Vì sao đại biểu Quốc hội đề xuất cho cán bộ làm việc ở nhà, đến cơ quan 1-2 ngày/tuần?

Thời sựThứ Tư, 15/11/2017 11:13:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đã đề xuất cho cán bộ, công viên chức Nhà nước có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần và có thể làm việc ở nhà.

Ngày 14/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) nhận định sau 5 năm áp dụng cơ chế đặc thù, có thể nguồn thu của TP.HCM tăng lên nhiều.

ngo duy hieu

 Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Ảnh: Phạm Thịnh)

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng đi kèm với chủ trương tăng thu nhập cho cán bộ tại TP.HCM như trong dự thảo Nghị quyết đề ra, Quốc hội cũng nên cho TP.HCM có quy định đặc thù về tuyển dụng cán bộ.

Vị đại biểu TP Hà Nội cũng đề nghị cần lựa chọn hình thức thi tuyển để chọn đúng người tài chứ không nên thi như thi công chức hiện tại.

"Có những nội dung thi người có tài nhìn thấy đã thấy...sợ không muốn thi", ông Hiểu bày tỏ.

Ngoài ra, đại biểu Hà Nội cũng đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức ở một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan.

"Nhiều lĩnh vực cán bộ, công, viên chức Nhà nước có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà", ông Hiểu nói.

Đại biểu Hiểu phân tích người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước…

"Khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin là có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Vì vậy, chúng ta đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả bằng ở nhà", ông nói.

Góp ý tiếp theo, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng nên quy định một số ngành nghề hạn chế kinh doanh ở thành phố, nhất là những ngành thâm dụng lao động quá lớn, công nghệ lạc hậu.

hoang van cuong 3

 Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu tại thảo luận ở tổ.

Cũng đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cân nhắc khi cơ chế đặc thù quá chú trọng vào tài chính, tăng thu để có vốn nhiều hơn.

“Điều này là cần thiết, nhưng nếu quá chú trọng vào việc đó chưa chắc đã tạo được sự phát triển bền vững. Cần tăng đặc thù trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư, phải có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt ở đây”, ông Cường nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng TP. HCM có thể tăng thêm mức thu nhập cho đội ngũ cán bộ, nhưng đi kèm theo đó phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém.

Video: TP.HCM sắp xây trung tâm điều khiển giao thông triệu USD

Sáng 14/11, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

4 nhóm cơ chế sẽ được thí điểm phân cấp mạnh cho TP gồm: Quản lý đầu tư; quy hoạch đô thị và đất đai; tài chính - ngân sách Nhà nước và cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP HCM quản lý.

Dự thảo Nghị quyết quy định, các cơ chế này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Trước khi hết thời gian thực hiện thí điểm, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn