thực toàn phần, một phần) hoặc đỏ nhạt (nguyệt thực nửa tối).

Trả lời VTC News, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết: "Đêm mùng 7, rạng sáng 8/8, Việt Nam sẽ là một trong những khu vực có thể quan sát trọn vẹn nguyệt thực một phần. Đây được xem là hiện tượng thiên văn đáng trông đợi nhất năm 2017 đối với người quan sát tại Việt Nam.

Tuy nhiên, rất nhiều người đã gọi hiện tượng này là "trăng máu". Đây là cách gọi hoàn toàn sai về ngôn ngữ, văn hóa lẫn bản chất của hiện tượng".

trang mau 5

 

Theo ông Sơn, thuật ngữ "Mặt Trăng máu" xuất phát từ Thiên Chúa giáo cho biết đó là điềm báo của ngày tận thế. 

Trong Kinh Cựu ước có viết: 'Trước Ngày Tận thế là Mặt trăng đỏ máu'. Người Thiên chúa giáo tin vào một truyền thuyết trăng máu chính là sự trừng phạt của Chúa trời. 

Trong đạo Phật, hiện tượng trăng máu đứng đầu trong 7 đại nạn có thể xảy ra. Đại nạn xếp vị trí số 1 này được gọi là 'nhất nguyệt thất độ', là sự thay đổi màu sắc của Mặt trăng, Mặt trời.

Tuy nhiên, Mặt Trăng thường xuyên có màu đỏ như máu vào mọi lần nguyệt thực toàn phần, nên "điềm báo" này không có tác dụng trong nhận thức của nhân loại.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, hiện tượng nguyệt thực xảy ra khá thường xuyên, khi mà Mặt Trăng nằm ở phía bên kia Trái Đất so với Mặt Trời và đi vào vùng bóng tối phía sau Trái Đất.

Do ánh sáng mà chúng ta quan sát được từ Mặt Trăng là ánh sáng phản xạ từ Mặt Trời, nên khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối thì có rất ít ánh sáng Mặt Trời được chiếu tới và phản xạ trên bề mặt của nó. 

Vì vậy, Mặt Trăng sẽ tối hơn thông thường rất nhiều và vùng che khuất có màu đỏ thẫm (nguyệt thực toàn phần, một phần) hoặc đỏ nhạt (nguyệt thực nửa tối).

Ông Sơn khẳng định: "Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa nguyệt thực là "trăng máu", ngay cả khi đó là nguyệt thực toàn phần chứ đừng nói là chỉ một phần như nguyệt thực vào tối nay. Vấn đề không phải là cách gọi văn hoa hay không mà là cách nói sai.

Việc gọi nguyệt thực một phần là "trăng máu" một cách bừa bãi không chỉ mang lại nhận thức sai về khoa học cho người đọc mà thậm chí còn mô tả sai hoàn toàn bản chất vấn đề, vì trong nguyệt thực một phần, không có cái gì nhìn giống với máu".

Video: Đêm 7/8, nguyệt thực một phần sẽ xuất hiện ở Việt Nam

Ông Sơn chia sẻ đối với hiện tượng nguyệt thực tối nay, ở bất cứ vị trí nào cũng đều có thể quan sát được.

Người dân chỉ cần người quan sát đứng ở nơi có góc nhìn đủ rộng để nhìn thấy Mặt Trăng và ít bị ô nhiễm ánh sáng.

Ngoài ra, nguyệt thực cũng chỉ là hiện tượng khoa học thuần túy, không có bất kỳ tác động vật lý nào lên cơ thể con người. 

"Nguyệt thực an toàn với mắt, mọi người có thể sử dụng mắt thường để quan sát hoặc qua các dụng cụ phóng đại như kính thiên văn, ống nhóm nếu muốn rõ hơn", Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam nói.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn