Vì sao là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc vẫn không chịu nhận là nước phát triển?

Thế giớiThứ Hai, 08/04/2019 17:29:00 +07:00

Trung Quốc nhất quyết thừa nhận chỉ là một nước đang phát triển trong WTO bất chấp hàng loạt các chỉ trích từ Mỹ.

Hôm 4/4, phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong khẳng định vị trí của Trung Quốc trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO là hết sức rõ ràng: Trung Quốc là nước đang phát triển của thế giới.

"Chúng tôi không né tránh các trách nhiệm quốc tế và sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ trong WTO tương tích với mức độ phát triển kinh tế và khả năng của Trung Quốc. Thực tế là chúng tôi đang làm đúng như vậy và sẽ tiếp tục làm vậy. Song song với đó, chúng tôi sẽ làm việc cùng các quốc gia khác để bảo vệ vững chắc các quyền cơ bản của chúng tôi, nói lên tiếng nói chung và bảo vệ lợi ích phát triển của chúng tôi", ông Cao nhấn mạnh. 

3d481978-5783-11e9-a3ae-f2742b367090_1320x770_103835

 Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong. (Ảnh: AP)

Mỹ trong nhiều năm qua liên tục khẳng định việc WTO cho Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới hưởng các đặc quyền nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển là phi lý. Washington cho rằng các ưu đãi mà Trung Quốc đang được hưởng giúp nước này trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, phân biệt đối xử với các các nhà đầu tư nước ngoài và là nhân tố tạo điều kiện cho Bắc Kinh ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ nếu muốn đặt chân vào thị trường của nước này. 

"Quốc gia đã hạ cánh được cả tàu vũ trụ xuống vùng tối của Mặt trăng nhưng lại muốn được đối xử giống như những nước thành viên nghèo nhất của WTO", Dennis Shea, đại sứ Mỹ tại WTO phát biểu tại trụ sở Geneva hồi đầu tháng 3.

WTO cho phép các quốc gia tự quyết định nước mình có phải là quốc gia đang phát triển hay không. Mặc dù kinh tế chỉ còn kém Mỹ, Trung Quốc vẫn khẳng định họ vẫn là quốc gia đang phát triển.

Tự xếp loại đang phát triển, Bắc Kinh được hưởng các quyền lợi đặc biệt và khác biệt như được miễn các yêu cầu tự do hóa thương mại nhất định, duy trì các chính sách bảo hộ về thuế quan và trợ cấp nông nghiệp trong các cuộc đàm phán thương mại. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể áp đặt mức thuế quan cao hơn với hàng hóa nhập khẩu từ các nền kinh tế phát triển hơn. 

Mỹ không những chỉ trích Trung Quốc mà còn phàn nàn về việc hơn 2/3 thành viên của WTO tự nhận mình là quốc gia đang phát triển để hưởng lợi từ danh xưng này. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định các quyền lợi ưu đãi là nền tảng quan trọng của hệ thống thương mại toàn cầu. 

Mặc dù vậy, vẫn có những nước đã bắt đầu thay đổi sau hàng loạt các chỉ trích của Mỹ, đơn cử như Brazil. Brasília đã đồng ý từ bỏ danh xưng quốc gia đang phát triển để đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ khi quốc gia Mỹ Latinh đang tìm cách tham gia vào Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). 

Tại Diễn đàn Bắc Ngao ở Hải Nam cách đây gần 2 tuần, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan thừa nhận rằng không phải tất cả các chỉ trích của Mỹ đều là sai trái. Nhưng ông này nhấn mạnh đang có những hiểu nhầm giữa các thành viên WTO về hành vi thương mại của Trung Quốc.

Bà Dennis Shea thì cho rằng thay vì chỉ đưa ra các chỉ trích, cần phải có những quy chuẩn nhất định đặt ra để quy định một nước đáp ứng yêu cầu của một nước đang phát triển hay không. Theo bà Shea, một quốc gia nên bị tước danh xưng là nước đang phát triển nếu là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), là thành viên của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), được Ngân hàng thế giới xếp vào nhóm có thu nhập cao và chiếm nhiều hơn 0,5% hoạt động thương mại toàn cầu.

Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác như Ấn Độ, Nam Phi bác bỏ đề xuất này. Họ thậm chí còn đệ trình một văn bản lên WTO, trong đó đề cập tới việc Mỹ và các nước phát triển hưởng lợi từ các quy định của WTO trong các lĩnh vực nông nghiệp, dệt may và quyền sở hữu trí tuệ.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn