Vì sao giá vàng nội lại cao hơn giá vàng quốc tế?

Kinh tếThứ Năm, 30/06/2011 02:47:00 +07:00

(VTC News) - Không thể tính đến sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế khi chỉ căn cứ trên tỷ giá quy đổi ở thời điểm hiện tại.

(VTC News)– Tỷ giá giao dịch giữa vàng quốc tế và giá vàng trong nước đang chênh lệch khoảng 500.000 đồng/lượng, nếu căn cứ trên tỷ giá quy đổi.  Khối lượng xuất khẩu vàng tăng lên là xu hướng dễ hiểu khi nhiều nhà đầu tư cho rằng chỉ cần chênh lệch 300.000 đồng/lượng là đã có lãi.

Vì sao lại có sự chênh lệch giá?

Các chuyên gia về vàng đều cho rằng nếu chỉ căn cứ trên tỷ giá giao dịch để xác định mức độ chênh lệch nhiều hay ít giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế là phiến diện. Có nhiều yếu tố căn cứ để lý giải cho sự chênh lệch này. Theo ông Nguyễn Thanh Trúc – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam thì mỗi ounce vàng khi vận chuyển về Việt Nam thường phải tính thêm chi phí vận chuyển, phí bảo hiểm rủi ro… Mức phí trung bình thường được cộng vào giá vàng khoảng 8 USD/ounce trước khi tính đến việc định giá trên thị trường.

Ngoài ra, tuổi vàng cũng là yếu tố phải được xem xét đến khi đối chiếu giá trong nước với giá quốc tế. Sau khi tính tất cả các yếu tố để cấu thành lên giá thì thực tế mức chênh lệch chỉ từ 120.000 – 150.000 đồng/lượng là nhiều, có thời điểm chì là vài chục nghìn đồng.

Sự chênh lệch về giá giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng quốc tế phải căn cứ trên nhiều yếu tố chứ không đơn giản chỉ là tỷ giá quy đổi ở thời điểm giao dịch hiện tại. (Ảnh internet)

Ông Vũ Minh Châu – Giám đốc Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho rằng, do lượng hàng của các nhà kinh doanh, phân phối vàng trong nước tại thời điểm nhập khẩu cao, nhu cầu mua trong dân thời gian qua chững lại nên việc thay đổi tỷ giá liên tục theo đà tăng giảm của thế giới chỉ là một tác động nhỏ tới giá vàng trong nước.

Giá nhập khẩu cao nên khi giá thế giới giảm mạnh, các nhà kinh doanh không thể điều chỉnh đột ngột theo biến động chung vì còn phải tính toán bảo toàn vốn. Ông cũng đồng tình quan điểm: không thể chỉ so sánh giá vàng căn cứ trên tỷ giá thực tế mà chúng ta vẫn theo dõi. Điều này còn phụ thuộc vào sự điều tiết thị trường của mỗi nền kinh tế.

Thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh – Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Kim Hoàn ACB – SJC cũng đưa ra 4 lý do: “Giá vàng trong nước chỉ chịu tác động một phần nhỏ những biến động của vàng thế giới; Cán cân cung – cầu vàng trong nước không theo kịp với đà cung – cầu của quốc tế; Tỷ giá USD – Việt Nam đồng đang được điều tiết bởi các chính sách vĩ mô của Nhà nước; Sự điều tiết xuất nhập khẩu vàng của chính phủ”. Vì thế, ông Khanh cho rằng không thể định giá vàng bằng tỷ giá trực quan mà phải tính đến rất nhiều yếu tố đang cùng chi phối, ảnh hưởng đến kim loại này.

Một số nhà kinh doanh vàng đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vàng. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm tháng 6/2011 đạt 630 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này từ đầu năm đến nay lên mức 1,027 tỉ USD. Mặc dù Nhà nước đánh thuế xuất khẩu là 10% đối với vàng là 999,9% nhưng lượng xuất khẩu vẫn gia tăng nhưng chủ yếu là vàng dạng trang sức thô.

Vàng vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất?

Theo nhận định của các chuyên gia trên thế giới, giá vàng 2011 sẽ liên tiếp lập đỉnh mới từ 1.500 USD/ounce trở lên. Thực tế, từ trung tuần đến ngày 29/4, giá vàng thế giới đã phá kỷ lục mọi thời đại khi ghi mốc 1.575USD/ounce. Giữa tháng 6 vừa qua, giá vàng thế giới đã cố gứng bứt phá nhưng chỉ chạm đến mức 1.549 USD/ounce và ngay sau đó sụt giảm về mốc 1.500 USD/ounce.

Những biến động chính trị ở các nước Trung Đông, khủng hoảng kinh tế ở Hy Lạp vẫn là các yếu tố hỗ trợ cho giá vàng trong thời gian tới. Khủng hoảng thì không thể giải quyết trong ngày một ngày hai nên về lâu dài, vàng vẫn là kênh đầu tư và trú ẩn an toàn nhất.

Những tác động này cũng khiến cho giá vàng trong nước có những đợt “sóng” khi liên tục tăng giảm từ 37, 60 triệu đồng/lượng đến 38,18 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, mức tăng giảm của vàng trong nước so với những biến động dữ dội của vàng thế giới thời gian qua không phải là quá mạnh. Có thời điểm, giá vàng trong nước lại thấp hơn giá vàng thế giới như những ngày đầu tháng 4 vừa qua.

Các chuyên gia vàng trong nước đều thận trọng khi đưa ra những nhận định về thị trường vật chất này do sự biến thiên liên tục của nó trong thời gian qua. Ông Vũ Minh Châu cho rằng rất khó để dự báo trước điều gì với loại kim loại này vì tính chất phức tạp của nó trên thị trường quốc tế và sự điều tiết của Nhà nước hiện nay.

Thạc sĩ Trần Trọng Quốc Khanh thì tin rằng: “Người dân vẫn cực kỳ thông minh và nhạy cảm trước các thông tin về vàng. Cùng với thói quen lâu đời về việc tích trữ vàng để tiết kiệm thì tình hình lạm phát hiện nay, sự bất ổn của nhiều yếu tố trong nền kinh tế chung sẽ vẫn khiến họ không ngừng mua vào để làm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của mình”.

Hoài Nam


Bình luận
vtcnews.vn