Vì sao HUD và Vicem khó cổ phần hóa?

Bất động sảnThứ Năm, 26/10/2017 16:58:00 +07:00

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề xuất xin tháo gỡ khó khăn trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).

Trong 16 doanh nghiệp Bộ Xây dựng được giao làm đại diện chủ sở hữu, 12 tổng công ty đến nay đã hoàn thành cổ phần hóa, 4 đơn vị tiếp tục thực hiện chủ tương thoái vốn theo lộ trình hợp lý trong năm 2017.

4 doanh nghiệp này gồm các Tổng công ty: Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Sông Đà, Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).

vicem

 Vì sao HUD và Vicem khó cổ phần hóa?

Tuy nhiên, chỉ còn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2017, nhưng việc cổ phần hóa vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 9/2017, IDICO đã hoàn tất thủ tục công bố thông tin chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng TP.HCM và thực hiện IPO thành công 55.305.500 cổ phần chiếm 18,44% vốn điều lệ.

Kết quả đấu giá là giá trúng thầu cao nhất là 28.600 đồng/cổ phiếu, giá trúng thầu thấp nhất là 23.200 đồng/cổ phiếu, giá trúng thầu bình quân là 23.940 đồng/cổ phiếu với tổng giá trị trúng giá là 1.324 tỷ đồng. Hiện IDICO đang lựa chọn nhà đầu tư chiến lược (sau khi có kết quả IPO).

Video: Điểm mặt các dự án bỏ hoang giữa Thủ đô

Tổng Cty Sông Đà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển thành Cty cổ phần Cty mẹ - Tổng Cty Sông Đà; đã chuẩn bị hồ sơ IPO và mời gọi nhà đầu tư chiến lược...

Tuy nhiên, đến nay chưa có nhà đầu tư chiến lược quan tâm. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh lại cơ cấu bán cổ phần lần đầu, chuyển toàn bộ số cổ phần dành bán cho cổ đông chiến lược sang đấu giá công khai khi IPO. Mục tiêu sẽ thực hiện IPO, Đại hội đồng cổ đông lần đầu và chuyển doanh nghiệp sang hoạt động theo mô hình Cty CP trong quý IV/2017.

Với 2 doanh nghiệp còn lại là HUD và Vicem, do khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp, nên Bộ Xây dựng đẫ đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh kế hoạch cổ phần hóa đối với Tổng Cty Đầu tư phát triển nhà và đô thị và Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam vào Danh mục các doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018.

Việc sở hữu nhiều dự án với diện tích đất đai lớn là vấn đề mấu chốt dẫn đến những vướng mắc trong xác định giá trị tài sản, xây dựng kế hoạch cổ phần hóa tại HUD.

Theo phương án mà Bộ Xây dựng trình Chính phủ, giá trị doanh nghiệp của HUD được xác định tại thời điểm cuối năm 2014 vào khoảng 10.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 3.405 tỷ đồng. Hiện HUD đang sở hữu 43 dự án tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai…

Bộ Tài chính cho rằng, việc xác định giá trị đất đai tại 43 dự án bất động sản của HUD đang sở hữu chưa hợp lý. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã căn cứ vào giá đất do ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố công bố để xác định giá trị đất đai tại các dự án của HUD, nhưng thực tế, giá đất công bố này chỉ để tính tiền sử dụng đất khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, trả tiền bồi thường, chưa phải là giá cụ thể để làm căn cứ tính giá trị quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai. Theo Bộ Tài chính, cách xác định giá trị đất đai theo phương án cổ phần hóa chưa đúng và cần phải xem xét lại.

Ngoài ra, việc thực hiện cổ phần hóa tại HUD còn có vấn đề ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp với thời điểm IPO. HUD xác định giá trị doanh nghiệp từ tháng 12/2014 nhưng đến tháng 4/2017 mới trình phương án cổ phần hóa.

Trong khi quy định việc công bố giá trị doanh nghiệp và IPO cách thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không quá 18 tháng. Với trường hợp của HUD, thời gian đã quá 29 tháng nên không tránh khỏi khả năng có biến động về giá trị tài sản.

Tương tự, đối với Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, tính đến 31/12/2016, vốn nhà nước của Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam là 13.662 tỷ đồng, lớn nhất trong với các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng và xấp xỉ bằng tổng số vốn Nhà nước của tất cả các doanh nghiệp còn lại mà Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu, việc cổ phần hóa VICEM cũng gặp một số vướng mắc.

Cụ thể, việc hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất của Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam trước khi trình phương án cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai là khá phức tạp, liên quan tới nhiều Bộ, ngành và địa phương vì Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam hiện đang sử dụng đất, quản lý và khai thác nhiều Mỏ tại các tỉnh/thành phố như: Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn