Vì sao chiến thuật xe tăng thất bại trong xung đột Azerbaijan-Armenia?

Quân sựThứ Năm, 22/10/2020 14:44:02 +07:00
(VTC News) -

Hàng trăm xe tăng của Azerbaijan và Armenia bị tiêu diệt trên chiến trường khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại.

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan đang diễn ra ác liệt trên chiến trường. Hai bên liên tục tuyên bố tiêu diệt nhiều phương tiện chiến đấu. Theo đó, có khoảng 150 xe tăng của hai bên đã bị tiêu diệt.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng xe tăng trong cuộc xung đột ở Karabakh cho thấy, các phương tiện chiến đấu này cần được bảo vệ trước các phương tiện tấn công đường không mới - máy bay không người lái (UAV), đồng thời cần có chiến thuật hiệu quả trong tác chiến giữa xe tăng và các lực lượng khác.

Vì sao chiến thuật xe tăng thất bại trong xung đột  Azerbaijan-Armenia? - 1

Azerbaijan và Armenia huy động hầu hết lực lượng tăng, pháo phản lực tham gia chiến đấu.

Sức mạnh xe tăng Azerbaijan-Armenia

Về tương quan lực lượng Azerbaijan mạnh hơn nhiều so với Armenia.

Một mặt, quân đội Azerbaijan có quân số là 131.000 người, trong khi quân số của Armenia chỉ có 45.000 người. GDP bình quân đầu người của Azerbaijan cao gấp 5 lần so với Armenia, và dân số đông gấp 3 lần.

Mặt khác, trong hầu hết các hệ thống vũ khí, Azerbaijan vượt trội hơn nhiều lần so với Armenia. Quân đội Azerbaijan có 760 xe tăng, còn quân đội Armenia chỉ có 320 chiếc. Cả hai quân đội đều sử dụng nhiều xe tăng Nga-Xô sản xuất.

Quân đội Azerbaijan có khoảng 470 xe tăng T-72, 200 xe tăng T-90S và khoảng 100 xe tăng T-55. Quân đội Armenia có khoảng 270 xe tăng T-72, 40 xe tăng T-55 và có vài chiếc T-80. Trên thực tế chiến trường, những chiếc T-72 đang đối đầu nhau ở cả hai phía.

Ngoại trừ T-90S, các loại xe tăng của hai bên có số lượng đáng kể và đã lỗi thời. Azerbaijan trang bị 6 tiểu đoàn T-90S, có khả năng chiến đấu cao, song tất cả phụ thuộc vào cách chúng sẽ được sử dụng trên chiến trường.

Bên cạnh đó, Azerbaijan có lợi thế hơn nhiều so với Armenia về số lượng pháo tự hành và pháo phản lực. Do đó, Baku đã đặt ra mục tiêu đột nhập sâu vào hàng phòng ngự của đối phương bằng vũ khí áp đảo này.

Quân đội Azerbaijan được trang bị 390 pháo tự hành Akatsia 152 mm, Msta-S 152 mm, Nona-S 120 mm, Pion 203 mm và các hệ thống chống tăng Chisy. Ngoài ra, nước này còn có 285 pháo kéo (D-20 152 mm, Hyacinth-B 152 mm, D-30 122 mm, M -46 130 mm, MT-12 Rapier 100 mm) và hơn 400 đơn vị súng cối 120 mm và 82 mm.

Azerbaijan có 450 hệ thống pháo phản lực bắn hàng loạt như Grad, RM-70, Smerch của Nga, T-107, T-122 và T-300 Kasirga của Thổ Nhĩ Kỳ, RAK-12 của Croatia và Polonaise 301 mm của Belarus. Bên cạnh đó còn có súng phun lửa phản lực TOS-1A Solntsepek.

Armenia chỉ có tối đa 40 khẩu pháo tự hành loại Carnation 122 mm và Akatsia152 mm. Ngoài ra có thêm 200 pháo kéo D-20, Hyacinth-B, D-1, D-30, M-46 và pháo chống tăng 100 mm MT-12 "Rapier", cùng 80 đơn vị súng cối 120 mm.

Yerevan chỉ có khoảng 70 hệ thống pháo phản lực, chủ yếu là Grad 122 mm, cũng như một số khẩu Smerch 300 mm và WM-80-4 273 mm của Trung Quốc.

Nhìn một cách tổng quát, lợi thế về xe tăng của Azerbaijan gấp 2,4 lần, pháo tự hành gấp 10 lần và pháo phản lực gấp 6,4 lần so với Armenia.

Sai lầm chiến thuật

Theo các nhà quan sát, Azerbaijan thực hiện chiến tranh giành lấy các vùng lãnh thổ bằng việc sử dụng lực lượng áp đảo về xe tăng và pháo hạng nặng. Tuy nhiên, những hình ảnh và video trên chiến trường đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chiến thuật sử dụng xe tăng của phía Azerbaijan.

Baku, với lợi thế nghiêng về xe tăng và pháo binh, đã không thể xuyên thủng hàng phòng ngự của đối phương, và sau đó buộc phải chọn chiến thuật dồn ép, giành lãnh thổ.

Vì sao chiến thuật xe tăng thất bại trong xung đột  Azerbaijan-Armenia? - 2

Nhiều xe tăng của Armenia và Azerbaijan bị loại khỏi vòng chiến đấu trong xung đột Karabakh.

Trong khi đó, Armenia sử dụng xe tăng chủ yếu theo nhóm nhỏ, để hỗ trợ bộ binh và gây tổn thất đáng kể đối với tăng T-90S của Baku.

Tất nhiên, không có việc sử dụng xe tăng trên quy mô lớn của hai bên ở bất kỳ khu vực nào trên chiến trường. Bởi vì địa hình không bằng phẳng đã ngăn cản chiến thuật này.

Theo các chuyên gia, cả Azerbaijan và Armenia đều mắc phải sai lầm trong chiến thuật sử dụng xe tăng, đồng thời việc huấn luyện lính tăng cũng còn gặp nhiều hạn chế.

Ví dụ trong những ngày đầu tiên của cuộc xung đột, xe tăng Azerbaijan đã chịu nhiều tổn thất khi di chuyển vào các bãi mìn. Điều này cho thấy khả năng trinh sát và đặc công không hiệu quả trong việc kiểm tra địa hình ở khu vực tấn công.

Ngoài ra, các bức ảnh và video từ chiến trường cho thấy, các phương tiện bọc thép không được ngụy trang, che đậy và trở thành con mồi dễ dàng cho máy bay không người lái và pháo phản lực.

Ngoài ra, một đoạn video cho thấy cách đơn vị xe tăng Armenia cố gắng tổ chức cuộc tấn công “một cách vụng về” khi tác chiến với bộ binh. Theo đó, thay vì ẩn nấp trong các nếp gấp của địa hình, xe tăng của Armenia đã di chuyển lên đỉnh đồi, khai hỏa và ngay lập tức trở thành mục tiêu tiêu diệt của pháo binh đối phương.

Nhìn chung, xe tăng hai bên bị tiêu diệt chủ yếu trên đường hành quân, ở những nơi triển khai hoặc tập trung lực lượng, và hiếm khi bị tiêu diệt trong các cuộc đụng độ trực diện.

Dùng UAV tiêu diệt tăng

Chiến trường ở Karabakh có diện tích tương đối hẹp, nhưng lại chứa đầy xe tăng, pháo hạng nặng và nhiều hệ thống rocket phóng loạt có sức công phá khủng khiếp. Đặc biệt là đối với các pháo phản lực cỡ nòng 300 mm, có khả năng tấn công mục tiêu và đánh vào các khu vực sâu trong tuyến phòng thủ của đối phương.

Azerbaijan còn sử dụng ồ ạt các máy bay không người lái (UAV) sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, làm nhiệm vụ trinh sát, tấn công tiêu diệt mục tiêu từ trên không. Trong đó hiệu quả nhất là UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì sao chiến thuật xe tăng thất bại trong xung đột  Azerbaijan-Armenia? - 3

Chiến thuật dùng UAV tấn công tiêu diệt xe tăng đang phát huy hiệu quả ở xung đột Karabakh.

Theo nhận định của các chuyên gia, khu vực Karabakh không phải nơi lý tưởng để sử dụng xe tăng, bởi địa hình đồi núi, hiểm trở, thông tin liên lạc vận tải hạn chế. Xe tăng khó cơ động và thường phải tiến hành các hoạt động chiến đấu xa tầm nhìn trực tiếp tới đối thủ.

Vùng địa hình ở khu vực này thuận lợi cho việc nắm giữ cao điểm, tổ chức phục kích, tập trung đánh vào cứ điểm bằng pháo binh ở các khu vực hiểm trở.

Đó là lí do tại sao các máy bay không người lái (UAV) được sử dụng hiệu quả để trinh sát, chỉ điểm và tấn công tiêu diệt các mục tiêu của đối phương, mà Azerbaijan sử dụng rất thành công. Theo tính toán, tổn thất chính của xe tăng là do hỏa lực pháo binh, hệ thống pháo phản lực và máy bay không người lái tấn công ở khoảng cách xa.

Theo các chuyên gia hiện rất khó để đánh giá việc sử dụng hiệu quả hệ thống chống tăng tiêu diệt phương tiện chiến đấu trong cuộc xung đột này hiệu quả như thế nào, vì chưa có đủ thông tin về việc sử dụng loại vũ khí này.

Hiện nay xe tăng không có khả năng tự vệ trước loại vũ khí hiện đại như UAV. Hầu hết quân đội các nước đã nhận thức được các mối đe dọa này. Và để vô hiệu hóa chúng, nhiều nước phát triển các phương tiện phòng thủ tập thể thích hợp nhằm chống lại các cuộc tấn công trên không.

Vai trò của xe tăng trên chiến trường hiện vẫn đóng vai trò quan trọng ở nhiều nước. Tuy nhiên, thực tế chiến đấu ở xung đột Karabakh và Syria cho thấy nhiều điểm yếu của phương tiện chiến đấu này.

Thất bại của xe tăng ở Karabakh

Cuộc đối đầu khốc liệt ở Karabakh giữa quân đội Azerbaijan và Armenia dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng về xe tăng và xe bọc thép, song cả hai bên không đạt được mục tiêu. Azerbaijan lên ý định về cuộc chiến "chớp nhoáng", với lợi thế về quân số và phương tiện chiến đấu.

Tuy nhiên họ không thể đột phá nhanh chóng hàng phòng ngự của đối phương và chưa thể giành lấy các phần lãnh thổ tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, quân đội Armenia phòng thủ chặt chẽ và ngăn chặn đối phương xâm nhập vào lãnh thổ Karabakh.

Azerbaijan giành được một số thành công tương đối khi bóp nghẹt được lực lượng Armenia ở dọc biên giới và buộc họ phải rút lui. Quân đội Azerbaijan đã chiếm được một số ngôi làng ở biên giới và tiếp tục dồn ép quân Armenia.

Vì sao chiến thuật xe tăng thất bại trong xung đột  Azerbaijan-Armenia? - 4

Azerbaijan tuyên bố tiêu diệt nhiều xe tăng của Armenia trên chiến trường.

Theo tuyên bố của quân đội các bên, khoảng 150 xe tăng đối phương đã bị tiêu diệt. Từ những dữ liệu này, nhiều chuyên gia quân sự thế giới đang đặt câu hỏi về khả năng sống sót của xe tăng trước hỏa lực của đối phương. Theo đó, nhiều nhận định cho rằng, nguyên nhân không phải do sức mạnh của xe tăng, mà là do chiến thuật sử dụng chúng không tốt.

Bên cạnh đó, một vài nguyên nhân dẫn đến thất bại nổi cộm của các bên có thể nằm ở các phương diện khác nhau như đối phương thiếu lực lượng và phương tiện cần thiết, đặc thù của hệ thống tác chiến, huấn luyện nhân viên không đủ và chiến thuật sử dụng xe tăng thiếu hợp đồng tác chiến với các lực lượng khác.

Quân đội Azerbaijan và Armenia cũng sử dụng nhiều loại hệ thống chống tăng. Đó là loại vũ khí đáng gờm để chống lại các loại xe bọc thép và xe tăng đời cũ.

Tất cả các xe tăng được sử dụng, ngoại trừ T-90S, đều đã lỗi thời và không có hệ thống tìm kiếm và phát hiện mục tiêu, cũng như tiêu diệt chúng, đặc biệt là vào ban đêm và trong điều kiện thời tiết xấu.

Ngoài ra, trong điều kiện địa hình đồi núi, hiểm trở, việc tìm kiếm mục tiêu của chúng rất khó khăn, đồng thời với việc trinh sát tốt bằng UAV, sau đó tổ chức phục kích và sử dụng vũ khí chính xác cao, khi đó xe tăng dễ dàng trở thành con mồi trên chiến trường.

Phong Vũ
Bình luận
vtcnews.vn