Vì sao lại gọi là hộp đen máy bay trong khi thiết bị có màu cam?

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 01/11/2018 15:40:00 +07:00

Hộp đen của máy bay được sơn màu cam để dễ nhận biết so với các vật xung quanh, khiến quá trình tìm kiếm khi máy bay gặp nạn được dễ dàng hơn.

Hộp đen là hộp lưu trữ thông tin của chuyến bay có dạng hình hộp, có kích thước khoảng 20 cm x 30 cm, được đặt ở một nơi an toàn nhất trên máy bay (thường là ở đuôi máy bay) để giảm thiểu các tác động khi máy bay gặp sự cố. 

Trong điều kiện hoạt động thông thường, hộp đen giúp người quản lý bay rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến bay thông qua thông tin hành trình thu thập được.

_92021298_p04b2s0b-1

Hộp đen được sơn màu cam để dễ phân biệt với các đồ vật xung quanh. (Ảnh: BBC) 

Khi máy bay gặp nạn, hộp đen là thứ đầu tiên mà người ta tìm kiếm bởi nó sẽ cung cấp thông tin về 2 giờ bay cuối cùng thông qua 2 thiết bị riêng lẻ chứa trong nó là máy ghi âm dữ liệu chuyến bay (FDR) và máy ghi âm tiếng động trong buồng lái (CVR). 

Một điểm đặc biệt nữa đó là, thiết bị này được gọi là hộp đen nhưng lại có màu cam. Hiện vẫn không rõ lý do thực sự dẫn tới cái tên này nhưng một số người cho rằng "hộp đen" xuất phát từ thực tế nó chứa những dữ liệu tối quan trọng. 

Mỗi một hộp đen sẽ được gắn một máy phát tín hiệu định vị hoạt động được dưới nước. Thiết bị này khi hoạt động dưới nước, sẽ phát ra tiếng "ping" liên tục trong 30 ngày cho tới khi cạn kiệt nguồn điện. 

Hộp đen được thiết kế có độ bền cực cao, có thể chịu được lực đập mạnh hơn 3.400 lần lực hút của Trái đất, đồng thời chịu được nhiệt độ cháy nóng lên tới 1.100 độ C trong một tiếng đồng hồ. 

Rất hiếm khi hộp đen của máy bay bị phá hủy hoặc không được tìm thấy. Hiện nay mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp chưa thể tìm thấy hộp đen là vụ mất tích MH370 năm 2014 và vụ 2 máy bay khủng bố lao vào Trung tâm thương mại Thế giới ở New York năm 2001. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn