Vì sao giá điện vẫn nên và cần phải chia theo bậc thang lũy tiến?

Kinh tếThứ Ba, 29/09/2015 06:40:00 +07:00

Vì sao nên chọn phương án biểu giá điện bậc thang lũy tiến, lý do nào khiến các chuyên gia kiến nghị tiếp tục duy trì phương án biểu giá điện bậc thang lũy tiến

(VTC News) - Lý do nào khiến các chuyên gia tư vấn lại thống nhất kiến nghị nên tiếp tục duy trì phương án giá điện bậc thang lũy tiến, trong khi đây lại là một trong những lý do khiến hóa đơn tiền điện của người dân tăng "đột biến" trong thời gian qua?

Trong suốt quãng thời gian từ năm 2009 tới nay, biểu giá điện đã được điều chỉnh tới 7 lần, nhưng không lần nào nhận được sự đồng thuận từ phía người dân.


Nhất là với biểu giá điện mới được áp dụng từ ngày 16/3 vừa qua, được chia theo 6 bậc thang lũy tiến đã gây không ít bức xúc cho xã hội, làm tốn bao nhiêu giấy mực của báo giới và đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và kinh tế của người dân.

Tuy nhiên, trong các buổi hội thảo dự thảo cải cách cơ cấu biểu giá điện được EVN tổ chức vừa qua, bất kỳ chuyên gia nào trong tổ tư vấn cũng đều đưa ra ý kiến là nên, cần và phải giữ lại biểu giá điện bậc thang lũy tiến, quan trọng là thay đổi cách phân bậc và giá mỗi bậc sao cho hợp lý.
Lý do nào các chuyên gia lại khuyến nghị nên tiếp tục duy trì biểu giá điện bậc thang lũy tiến? - Ảnh minh họa
Không ít người tỏ ra ngạc nhiên khi thay vì chọn một phương án giá điện đơn giản hơn, "nhẹ nhàng" hơn như biểu giá điện một bậc duy nhất (đồng giá) thì các chuyên gia lại cùng thống nhất kiến nghị tiếp tục chia bậc thang lũy tiến, trong khi đây lại là một trong những lý do khiến cho giá điện của người dân tăng "đột biến" trong những tháng hè nắng nóng vừa qua.

Biểu giá điện bậc thang lũy tiến: "Báo chí kêu hộ người giàu"


Theo chuyên gia Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thời gian vừa qua dư luận đã "dậy sóng" vì giá điện, người dân kêu than phản đối, báo chí phản ánh liên tục.

Có lẽ chưa có năm nào giá điện, mà cụ thể ở đây là biểu giá điện bậc thang lũy tiến 6 bậc được áp dụng từ ngày 16/3 vừa qua lại thành chủ đề "nóng" đến như vậy. Thế nhưng, theo ông Kiên, dù phản đối là vậy nhưng vẫn nên thống nhất duy trì chia biểu giá điện theo công thức bậc thang lũy tiến.

Ông Kiên phân tích, trong tất cả các nguyên nhiên liệu đầu vào của ngành điện, trừ than là EVN có thể mua theo giá thời đại, còn lại tất cả các loại khác, kể cả giá khí đều phải mua theo với mức giá gần tiệm cận với giá thị trường. Tuy nhiên, giá thành bán buôn, bán lẻ lại phải là do quyết định từ phía Thủ tướng chính phủ, và khi đã được Thủ tướng xem xét, phê duyệt thì lúc đó mới chính thức đưa vào áp dụng.

Theo ông Kiên, đây có thể xem là một nghịch lý trong giá điện, nhưng khi đối chiếu với các văn kiện dự thảo Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 thì điều này vẫn phù hợp, vì chúng ta vẫn đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có thể thấy giá điện là vấn đề có tầm quan trọng ảnh hưởng tới cả về kinh tế, chính trị lẫn an sinh xã hội. "Vì vậy chia thế nào thì chia, nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của số đông", ông Kiên nhấn mạnh.

Cụ thể ông Kiên phân tích, dựa trên thống kê năm 2014, tỷ lệ số hộ dân dùng dưới 50 kWh chiếm tới 21% tổng số hộ dân, số hộ dùng 51 - 100 kWh chiếm 25% và 101 - 150 kWh chiếm gần 20%. Như vậy sản lượng dùng của những hộ nghèo, cận nghèo và công chức dùng tổng lượng điện "loanh quanh" trong khoảng 150 kWh đổ lại, chiếm khoảng 60% tổng số hộ dân. Còn với những hộ sử dụng tới hơn 400 kWh thì chỉ chiếm có 4,7%.

Vì vậy khi chia bậc thang cho biểu giá điện, đây sẽ là căn cứ quan trọng để phân số lượng điện trong mỗi bậc sao cho phù hợp với nhu cầu tiêu thụ điện của đa số người dân, cụ thể nằm trong nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất là từ 0 - 150 kWh mà trong đó có cả những hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Kiên khuyến nghị, bản thân người dùng điện phải hiểu rằng điện không phải là ngành sản xuất hàng hóa thuần túy, mà là một ngành sản xuất đặc thù, đặc biệt không tái tạo. Cho nên với nguồn lực của đất nước như hiện nay, chúng ta cần phải khuyến khích sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả và phải coi đó là một nguyên tắc.

"Người Việt Nam thường nói rằng đất nước chúng ta có rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu, nhưng bắt đầu từ năm 2017, chúng ta sẽ phải nhập than", ông Kiên mở rộng vấn đề.

Ông lấy ví dụ vào thời điểm khi còn đương nhiệm Phó Bí thư tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng, tại đây có một nhà máy được PVN tiến hành đầu tư, nhưng dự kiến nguyên liệu than 100% sẽ phải nhập từ nước ngoài.

Tuy nhiên điều đáng nói là nhiều mỏ than ta đã đàm phán, sắp ký kết được hợp đồng thì bất ngờ lại bị nước khác nhảy vào mua tranh mất. Do đó mới thấy việc mua nhiên nguyên liệu từ nước ngoài cũng có thể gặp rất nhiều rủi ro chứ không hề dễ dàng chút nào.

Nếu nhìn vào những điều này thì ta mới thấy tầm quan trọng của việc sử dụng tiết kiệm điện, và đó là lý do vì sao mà chúng ta nên tiếp tục duy trì biểu giá điện chia theo cấp độ bậc thang lũy tiến. Tuy nhiên, ông Kiên cũng nhấn mạnh, biểu giá điện theo bậc thang lũy tiến có thể là 5 bậc, 6 bậc hay thậm chí 10 đến 15 bậc, nhưng quan trọng là vẫn phải tính toán dựa trên số đông người nghèo.

Đứng trước hội thảo, ông Kiên còn chia sẻ: "1,3 triệu dân Sóc Trăng chúng tôi thì chỉ có hơn 100.000 người dùng quá 100 số bởi vì đa số đều là các hộ nông dân, bởi vì cả nhà chỉ có 2 ngọn đèn thôi. Mà nếu dùng đèn loại đèn led tiết kiệm điện thì dùng một giờ chỉ hết có 24W. Mà dùng từ 6 - 10 giờ tối, bật duy nhất 1 ngọn đèn để cho con học, còn lại là tối đi ngủ sáng mai đi làm, cùng lắm bật thêm cái tivi. Thế nên báo chí bây giờ kêu cũng là kêu hộ người giàu thôi, là đại diện cho một tỉnh nghèo tôi chỉ muốn nói như vậy để cho mọi người thông cảm", ông Kiên nói.

Sẽ không thể có được một biểu giá điện "hoàn hảo"?

Phân tích về lý do lựa chọn phương án biểu giá điện lũy tiến, GS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thì cho rằng, trên thị trường, chỉ có những loại mặt hàng cung vượt cầu mới có thể tính giá theo kiểu dùng càng nhiều, giá càng giảm.

Còn đối với loại hàng hóa năng lượng với đặc thù không tái tạo như điện, nhất là trong tình hình cung mới chỉ gần đủ cầu, thậm chí còn thiếu như hiện nay thì không thể áp dụng được theo quy tắc này.

Vì vậy theo ông Thiên, nên giữ nguyên cách tính giá điện bậc thang, nhưng chỉ dừng ở khoảng 3 - 4 bậc và  phải giãn khoảng cách giữa các bậc, đảm bảo không quá nhảy cóc sẽ có lợi cho người tiêu dùng và không thiệt cho EVN.

Ngoài ra, ông Thiên cũng nhấn mạnh, rằng không thể mong muốn có được một biểu giá bán điện mà có thể đáp ứng được lợi ích của tất cả nhu cầu của các hộ dân.

Giá điện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác khi có liên quan trực tiếp đến chính trị xã hội và đời sống nhân dân, đặc biệt là về hệ số lương, cho nên giá điện dù tiếp tục duy trì bậc thang lũy tiến nhưng sẽ cần phải đáp ứng được nhu cầu của số đông người tiêu dùng.

Đóng vai trò là đại diện cho phía người tiêu dùng tham gia trong buổi hội thảo dự thảo cải tiến biểu giá điện ở miền Bắc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, giá điện, giá xăng thực sự là những vấn đề hết sức nhạy cảm vì nó tác động trực tiếp tới đời sống sinh hoạt, tới túi tiền của người dân.

Vì vậy, không nên có sự thay đổi quá lớn làm xáo trộn cuộc sống của người dân, vẫn nên tiếp tục áp dụng theo biểu giá điện bậc thang lũy tiến để khuyến khích người dân tiết kiệm điện.

Tại đay, chính ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nói rằng, sẽ không thể có biểu giá điện nào có thể thỏa mãn mọi lợi ích của mọi tầng lớp xã hội, vì vậy người tiêu dùng nên san sẻ lợi ích để tạo được sự hài hòa, đồng thuận về giá điện.

Hiện nay, trong 3 phương án về giá điện, một là giữ nguyên 6 bậc lũy tiến, hai là một bậc duy nhất và ba là 3 - 4 bậc lũy tiến thì đa số các đại biểu, các chuyên gia đều tập trung vào phương án 3, cụ thể là giãn khoảng cách về số lượng điện giữa các bậc, đồng thời giảm giá bậc thấp và tăng giá bậc cao.

Phương án này sẽ đáp ứng được các tiêu chí: Quan tâm đến người nghèo, buộc người giàu tiết kiệm điện, đảm bảo an sinh xã hội, giảm bù chéo và cân đối chi phí sản xuất điện cho EVN.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn