Vì sao đến năm 2021 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới kết thúc?

Thời sựThứ Bảy, 31/03/2018 12:08:00 +07:00

Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cho biết, sau 24 tháng kể từ khi hoàn thành, nhà thầu có trách nhiệm bảo hành công trình để quyết toán hợp đồng xây dựng nên dự án sẽ kết thúc trong năm 2021.

Video: Thực hư việc đường sắt Cát Linh - Hà Đông tới năm 2021 mới hoàn thành

Ngày 31/3, trả lời PV VTC News, ông Vũ Hồng Phương - Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, thông tin chính thức về các mốc tiến độ của dự án.

Theo đó, ngày 2/9/2018, bắt đầu đưa dự án vào vận hành chạy thử với thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng.

Tiếp đó, hoàn thành giai đoạn xây dựng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đồng thời đưa vào vận hành và khai thác thương mại trong quý 4/2018.

Sau 24 tháng kể từ khi hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng, nhà thầu có trách nhiệm bảo hành công trình xây dựng đường sắt Cát Linh - Hà Đông để quyết toán hợp đồng xây dựng nên dự án sẽ kết thúc trong năm 2021.

Bên cạnh đó, ông Phương khẳng định: “Một số thông tin cho rằng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vỡ tiến độ đến là hoàn toàn sai lệch”.

Trước đó, một số thông tin cho rằng, tiến độ khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông một lần nữa vỡ kế hoạch khi lùi thời hạn đến quý 4/2018 và kết thúc xây dựng vào năm 2021.

Tuy nhiên, chiều 30/3, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ Trưởng Bộ GTVT cho rằng, tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, tức là sẽ vận hành, khai thác thương mại vào tháng 12/2018.

“Tiến độ này chắc chắn sẽ đạt được và không thay đổi” - ông Thể khẳng định.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km, gồm 12 ga đi trên cao. Điểm đầu tuyến tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (quốc lộ 6).

Dự án khởi công từ tháng 10/2009, tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.

Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này được đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải liên tục điều chỉnh tiến độ vì nhiều lý do, trong đó nguồn vốn giải ngân là điểm nghẽn lớn nhất.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn