Vì sao Hàn Quốc muốn xây nhà máy sản xuất động cơ máy bay tại Việt Nam?

Thế giớiThứ Năm, 22/06/2017 15:15:00 +07:00

Theo Businesskorea, Công ty Hanwha Techwin, một chi nhánh của Tập đoàn Hanwha, Hàn Quốc đã lên kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất động cơ máy bay tại Việt Nam.

Hanwha Techwin lựa chọn khu đất có diện tích 100.000 m2 gần Hà Nội để xây dựng nhà máy chế tạo các thành phần của động cơ máy bay, công ty Hàn Quốc đã đề nghị sự chấp thuận đầu tư từ phía chính quyền Việt Nam.

Nếu được phê duyệt, họ sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 8 và dự kiến sẽ bắt đầu vận hành từ nửa cuối năm 2018. Quy mô nhà máy vào khoảng 60.000 m2, gấp 8 lần kích thước một sân bóng đá thông thường. 

3504521

Máy bay huấn luyện - chiến đấu T-50 Golden Eagle trên dây chuyền lắp ráp.

Hanwha Techwin đang có những đơn đặt hàng quy mô lớn từ các nhà sản xuất động cơ máy bay tầm cỡ thế giới như General Electric (GE), Pratt & Whitney (P&W) và Rolls-Royce.

Công ty đã lên kế hoạch gia tăng doanh số bán các bộ phận động cơ máy bay dân dụng lên mức 1 nghìn tỷ won (900 triệu USD) vào năm 2025, trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực này, bằng việc mở rộng công suất lắp ráp thông qua thành lập các cơ sở sản xuất mới.

Sau khi đánh giá các ứng viên tiềm năng, họ quyết định chọn Việt Nam dựa vào vị trí thuận lợi cho dịch vụ hậu cần cũng như chi phí cạnh tranh. Một chuyên gia của Hanwha Techwin tiết lộ:

"Trong tương lai, dựa vào trình độ công nghệ, nhà máy Changwon sẽ là nơi sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nhà máy ở Việt Nam. Nhà máy tại Việt Nam chịu trách nhiệm đối với sản phẩm đòi hỏi cạnh tranh về giá bằng cách tận dụng trình độ công nghệ vượt trội cũng như kinh nghiệm kinh doanh của nhà máy Changwon".

Video: Máy bay không người lái UAV2 tốc độ cao của Quân đội Việt Nam (Nguồn: QPVN)

Hanwha Techwin được thành lập vào năm 1977 dưới tên gọi Samsung Techwin, công ty ký kết hợp tác kỹ thuật với General Electric và sản xuất động cơ cho máy bay phản lực của Hàn Quốc từ năm 1980, mở rộng sang chế tạo các hệ thống pháo tự hành 155 mm cho quân đội nước này từ năm 1984.

Năm 1987, Samsung Techwin đổi tên thành Samsung Aerospace Industries rồi bắt đầu sản xuất trực thăng. Tới năm 1997, họ tiến hành chế tạo chiếc tiêm kích nội địa KF-16 đầu tiên theo giấy phép của Mỹ.

Sang năm 1999, Samsung Aerospace Industries chuyển giao bộ phận sản xuất máy bay cho Tập đoàn Công nghiệp hàng không Hàn Quốc rồi lấy lại tên cũ Samsung Techwin, nhưng vẫn là nhà cung cấp động cơ cho các biến thể máy bay huấn luyện — chiến đấu T-50 Golden Eagle, đồng thời là cơ sở sản xuất pháo tự hành tiên tiến K9 Thunder.

Tháng 12/2014, Samsung Electronics công bố bán cổ phần của Samsung Techwin cho Tập đoàn Hanwha. Đến ngày 29/6/2015, Hanwha đã hoàn tất quá trình tiếp quản và đổi tên mới là Hanwha Techwin.

Việc trở thành một bộ phận trong chuỗi sản xuất của Hanwha Techwin sẽ giúp Việt Nam được tiếp cận những công nghệ hàng không hiện đại, từ đó tạo tiền đề cho ngành công nghiệp hàng không phục vụ cho cả dân sự lẫn quân sự của nước nhà trong tương lai.

Nguồn: Thời Đại
Bình luận
vtcnews.vn