Vì sao doanh nghiệp không mặn mà với doanh nghiệp nhà nước?

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Tư, 01/11/2017 16:26:00 +07:00

Các chuyên gia cho biết nguyên nhân dẫn tới việc các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chưa thu hút được cổ đông chiến lược do việc định giá chưa đúng và thông tin thiếu minh bạch.

Chiều 30/10, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ công bố báo cáo kết quả nghiên cứu về “Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” với mục đích hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp CPH.

1e8slide-cangsaigon3

 Ảnh minh họa.

Theo CIEM, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả tiến trình CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn thấp so với kỳ vọng và mục tiêu đề ra.

Cụ thể, theo ông Phạm Đức Trung- Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (CIEM) cho rằng: Năm 2017, Quốc hội đặt mục tiêu CPH và thoái vốn nhà nước khỏi các DNNN thu về 60.000 tỷ đồng, tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay mới thu được 12.000 tỷ đồng.

“Chúng ta đã đi được ¾ quãng đường của năm 2017 nhưng mới đạt được khoảng 20% kế hoạch đề ra”- Ông Phạm Đức Trung nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến CPH DNNN tại Việt Nam diễn ra chậm là bởi chúng ta chưa thu hút được nhiều cổ đông chiến lược vào quá trình CPH, nhất là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế.

Về vấn đề này, báo cáo chỉ ra 5 nguyên nhân, bao gồm: Việc khống chế sở hữu cổ đông chiến lược nước ngoài tại DN sau CPH; Định giá DN và giá bán cổ phần chưa theo chuẩn mực quốc tế; DNNN kém hấp dẫn; Thiếu công khai, minh bạch thông tin trong quá trình CPH; Quy trình CPH phức tạp và phương thức bán cổ phần linh hoạt.

Chuyên gia kinh tế, Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM cho rằng: Một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu và hiệu quả của CPH nói chung và nâng cao chất lượng quản trị DN CPH nói riêng là thu hút nhà đầu tư chiến lược vào CPH, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang lại nguồn tài chính mới mà còn mang lại những giá trị gia tăng cho DN tăng trưởng, đồng thời đóng góp tích cực cho ngân sách nhà bước và cho sự phát triển của ngành công nghiệp có liên quan.

Theo TS. Võ Trí Thành, trong việc quy định giới hạn tỉ lệ cổ phần với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, cần bảo đảm sự công bằng giữa nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và trong nước. Cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỉ lệ cổ phần giống như các cổ đông trong nước, cho phép họ sở hữu chi phối ở các ngành lĩnh vực không thiết yếu…

Về định giá tài sản, thương hiệu, định giá đất, ông Thành cho rằng, cần có sự giám sát chéo giữa các cơ quan, bảo đảm tính độc lập, minh bạch trong quá trình định giá.

PV
Bình luận
vtcnews.vn