Vì sao điểm Lịch sử THPT Quốc gia 'đội sổ' nhiều năm?

Giáo dụcChủ Nhật, 21/07/2019 09:36:00 +07:00

Nhiều năm liên tiếp, kết quả thi THPT Quốc gia cho thấy, Lịch sử luôn thấp nhất, khiến nhiều giáo viên dạy băn khoăn vấn đề môn chính - môn phụ.

Kết quả nhiều năm “đội sổ”

Kết quả kỳ thi THPT quốc gia môn Lịch sử 4 năm gần đây cho thấy điểm trung bình chưa có năm nào đạt điểm 5. Cụ thể, năm 2016, điểm trung bình môn này là 4,49 điểm; năm 2017 hạ xuống còn là 4,6; năm 2018 “rớt đáy” thê thảm ở mức 3,79 điểm.

Năm 2019, điểm trung bình môn Lịch sử khấm khá hơn nhưng cũng chỉ ở mức 4,30. Trong gần 570.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử năm nay, chỉ có hơn 6.700 bài thi đạt điểm 8 trở lên, còn lại hơn 70% bài thi đạt điểm dưới trung bình. Mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 3,75.

Cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, đề thi Lịch sử chất lượng tốt, không có vấn đề gây tranh cãi nhưng kết quả phổ điểm trung bình lại thấp nhất.

Lý giải điều này, cô Huyền cho rằng, có sự chênh lệch về chất lượng giáo viên các vùng miền; sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học. “Ví dụ, các trường có thể bỏ kinh phí đầu tư phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm hay phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho một số môn học rất dễ dàng, nhưng khi nói đến đầu tư cho môn Lịch sử là có sự cân nhắc”, cô Huyền nói.

Mong mỏi lớn nhất của cô cũng như nhiều giáo viên dạy môn học này là được trang bị các thiết bị hỗ trợ, phần mềm dạy học cần thiết và được tạo môi trường thuận lợi hơn.

anh_thi_bcls

 Học sinh thường ít chọn thi đại học với môn lịch sử.

Trong khi đó, cô Hoàng Thị Lan Hương, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) lại cho rằng, thực tế hiện nay học sinh không còn hứng thú với môn học, các em lựa chọn hướng khác. Sự lựa chọn này phần nhiều đến từ sự định hướng của gia đình, mong muốn các em theo đuổi 3 môn chính là Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ.

“Nhiều phụ huynh cách kỳ thi tốt nghiệp THPT 2-3 tháng đến gặp giáo viên để nhờ phụ đạo cho con môn Lịch sử chỉ mong con đủ điểm tốt nghiệp” - cô Hương chia sẻ.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, học sinh “ngại” học Sử, lựa chọn môn này chỉ để thi tốt nghiệp là thực tế ở nhiều trường THPT. “Giáo viên dạy bộ môn có thể buồn tủi nhưng thực tế, học sinh cần đầu tư thời gian vào môn học cho ngành xét tuyển là điều đương nhiên”, một giáo viên dạy Toán ở Hà Nội nêu ý kiến.

Vì vậy, theo giáo viên này, việc điểm thi lịch sử nhiều năm liên tiếp “đội sổ” không có nghĩa chất lượng dạy - học của giáo viên, học sinh kém.

Thi và học có độ vênh

Khi có kết quả thi THPT Quốc gia, nhiều ý kiến tranh cãi, đổ lỗi cho nhau xung quanh kết quả thi của môn học này. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay phương pháp dạy học Lịch sử khô cứng, nhiều sự kiện khiến học sinh sợ hãi. Cũng có ý kiến chỉ ra nguyên nhân học sinh quay lưng với môn học là do không có nhiều ngành nghề tuyển dụng môn học này.

Mới đây, tại buổi toạ đàm do Bộ GD&ĐT gấp rút tổ chức để tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử, GS.TS Vũ Minh Giang chỉ ra thêm nguyên nhân khiến điểm thấp nhiều năm nay là do cách học và cách thi có độ chênh đáng kể.

Ông lí giải, kết quả cao hay thấp từ một kỳ thi chưa chắc do trình độ học sinh mà còn do đề thi. Việc ra đề thi Lịch sử mấy năm qua đã đổi mới như áp dụng thi trắc nghiệm, câu hỏi không bắt buộc ghi nhớ sự kiện nhưng người học vì vẫn phải học theo cách cũ nên chưa thích ứng ngay được với đề thi này.

GS Giang kiến nghị, cần kiên quyết bỏ lối tư duy “không sự kiện làm sao thành Sử. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây, phải làm được điều này, phải làm cho học sinh thích Sử”, ông nói.

GS.TS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, trong chương trình mới, môn Lịch sử có nhiều đổi mới, không áp đặt, “xoá sổ” việc ghi nhớ dữ liệu mà tập trung vào năng lực nhận diện, hiểu và sử dụng sử liệu để áp dụng vào thực tế.

Tuy nhiên, để thu hút học sinh, môn học này cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành… cần được xét tuyển bằng môn Lịch sử. Khi Lịch sử là một môn quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn.

PGS.TS Vũ Quang Hiển, Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm phải nâng cao vai trò, vị thế của môn học trong nhiều bối cảnh. Ông đưa ra ví dụ ở Canada khi muốn nhập quốc tịch cần phải biết lịch sử của nước họ cho thấy môn Lịch sử được đề cao.

Trong khi, ông cảm nhận, dường như thầy cô dạy Sử phổ thông vẫn là “tầng lớp” yếu thế.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, thời gian tới Bộ sẽ rà soát lại chương trình môn sử ở bậc phổ thông, theo đó những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, hạn chế độ trễ, độ vênh giữa học và thi, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới.

Bộ trưởng khẳng định: “Lịch sử là môn học có vị trí quan trọng ở bậc phổ thông. Làm sao để đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp, hiệu quả. Đội ngũ giáo viên các cấp cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu. Khi thầy cô chuyển động môn sử sẽ chuyển động” - Bộ trưởng nói. 

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn