Vì sao lực lượng Cảnh sát cơ động Kỵ binh sử dụng ngựa Mông Cổ?

Tin nhanh 24hThứ Hai, 08/06/2020 14:58:15 +07:00
(VTC News) -

Ngựa Mông Cổ có ngoại hình nhỏ nhưng rất dẻo dai, chạy nhanh, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam nên được lựa chọn cho lực lượng Cảnh sát cơ động Kỵ binh.

Sáng 8/6, trước sự chứng kiến của các đại biểu Quốc hội, Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) làm lễ ra mắt và diễu hành trước tòa nhà Quốc hội.

Sự xuất hiện của lực lượng Cảnh sát cơ động cùng hơn 60 chú ngựa Mông Cổ đã thuần hóa được nhiều người chào đón nồng nhiệt.

Vì sao lực lượng Cảnh sát cơ động Kỵ binh sử dụng ngựa Mông Cổ? - 1

Ngựa Mông Cổ có ngoại hình nhỏ nhưng rất dẻo dai, chạy nhanh, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam.

Những chú ngựa này được nhập khẩu từ Mông Cổ, có độ tuổi trung bình từ 2 - 4 năm. Chúng được nuôi dưỡng, thuần hóa trong khoảng 5 tháng tại trại huấn luyện rộng 4 ha gồm cả khu nhà điều hành, ăn ở, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ, khu chuồng trại, bãi chăn thả, huấn luyện… ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên).

Ngựa Mông Cổ có kích thước khá nhỏ (nặng khoảng từ 300 - 400kg), cao khoảng 1,6 - 1,8m. So với ngựa châu Âu to lớn, ngựa Mông Cổ chạy nhanh hơn, ăn ít hơn, trọng tâm cũng thấp hơn, giúp người cưỡi dễ dàng giữ thăng bằng.

Ngoài ra, giống ngựa này có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện khắc nghiệt, sự dẻo dai, ngoại hình phù hợp có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống biểu tình, bạo loạn.

Đặc biệt, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa hình rất phức tạp, không thể cơ động bằng phương tiện ô tô, xe máy, phương tiện đặc chủng; tham gia đấu tranh truy bắt các đối tượng truy nã ẩn náu, lẩn trốn tại các khu vực rừng núi, vùng biên giới.

Trung đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh được thành lập từ đầu năm 2020. Hiện 70 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đang tập trung thuần dưỡng, huấn luyện trên 100 con ngựa. Trong số này, 70 con được đưa vào huấn luyện (đến nay đã thuần hóa được hơn 60 con), số còn lại là ngựa giống để sinh sản.

Trong tương lai, đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh sẽ phục vụ vào các hoạt động diễu binh diễu hành, tuần tra kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ giải tán đám đông, truy bắt tội phạm nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực đồi núi hiểm trở...

Hiện nay, rất nhiều lực lượng thực thi pháp luật trên thế giới vẫn đang duy trì đội kỵ binh trong để tuần tra trên đường phố.

Việc sử dụng ngựa cho phép người cưỡi có tầm nhìn bao quát và rộng, có tốc độ nhanh trong việc truy đuổi tội phạm, cũng như trấn áp những cuộc bạo loạn quá khích rất hiệu quả.

Video: Xem Cảnh sát cơ động Kỵ binh diễu hành ra mắt ở Hà Nội

Phúc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn