Vì sao đàn vịt 30 con ở ao chùa Triều Khúc lại hút hàng ngàn người với trống dong cờ mở?

Thời sựThứ Hai, 12/09/2016 11:52:00 +07:00

Hàng ngàn người vây kín ao chùa Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), với trống dong cờ mở, chứng kiến và tham gia trò “ném bưởi, đuổi vịt” có một không hai của ngôi làng cổ này…

Trải qua 1.225 năm kể từ năm 788 đến nay, năm nào dân làng Triều Khúc cũng tổ chức tưởng niệm ngày giỗ của Đức Thánh Phùng Hưng.

Sáng nay (ngày 12/9), hàng ngàn người đã nô nức kéo về làng Triều Khúc để tham dự lễ hội đặc biệt nhân dịp hóa Thánh của Đức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (13/8 âm lịch).

14339373_916867478456978_808222469_o

Hàng ngàn người tập trung từ rất sớm để chứng kiến và tham gia trò "ném bưởi, bắt vịt" trong lễ hội của làng Triều Khúc. Ảnh Đ.K

Tại lễ hội, trò chơi "ném bưởi, đuổi vịt" trở thành điểm nhấn, thu hút hàng ngàn người khắp nơi, đặc biệt là các nam thanh niên bơi giỏi. Địa điểm diễn ra ở ngay tại ao chùa.

Ban tổ chức thả 30 con vịt xuống hồ để người bơi đuổi theo để bắt. Trên bờ, người dân thi nhau ném hàng trăm quả bưởi xuống ao để đuổi cho vịt bơi tứ tán, "làm khó" những người đang bơi để bắt vịt dưới hồ.

14273334_916868048456921_258658849_o

Rất nhiều thanh niên bơi giỏi háo hức tham gia trò chơi. Ảnh Đ.K

Nhóm thanh niên đã dùng nhiều chiêu để đuổi và bắt vịt, nhưng cũng rất khó khăn mới có thể tóm được chú vịt. Lúc thì nhóm dồn đàn vịt vào góc rồi vây bắt. Lúc thì nhóm dồn đàn vịt gần bờ, rồi một nhóm chạy lên bờ lao xuống giữa đàn vịt.

Thậm chí, có nhiều thanh niên vui quá, thấy đàn vịt sát bờ, liền mặc nguyên cả quần áo lao xuống, mới phát hiện… chiếc điện thoại thông minh vẫn trong túi quần!

14339443_916868335123559_420746530_o

Chiêu dàn trận "bát quái" bắt vịt của nhóm thanh niên. Ảnh Đ.K

Nhiều người dân trên bờ cùng hùa nhau đuổi vịt. Nhóm thanh niên bắt vịt còn vớt bưởi ném lên bờ cho người dân. Không khí náo nhiệt cả vùng rộng lớn.

Đội thắng thua đã được phân định nhưng niềm vui lớn nhất của những người tham gia cuộc thi có một không hai này chính là đã tạo ra một không gian lễ hội truyền thống hiếm có ở một làng quê ven đô như Triều Khúc.

14328814_916870831789976_1765466875_n

Anh Cao Duy Tuân (công an viên xã Tân Triều) đã bắt được 4 con vịt. Ảnh Đ.K

Trước đó, mở màn cho chuỗi trò chơi của lễ hội là cuộc thi đi xe đạp chậm. Đây là một trò chơi khá thú vị, bởi nếu chỉ đứng ngoài thì ai cũng nghĩ đơn giản nhưng thực tế đây là trò chơi rèn luyện tính kiên nhẫn cho người chơi. Chiếc xe đạp được xì hơi lốp trước, người tham gia không được đạp hết vòng.

Do đó, để về đích thành công, người chơi không được nóng vội và đòi hỏi tập trung cao độ để giữ thăng bằng cho xe. Phần thưởng cho người thắng cuộc này là số tiền nho nhỏ cùng với một chiếc chổi, một chiếc khăn và bao thuốc lá.

Giải thích điều này, các cụ cao niên trong làng cho biết, chiếc khăn là biểu tượng của nghề dệt truyền thống của làng, còn chiếc chổi được bện từ lông gà, lông vịt cũng là một nét đặc trưng riêng có của nghề thu gom lông gà, lông vịt của làng.

Một trò chơi khá độc đáo là thi chạy hóa trang. Có ba loại quần áo được đưa ra dành cho nông dân, bộ đội và công nhân. Người tham gia sẽ chọn một bộ bất kỳ, sau đó vừa chạy vừa mặc. Đội nào về đích sớm sẽ thắng cuộc. Điểm thú vị là những trang phục dự thi này là những trang phục truyền thống nên khá nhiều chi tiết rườm rà đòi hỏi người tham gia phải rất nhanh tay, nhanh chân mới có thể theo kịp.

20160912_094357

Chị Triệu Thanh Hằng và con gái Đỗ Nhật Linh vui mừng trong lễ hội truyền thống của làng. Ảnh Đ.K 

Nếu như trong lễ hội, bên cạnh những hình thức trang trọng của phần lễ được mọi người tham gia với lòng thành tâm vô bờ thì phần hội bao gồm các hoạt động biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian thường là màn thu hút giới trẻ.

Mỗi năm, làng Triều Khúc có tới 14 lễ liên quan đến thờ cúng Đức Thánh Phùng Hưng. Trong đó, có ba ngày quan trọng nhất là: Ngày mồng 10 tháng Giêng là ngày Ngài lên ngôi vua; ngày 25/11 là ngày sinh của Ngài và ngày 13/8 là ngày hóa Thánh của Ngài. Theo tích xưa, Phùng Hưng thắng giặc, lên ngôi vua, xưng là Bố Cái Đại Vương.

14273334_916868048456921_258658849_o

 

Sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ và suy tôn làm Thành Hoàng. Cứ ba năm một lần, làng mới tổ chức lễ chính rước sắc Thành Hoàng. Lễ hội là dịp để người dân tạ ơn thánh thần đã mang lại cuộc sống no ấm, an bình cho dân làng. Sau lễ rước sắc là lễ nhập tịch, cuối cùng là lễ tế giã rước Thánh hoàn cung…

Dưới đây là chùm ảnh trò chơi "ném bưởi, bắt vịt" trong lễ hội Hóa Thánh Phùng Hưng (thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).

Video: Đàn vịt 30 con ở ao chùa Triều Khúc khiến hàng ngàn người náo nức

Đức Kế
Bình luận
vtcnews.vn