Vì sao doanh nghiêp bất động sản bị 'loại' khỏi danh sách ưu đãi lãi suất?

Bất động sảnThứ Bảy, 28/08/2021 09:41:15 +07:00
(VTC News) -

Nhiều ngân hàng lớn tiếp tục hạ lãi suất cho vay nhưng vay kinh doanh bất động sản lại nằm ngoài ưu đãi này.

Mới đây các ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất và bổ sung gói tín dụng lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Tuy nhiên, trong đợt giảm lần này, nhiều ngân hàng lưu ý: Việc giảm lãi suất trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, doanh nghiệp bất động sản đóng góp không nhỏ vào hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng. Vậy mà khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì lại bị loại trừ ra khỏi các chương trình hỗ trợ là không công bằng.

Vì sao doanh nghiêp bất động sản bị 'loại' khỏi danh sách ưu đãi lãi suất? - 1

Vì sao bất động sản không được ưu đãi lãi suất?

Theo bà Hương, hiện các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước rất nhiều khó khăn.

"Lấy ví dụ ngay với Đại Phúc Land đang triển khai một dự án ở TP. Thủ Đức, trước đó gặp khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý, thì nay chịu thêm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến khó khăn nhân lên nhiều lần”, bà Hương thông tin. 

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS cũng cho biết, hiện nay 60 - 70% là các doanh nghiệp môi giới, đa số là những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên việc phân phối sản phẩm do chủ đầu tư cung ứng ra.

Do nguồn lực có hạn, những doanh nghiệp này chỉ có thể gồng mình trong một thời gian nhất định.

"Do vậy, việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cấp thiết. Các ngân hàng cần xem xét giảm thêm lãi suất, giãn, hoãn nợ để doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì hoạt động kinh doanh cũng như phát triển dự án để qua đó gián tiếp giảm thiểu con số nợ xấu đến từ ngành bất động sản trong tương lai gần" - ông Tuyển nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc (Chủ tịch LP Group) cũng cho rằng chính sách trên của các ngân hàng là không hợp lý và thiếu công bằng. Mặc dù việc quyết định lãi suất tùy thuộc vào các ngân hàng để ưu tiên cho các nhóm khách hàng của mình, nhưng hãy dựa vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra để xem xét lại. 

Ngoại trừ nhóm các doanh nghiệp bất động sản đang có sản phẩm bán ra trong mùa dịch, đa số còn lại sẽ chịu tác động kép nếu trong trường hợp ngân hàng không hỗ trợ lãi suất. Nghị định 52/2021/NĐ-CP vừa qua không xếp doanh nghiệp bất động sản là ngành sản xuất là điều bất hợp lý. Xét thực tế, ngoại trừ đất hoang hóa bỏ trống, có loại đất nào đang không tham gia vào quá trình sản xuất để tạo giá trị xã hội? 

Không thể xác định kinh doanh bất động sản là ngành dịch vụ như hiện nay để “máy móc” áp dụng loại bất động sản ra các chính sách ưu đãi. Vì lẽ vậy, chính sách tiền tệ ở thượng tầng phải công bằng và thống nhất với tất cả các nhóm doanh nghiệp, đó là chưa kể phải ưu tiên vì lĩnh vực bất động sản đóng góp nguồn thu lớn nhất cho hệ thống ngân hàng”, Luật sư Lộc bày tỏ.

Ở một góc nhìn khác, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, với tình hình dịch bệnh hiện tại, việc cho vay cũng không mấy hiệu quả do lượng giao dịch thấp. Người mua cũng gặp hạn chế trong việc đi lại để thực hiện thủ tục như công chứng, ký giấy, xem đất…

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu tăng cao và tạm dừng các công trình xây dựng cũng gây khó khăn trong việc hoàn thiện công trình. Thị trường lúc này, cung và cầu đều giảm.

Một số chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, thị trường bất động sản ở Việt Nam là thị trường đặc thù, bất động sản luôn được lựa chọn là điểm đến cuối cùng của dòng tiền đầu tư. 

Do đó, nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm thì nguy cơ tạo ra bong bóng bất động sản.

Hiện nay, một điều “bất thường” đang xảy ra ở thị trường chứng khoán và bất động sản, khi dòng tiền liên tục chảy vào 2 thị trường này. Nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, dù hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ nhưng cổ phiếu lại không ngừng tăng giá. 

Hay thị trường bất động sản dù thanh khoản chậm nhưng giá chung cư, đất nền vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp