Vì sao hàng loạt thương hiệu Nhật Bản dính bê bối?

Kinh tếThứ Bảy, 14/10/2017 14:47:00 +07:00

Nhiều tên tuổi như Nissan Motor, Mitsubishi Motors, Toshiba và gần đây nhất là Kobe Steel đều vướng bê bối về hoạt động kinh doanh.

Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với các sản phẩm chất lượng, đồng đều với độ bền cao. Tuy nhiên, scandal làm giả số liệu mới đây nhất của Kobe Steel có thể khiến thương hiệu Made in Japan ảnh hưởng đáng kể.

Video: Ngắm Nissan Leaf siêu xe đậm 'khí chất' lăn bánh tại Anh

Rắc rối của hãng thép lớn thứ 3 Nhật Bản bắt đầu từ cuối tuần trước, khi họ thừa nhận làm giả số liệu về chất lượng, độ cứng và độ bền của một số sản phẩm nhôm, đồng giao cho hơn 200 công ty. Trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Boeing, Nissan hay Toyota.

Hôm qua, Kobe Steel cho biết số công ty bị ảnh hưởng đã lên tới 500. Thông tin này khiến vốn hóa của hãng chốt tuần mất tổng cộng 1,8 tỷ USD.

Kobe Steel không phải trường hợp cá biệt. Vài năm gần đây, nửa tá công ty lớn của Nhật Bản thừa nhận làm sai số liệu và sai quy trình. Việc này đã làm dấy lên câu hỏi vì sao nó lại xảy ra và liệu có Nhật Bản có tồn tại một vấn đề hệ thống hay không.

BBC

 Kobe Steel là cái tên mới nhất vướng scandal chất lượng sản phẩm. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân lớn là Nhật Bản tăng trưởng chậm lại từ thập niên 90. Việc này buộc các công ty thay đổi mô hình kinh doanh, và có vẻ đã gây ra tác dụng phụ.

“Các tập đoàn lớn từng hoạt động trong môi trường tăng trưởng tốt, dễ đoán và ổn định. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Và nhiều công ty phải tìm cách tiết kiệm chi phí”, Takuji Okubo - kinh tế trưởng tại hãng tư vấn Japan Macro Advisors giải thích.

Cho đến cách đây 20 năm, các công ty Nhật Bản vẫn tập trung vào chiến lược tăng trưởng. Tuy nhiên, khi nhận ra nền kinh tế trong nước không còn mạnh nữa, họ phải chuyển sang tái cấu trúc, cắt giảm chi phí và tối ưu hóa hiệu suất.

Trên BBC, Martin Schulz - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Fujitsu tại Tokyo cho biết những điều chỉnh “đau đớn” này đã khiến nhiều công ty chật vật “thích nghi với luật chơi mới”. Bị thúc giục phải cải thiện hiệu suất, các lãnh đạo đã điên cuồng tìm cách đạt kết quả tốt.

Việc này khiến các nhân viên chủ chốt và quản lý phải căng mình làm việc. Trong một số trường hợp, họ phải làm quá giờ rất nhiều và tìm cách gian lận.

Nhu cầu mở rộng thị trường ra nước ngoài để đẩy cao lợi nhuận cũng làm nảy sinh các vấn đề khác với công ty Nhật, đặc biệt là chi nhánh ở nước ngoài. Florian Kohlbacher - Giám đốc Economist Corporate Network khu vực Bắc Á cho rằng một số công ty cố gắng tăng trưởng quá nhanh, bằng cách mở rộng ra nước ngoài khi chưa có quản lý đủ kinh nghiệm để giám sát.

Trước Kobe Steel, nhiều công ty tên tuổi của Nhật Bản cũng dính scandal, như Nissan Motor, Mitsubishi Motors và đại gia túi khí Takata. Takata đã phải nộp đơn xin phá sản hồi tháng 6, sau đợt thu hồi toàn cầu liên quan đến việc nổ túi khí, khiến 16 người thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Mới 2 tuần trước, Nissan Motor cũng phải thu hồi 1,2 triệu xe, vì chúng do kỹ sư không đủ thẩm quyền kiểm định. Còn Toshiba vẫn đang chật vật khắc phục hậu quả từ scandal thổi phồng lợi nhuận cách đây vài năm.

toshiba-9011-1507958992

 CEO Toshiba - Satoshi Tsunakawa trong một buổi họp báo. Ảnh: Reuters

Giới quan sát cho rằng chất lượng sản phẩm và mức độ tuân thủ quy định tại Nhật Bản vẫn thuộc top thế giới. Tuy nhiên, scandal liên quan đến giả mạo số liệu và làm sai quy trình vẫn có thể xuất hiện nhiều trong tương lai.

Kohlbacher cho biết việc này một phần do các công nghệ mới, như Internet of Things và các loại cảm biến, giúp việc phát hiện sai sót dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, quá trình số hóa lại giúp lan truyền thông tin về việc này nhanh hơn.

Dù vẫn chưa rõ số liệu tại Kobe Steel đã bị phát hiện như thế nào, Schulz cho rằng “trong môi trường doanh nghiệp ngày càng minh bạch như hiện nay, các công ty cần thành thật về các sai sót càng sớm càng tốt”. Sau khi luật bảo vệ người tố giác có hiệu lực năm 2006, nhiều vụ lừa đảo và làm sai nữa có thể được công bố.

Trường hợp tiêu biểu nhất là của đại gia thiết bị y tế Olympus năm 2011. Khi ấy, chính giám đốc người Anh của công ty này - Michael Woodford đã cho biết công ty gian lận kế toán tới 1,4 tỷ USD. Olympus đã che giấu khoản các khoản lỗ đầu tư từ thập niên 90.

Woodford cho rằng văn hoá của Nhật Bản phần nào khiến những vấn đề của Olympus thêm trầm trọng. Sự tôn trọng những thành viên kỳ cựu tạo ra một môi trường khiến những quyết định quản lý yếu kém tồn tại suốt nhiều năm.

Dù vậy, nhiều người tin rằng các scandal gần đây cũng có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực. “Có vẻ ngày càng nhiều công ty nhận ra rằng chỉ tập trung vào chi phí và tăng lợi nhuận không phải là chiến lược cho tương lai”, Schulz cho biết. Kohlbacher thì kỳ vọng “các công ty sâu sát hơn với hoạt động của mình, và đảm bảo khắc phục bất kỳ vấn đề nào trước khi nó quá lớn”.

Video: Siêu xe Lamborghini hơn 11 tỷ kéo toa moóc chở dê trên phố gây xôn xao

Tuy vậy, nhiều người cũng cho rằng cần có các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với công ty vi phạm. Vì việc tự kiểm điểm, tự giải quyết dường như không có tác dụng. Đại gia quảng cáo Nhật Bản - Dentsu tuần trước bị phạt hơn 500.000 yen (4.400 USD) vì vi phạm luật sử dụng lao động.

Thay vì nhấn mạnh vào vấn đề hệ thống tại Nhật Bản, ông Okubo cho rằng các sự việc xuất hiện ngày càng nhiều là bằng chứng cho thấy “quản trị doanh nghiệp tại Nhật Bản đang có tác dụng”. Vì các công ty đã dám công bố vấn đề nội bộ để giải quyết chúng.

Còn với những doanh nghiệp muốn tránh mắc phải scandal, Okubo khuyên “đã đến lúc mỗi công ty cần ngừng quảng bá mình là hàng Nhật Bản. Thay vào đó, họ nên bắt đầu xây dựng thương hiệu cho riêng mình”.

(Nguồn: Vnexpress)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn