Vì sao Gateway và nhiều trường tự gắn mác quốc tế thời gian dài nhưng không bị 'tuýt còi'?

Giáo dụcThứ Sáu, 09/08/2019 16:41:00 +07:00

Nhiều trường ngoài công lập tự quảng cáo hình ảnh, thu hút học sinh bằng cách gắn mác quốc tế, nhưng vì sao vẫn chưa bị cơ quan chức năng xử lý.

Thông tin Gateway không phải trường quốc tế được ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng giáo dục quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết tại buổi họp báo về vụ học sinh chết thương tâm do bị bỏ quên trên xe ô tô, khiến nhiều người sửng sốt, hoang mang, nhất là với các bậc phụ huynh.

Với nhiều phụ huynh, chỉ cần trường có yếu tố nước ngoài, có giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh thì họ mặc định là quốc tế và sẵn sàng chi 300-400 triệu đồng một năm để con theo học.

Nắm bắt tâm lý "sính ngoại" của người Việt, các trường tư thục "mọc nhan nhản" với danh xưng là quốc tế (International) nhiều năm nay. Tại TP.HCM, hiện có 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài, nhưng thực tế rất nhiều trường trong số đó vẫn ghi xưng danh quốc tế. Ở Hà Nội cũng tương tự, hàng loạt trường tư thục tự ý gắn mác hai chữ quốc tế. 

gate

Trường Gateway tự gắn thêm chữ quốc tế vào tên trường.

Thực tế, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam, không hề có quy định nào về trường quốc tế, vì thế cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho ngôi trường này. 

Theo Điều 48 của Luật giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Trường công lập; dân lập; tư thục. Luật giáo dục mới được Quốc Hội thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.

Chính phủ cũng ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: "Trường", "Cấp học hoặc trình độ đào tạo" và tên riêng.

Rõ ràng theo quy định này, thì nhiều trường có tên gọi "quốc tế" đều sai quy định, họ tự gắn mác nhằm thu hút học sinh. 

Vậy vấn đề đặt ra là tại sao Hàng loạt trường tư đều có chữ quốc tế "chình ình" ngoài cổng trường, biển hiệu và trên website, nhưng chưa bị tuýt còi.

Câu hỏi này cũng đặt ra tại buổi họp báo nhưng đại diện Phòng giáo dục quận Cầu Giấy từ chối trả lời.  Phóng viên VTC News cũng gửi câu hỏi tới Sở GD&ĐT Hà Nội nhưng chưa nhận được câu trả lời. 

Chia sẻ với VTC News, TS Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trường quốc tế phải có giáo viên người nước ngoài, có đội ngũ học viên người ngoại quốc, có nhà đầu tư ngoại quốc, có chi nhánh ở toàn cầu với các chương trình giáo dục chất lượng và được thừa nhận rộng rãi trên trường quốc tế.

"Những trường hiện gắn mác quốc tế đều là những trường có yếu tố nước ngoài có thể gồm vốn của nước ngoài một phần, cán bộ quản lý giáo viên có thành phần người nước ngoài, chương trình giáo dục liên kết...

Việc một số trường có yếu tố nước ngoài gắn mác quốc tế mà không có đặc trưng quốc tế là vi phạm về luật quảng cáo và quy định của ngành giáo dục...lừa người dân thiếu thông tin. Trách nhiệm về việc một số trường để tên quốc tế thuộc về Sở GD&ĐT chứ không phải của Bộ GD&ĐT", TS Hoàng Ngọc Vinh nói.

Tại buổi công bố kết luận thanh tra việc quản lý hoạt động liên kết đào tạo, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Sở GD&ĐT Hà Nội, Thanh tra Bộ GD&ĐT đề nghị Sở sớm tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Tùng Lâm - Khôi Minh
Bình luận
vtcnews.vn