Vì sao Công Phượng sớm phải chia tay Incheon United?

Thể thaoChủ Nhật, 02/06/2019 12:06:00 +07:00

Công Phượng không có tố chất phù hợp để chơi bóng ở Incheon United và ngược lại, CLB Hàn Quốc không phải bệ phóng phù hợp để cầu thủ này phát huy khả năng.

Cuộc phiêu lưu của Công Phượng ở Incheon United kết thúc sau 4 tháng ngắn ngủi. Tiền đạo của HAGL sớm kết thúc hợp đồng với CLB Hàn Quốc và sẽ sang Pháp thử việc sau khi kết thúc King's Cup 2019 cùng tuyển Việt Nam.

Đây được xem như quyết định bất đắc dĩ. Bởi sau 8 lần ra sân ở K-League (3 trận đá chính) với tổng cộng 352 phút góp mặt, Công Phượng không cho thấy sự phù hợp với đội bóng áo xanh - đen. Có tiếp tục cũng chỉ mang đến tương lai mù mịt cho đôi bên.

Cong Phuong 1

Incheon tạo điều kiện cho Công Phượng ra sân khá thường xuyên. Cầu thủ người Việt Nam là tân binh ra sân nhiều thứ hai ở Incheon (chỉ kém Jiloan Hamad), hơn tới 17 cầu thủ khác được đội bóng này mang về ở mùa đông vừa qua. 352 phút thi đấu, Công Phượng đã chơi tổng cộng 5 vị trí: tiền đạo cánh trái, cánh phải, tiền đạo cắm, tiền vệ tấn công và tiền vệ trung tâm.

So với Xuân Trường cách đây 2 năm (ở Incheon và Gangwon), Công Phượng được ra sân thể hiện nhiều hơn. Cả HLV Jorn Andersen, Lim Joong Yong hay Yoo Sang Chul đều khẳng định sẽ tìm vị trí phù hợp cho Công Phượng, nhưng sau 8 lần thử nghiệm, đôi bên vẫn không đi đến kết quả tối ưu.

Thực tế là, quãng thời gian 4 tháng ít ỏi là không đủ để Incheon đánh giá đúng năng lực của Công Phượng. Nhiều cầu thủ phải mất đến 2, 3 mùa giải mới hoà nhập thành công.

vtc news- cong phuong (16) 15

Công Phượng không hợp với K-League.

Công Phượng chưa thi đấu hết giai đoạn lượt đi, lần đầu chơi ở K-League và thậm chí không có thời gian chuẩn bị trước mùa giải. Rất khó đòi hỏi cầu thủ thuộc biên chế HAGL phải thi đấu tốt. 

Dù vậy, bản hợp đồng cho mượn chỉ ràng buộc khá lỏng lẻo Công Phượng với CLB Hàn Quốc. Tuyển thủ Việt Nam có thể tự do lựa chọn bến đỗ mới nếu thấy không hợp, còn Incheon cũng không có lý do giữ chân cầu thủ của mình.

Nên nhớ, Incheon thay đến 19 cầu thủ trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến đầu tháng 1 vừa qua. Con số cho thấy đội bóng này không có lập trường và vẫn đang chật vật tìm thứ gọi là "bản sắc". 

Nhưng lý do quan trọng hơn là việc Công Phượng không phù hợp với K-League, giải đấu đề cao bóng đá trực diện, tốc độ, tối giản và chuộng thể lực hơn kỹ thuật. Điểm mạnh của cầu thủ mang áo số 23 là khả năng rê dắt và tạo đột biến, tuy nhiên, lối đá này không phát huy tác dụng ở K-League. Ở Incheon, Công Phượng mất bóng nhiều và rất ít lần qua người thành công. 

Công Phượng không biết cách đá tiền đạo ở Incheon 

Hãy nhìn Kim Shin Wook - huyền thoại đương đại của bóng đá Hàn Quốc vẫn đang thành công ở Jeonbuk Hyundai Motors dù đã qua thời kỳ đỉnh cao hay Stefan Mugosa - tiền đạo trụ cột của Incheon. Công Phượng "từng nói không biết cách nào để đá tốt ở vị trí tiền đạo" và "đá tiền đạo phải đá như Mugosa". Dẫu vậy, thay đổi bản thân trong khoảng thời gian ngắn là nhiệm vụ bất khả thi. 

Công Phượng hoàn toàn lạc lõng ở Incheon. Trên sân, tiền đạo người Việt Nam chơi "một mình một phách", không có đồng đội để phối hợp, cũng không xây dựng được tính liên lạc trong lối chơi, bất kể đá ở vị trí nào. Công Phượng cũng không "hợp rơ" với những cầu thủ tấn công khác ở Incheon, khác hẳn so với khi đá ở HAGL hay tuyển Việt Nam. 

Bằng chứng là sau 2 trận đầu tiên với 4 cơ hội ngon ăn cho đồng đội, Công Phượng cứ chìm dần, chìm dần và không được đồng đội chuyền bóng và không còn được sử dụng trong 3 trận gần nhất. Tình thế này khiến chấm dứt hợp đồng sớm là quyết định tốt cho tất cả. 

Cong Phuong 2

Xuân Trường cũng không cạnh tranh được vị trí ở Buriram United, nhưng khác với Công Phượng, Xuân Trường được chơi cho đội bóng mạnh nhất Thái Lan. Incheon ở K-League chỉ là đội bóng trung bình yếu, đứng nửa cuối bảng xếp hạng trong 5 năm gần nhất. 

Incheon United không ghi được bàn thắng nào khi Công Phượng góp mặt trên sân.

Thực lực yếu, Incheon còn sa vào khủng hoảng quá sớm. Đội bóng áo xanh - đen có chuỗi 12 trận liên tiếp không thắng ở K-League (9 trận trong số đó không ghi bàn), thay tới 3 HLV trong 4 tháng. Một CLB như thế có dễ dàng mở lòng với những thử nghiệm hay không, ai cũng rõ câu trả lời. 

HLV Yoo Sang Chul tìm ra công thức để Incheon chơi tốt hơn (bất bại 2 trận gần nhất), và đó là công thức không có cả Công Phượng lẫn Mugosa, Hamad hay Kim Bo Seob - những cái tên thường xuyên ra sân dưới thời 2 HLV trước.

Theo chuyên gia Phan Anh Tú, khi Incheon chiêu mộ Công Phượng, đội bóng này phải tính toán cách sử dụng cầu thủ sinh năm 1995 này. Dẫu vậy, dường như Incheon chỉ tính trước cách dùng Công Phượng trên các ấn phẩm truyền thông.

2 chương trình giảm giá vé cho CĐV Việt Nam trong tháng 3 và tháng 4 cho thấy đội bóng này sử dụng rất tốt hiệu ứng hình ảnh Công Phượng như một bản hợp đồng thương mại. Tính chuyên môn gần như bằng không. 

Cong Phuong 3 3

Theo thông tin từ phía HAGL, Công Phượng sẽ sang thử việc ở một đội bóng Ligue 2 (giải hạng Nhì Pháp). Cuộc phiêu lưu của cầu thủ gốc Đô Lương lại tiếp tục với quốc gia thứ ba (Công Phượng từng đá ở Nhật Bản, Hàn Quốc).

Môi trường Ligue 2 có phù hợp hơn không, câu trả lời vẫn để ngỏ.

Ở Pháp nói riêng và các nước châu Âu nói chung, không nhiều cầu thủ châu Á có thể toả sáng. Suk Hyun Jun (AC Troyes), Hiroki Sakai (Marseille), Kwon Chang Hoon (Dijon) là những cầu thủ hiếm hoi chứng tỏ được khả năng. Hầu hết đều đến từ các nền bóng đá phát triển.

Bóng đá châu Âu yêu cầu nền tảng thể lực, tốc độ, sức mạnh và khả năng thích nghi còn cao hơn K-League hay J-League rất nhiều. 

Do đó, Ligue 2 sẽ là miền đất còn... dữ hơn thử thách mà Công Phượng vừa thất bại ở Incheon. Dù bóng đá không có tính bắc cầu, nhưng để thử việc thành công và được ký hợp đồng dài hạn với một đội bóng Pháp, bản thân Công Phượng phải thay đổi và cải thiện điểm yếu - điều cầu thủ này đã không làm được trong quãng thời gian ngắn ngủi ở Incheon. 

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn