Vì sao giá xăng không thống nhất trên toàn quốc?

Kinh tếThứ Bảy, 19/03/2016 11:29:00 +07:00

44 tỉnh thành và các đảo của Việt Nam được phân vào vùng 2 khi thiết lập giá bán lẻ xăng dầu, với mức chênh lệch so giá cơ sở tối đa là 2%.

44 tỉnh thành và các đảo của Việt Nam được phân vào vùng 2 khi thiết lập giá bán lẻ xăng dầu, với mức chênh lệch so giá cơ sở tối đa là 2%.

Tháng 10/2014, liên Bộ Tài chính - Công Thương có thông tư liên tịch gửi các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó nêu rõ phương pháp tính giá bán xăng phân theo các vùng.


Tháng 6/2015, Tổng giám đốc của tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ban hành văn bản quy định danh mục địa bàn vùng 2 trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Chênh lệch giá bán giữa các vùng nhằm tạo khoản thu bù chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà. 
Theo đó, 44 tỉnh/thành phố và các đảo Việt Nam sẽ áp dụng mức giá xăng riêng cho vùng 2. Mức giá này cao hơn giá của vùng 1 (bao gồm các tỉnh thành phố còn lại, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM...), và chênh với giá cơ sở tối đa 2%.


Đây được xem là mức bù chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp khi phải vận chuyển xăng dầu tới các khu vực xa cảng đầu nguồn tiếp nhận, xa đầu mối, xa cơ sở sản xuất...

Việc phân chia vùng trong kinh doanh xăng dầu từng được áp dụng trước năm 2008, nhưng gián đoạn khi Bộ Công Thương có quyết định bãi bỏ vào tháng 9/2008. Sau đó, quy định phân vùng được tái thực hiện.

Hiện tại, giá bán của xăng RON 92 tại vùng 1 là 13.750 đồng một lít. Giá bán lẻ tại An Giang (nằm trong vùng 2) là 13.950 đồng một lít (cao hơn 1,45%), còn các tỉnh khác (như Kiên Giang, Bình Thuận, Quy Nhơn...) có mức giá là 14.020 đồng (cao hơn 1,96%).

Tương tự, mức giá bán xăng E5 RON 92 tại vùng 1 là 13.320 đồng, trong khi ở phần lớn tỉnh thuộc vùng 2 có giá khoảng 13.580 đồng (cao hơn 1,95%). Giá dầu DO do Saigo Petro phân phối tại Ninh Thuận hiện thấp nhất trong các tỉnh thuộc danh sách vùng 2, chỉ 9.600 đồng, rẻ hơn 170 đồng so với An Giang.

Thực tế, các doanh nghiệp đầu mối không phải lúc nào cũng thực hiện đúng quy định về phân vùng bán lẻ xăng dầu của Bộ Công Thương.

Trong bản kết luận thanh tra Petrolimex tháng 6/2015, Thanh tra Chính phủ cho biết Petrolimex từng không tuân thủ quy định về bãi bỏ phân vùng bán lẻ mà Bộ yêu cầu vào tháng 9/2008 trong suốt thời gian từ tháng 2/2010 đến tháng 6/2013. Điều này, theo Thanh tra Chính phủ, đã giúp tập đoàn hưởng khoản doanh thu phát sinh gần 2.800 tỷ đồng.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn