Vì sao có người tiêm tới 3, 4 mũi vaccine vẫn mắc bệnh bạch hầu?

Tư vấnThứ Năm, 23/07/2020 18:29:31 +07:00
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, miễn dịch với bệnh bạch hầu sẽ giảm dần theo thời gian, những người dù tiêm 3, 4 mũi vaccine nhưng không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Trị (CDC Quảng Trị) báo cáo về trường hợp đầu tiên nhiễm bạch hầu tại địa phương này.

Bệnh nhân là em Hồ Thị Trà M. (9 tuổi, trú tại Bải Hà Mới, đang là học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Vĩnh Hà, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh) được người nhà đưa đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh.

Đáng chú ý, theo CDC Quảng Trị, bệnh nhân vẫn xác định dương tính với virus gây bệnh bạch hầu dù trước đó được tiêm tới 3 liều vaccine phòng bệnh. Loại vaccine mà M. được tiêm là DPT - vaccine phòng bệnh phối hợp Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván. 

Đặc biệt, không riêng gì M., mà trước đó tại khu vực Tây Nguyên cũng có những trường hợp trẻ dù tiêm từ 3 đến 4 mũi vaccine nhưng vẫn mắc bệnh bạch hầu.

Lý giải về tình trạng trên, PGS TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, virus gây bệnh bạch hầu có sức đề kháng cao, tồn tại không chỉ ở người mắc bệnh mà cả ở người lành mang vi khuẩn. Bệnh bạch hầu có thể xảy ra ở những nơi chưa từng xuất hiện bệnh trước đó.

Khi chưa có kháng thể bảo vệ, mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh bạch hầu khi tiếp xúc với nguồn lây. Do đó, ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, trẻ nào tiêm không đủ mũi, đúng lịch đều có nguy cơ mắc bệnh.

Ngoài ra, miễn dịch đối với bệnh bạch hầu cũng sẽ giảm dần theo thời gian nên người lớn và trẻ nhỏ, mặc dù có tiền sử tiêm đủ mũi vaccine phòng bệnh trước đó trong khoảng từ 5-10 năm mà không được tiêm nhắc lại thì vẫn có khả năng mắc bệnh.

Vì sao có người tiêm tới 3, 4 mũi vaccine vẫn mắc bệnh bạch hầu? - 1

Ngành y tế đang lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân mắc bạch hầu ở Quảng Trị. (Ảnh: VOV)

Thông tin thêm, TS BS Trịnh Hồng Nhiên, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, vaccine bạch hầu có tỷ lệ phòng bệnh lên tới 90%. Tuy nhiên, có những người có sức đề kháng giảm hay bị suy giảm miễn dịch thì vẫn có thể mắc bệnh.

Ngoài ra, miễn dịch của vaccine bạch hầu thường duy trì trong khoảng 10 năm, sau đó giảm dần theo thời gian. Vì vậy, những người không nhớ đã từng tiêm vaccine này hay chưa, hoặc đã tiêm vaccine bạch hầu từ rất lâu thì đều nên tiêm lại do vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Chung quan điểm, một số chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc người bệnh không tuân thủ phác đồ tiêm chủng (như tiêm không đúng lịch, tiêm không đủ mũi hay không không tạo được đáp ứng miễn dịch) thì nguyên nhân vaccine không đảm bảo chất lượng do quá trình bảo quản, thực hành tiêm… cũng là nguyên nhân khiến một số trường hợp dù tiêm tới 3, 4 mũi vaccine nhưng vẫn bị mắc bệnh bạch hầu.

Tính tới 21/7, Việt Nam ghi nhận 6 tỉnh/thành phố có ca bệnh bạch hầu.

Ngoài Quảng Trị, 4 tỉnh Tây Nguyên đã có tới 98 ca dương tính với bạch hầu, trong đó 3 người đã thiệt mạng.

Kon Tum đang là địa phương có số bệnh nhân mắc bạch hầu nhiều nhất cả nước với 24 ca. Sau đó là các tỉnh/thành phố: Gia Lai (24 ca), Đăk Lăk (17), Đăk Nông (30), TP.HCM và Quảng Trị mỗi nơi có 1 bệnh nhân.

Video: 50% bệnh nhân bạch hầu không có triệu chứng

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn