Vì sao Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức thi đánh giá năng lực năm 2017?

Giáo dụcThứ Ba, 13/12/2016 07:26:00 +07:00

Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những lý giải về việc không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh năm 2017.

Trong 2 năm 2015 và 2016, kì thi đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ công tác tuyển sinh bậc đại học hệ chính quy của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã thu hút được sự chú ý của dư luận.

Năm 2017, ĐHQGHN quyết định không tổ chức kỳ thi ĐGNL như 2 năm trước, mà sử dụng kết quả các bài thi THPT quốc gia, phục vụ công tác xét tuyển bậc đại học.

nguyen kim son -1

 PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN

Trả lời VTC News về vấn đề này, PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN cho biết triển khai các nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2013, Chính phủ và Bộ Giáo dục Đào tạo đã giao ĐHQGHN làm đơn vị thí điểm đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) cho ngành.

Thực hiện chỉ đạo về việc đổi mới ấy, ĐHQGHN đã nghiên cứu và áp dụng thành công việc sử dụng bài thi tổng hợp để ĐGNL thí sinh thông qua các kì thi trong 2 năm 2015, 2016 nhằm phục vụ công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy.

Thi ĐGNL là một bài thi tổng hợp dùng các câu hỏi chuẩn hóa, được thực hiện trên máy tính, mỗi thí sinh một đề riêng, thí sinh thi xong biết kết quả ngay.

"Chúng tôi đã xây dựng lộ trình đổi mới với nhiều giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất thiết kế bài thi đánh giá tổng hợp chung mang tính sàng lọc.

Giai đoạn hai, hoàn thiện việc kết hợp các hình thức đánh giá, gồm đánh giá năng lực chung và đánh giá năng lực chuyên biệt cho các ngành đặc thù có nhu cầu riêng", PGS Nguyễn Kim Sơn nêu.

Ông Sơn cho rằng, mặc dù phương thức ĐGNL còn rất mới ở Việt Nam, nhưng thông qua kì thi do ĐHQGHN tổ chức, những đặc tính ưu việt nổi trội của phương thức này đã tạo được sự tin cậy của đông đảo phụ huynh và học sinh, đồng thời thu hút sự cộng hưởng của công luận và xã hội.

Video: Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về tổ chức thi trắc nghiệm

"Phương thức ĐGNL hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, tránh học lệch/học tủ, tiết kiệm thời gian, công khai kết quả sau khi thi và loại bỏ tình trạng thi cử căng thẳng, dồn dập như thời gian qua", Giám đốc ĐHQGHN nói.

Khác với 2 năm trước đây, năm 2017, ĐHQGHN không tổ chức riêng một kỳ thi ĐGNL để phục vụ công tác xét tuyển bậc đại học cho mình và nhóm trường đăng kí sử dụng kết quả của kì thi này.

"ĐHQGHN sẽ xét tuyển đại học chính quy dựa trên kết quả các bài thi THPT quốc gia năm 2017", PGS Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Ông Sơn cũng lý giải có lựa chọn này bởi những đổi mới trong phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản gần với định hướng, mục tiêu, triết lí của đổi mới tuyển sinh ở bài thi ĐGNL chung mà ĐHQGHN đã triển khai trong thời gian vừa qua.

Trong bối cảnh như vậy, ĐHQGHN nhận thấy rằng, việc tập trung thêm nguồn lực (lượng câu hỏi), nhân lực và các điều kiện khác để triển khai tốt kì thi THPT quốc gia của Bộ là một việc cần thiết, quan trọng và mang tính quốc gia.

"Điều này cần ưu tiên hơn việc tổ chức riêng kì thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh của ĐHQGHN và nhóm các trường đã đăng kí xét tuyển theo kết quả của kì thi này, tránh cho thí sinh không phải thi hai kỳ thi có nhiều điểm giống nhau", Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn