Vì sao chất đạm quan trọng với bệnh nhân ung thư?

Sức khỏeThứ Ba, 15/01/2019 11:16:00 +07:00

Protein là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị.

Bệnh nhân ung thư cần trải qua nhiều cuộc điều trị rất nặng nề (phẫu thuật, hóa chất, xạ trị). Các liệu pháp hóa trị, xạ trị cũng gây biếng ăn, buồn nôn, nôn, thay đổi khẩu vị, khô miệng, táo bón, đau và nhiễm trùng miệng...

Trong khi đó, theo Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư rất nhiều bệnh nhân ung thư không được chăm sóc dinh dưỡng đúng trong suốt thời gian trị bệnh.

Hậu quả dẫn đến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng, mất lớp mỡ dưới da… Điều này ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị và làm giảm thời gian sống. Nó làm chậm quá trình phục hồi của các tế bào bình thường sau mỗi đợt điều trị, tăng tác dụng phụ.

Sụt cân ngoài ý muốn 5% cũng dẫn tới giảm tỷ lệ sống sót. Nhiều bệnh nhân không thể theo hết được các liệu pháp điều trị.

Quan niệm trong dân gian và hiện nay vẫn còn phổ biến ở nước ta là người mắc bệnh ung thư không được ăn bồi dưỡng, sử dụng hạn chế các chất đạm có nguồn gốc động vật. Đây là một quan niệm sai lầm.

Thực tế, protein là một yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Nó cũng là nguyên liệu bồi phục lại khối nạc của cơ thể đã mất do tăng quá trình dị hóa của cơ thể. Đồng thời giúp tăng cường khả năng ngon miệng trong khi người bệnh ung thư luôn chán ăn, ăn uống kém.

thucan

Người bệnh cần ăn đủ chất đạm, béo, tinh bột...giúp tăng hệ miễn dịch, chống lại bệnh. (Ảnh: shutter stock)

Theo giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào xác minh rằng người bệnh ung thư đang điều trị nếu ăn uống đầy đủ thì khối u sẽ phát triển nhanh hơn. Quan điểm không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển là không có cơ sở khoa học.

Điều cơ bản trước tiên trong một phác đồ điều trị ung thư là liệu pháp dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Nếu tình trạng dinh dưỡng người bệnh không cải thiện thì bác sĩ không thực hiện được phác đồ điều trị hoặc kết quả thất bại vì bệnh nhân không đủ sức chịu đựng các tác dụng phụ của phác đồ điều trị.

Vì thế người bệnh cần hiểu dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố nâng đỡ hệ miễn dịch cơ thể, cải thiện chất lượng sống, góp phần điều trị thành công bệnh.

Bệnh nhân ung thư nên ăn uống thế nào

Về nguyên tắc người bệnh không nên bồi bổ dồn dập cũng không bỏ đói cơ thể. Thay vào đó duy trì dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng mới là cơ sở nền tảng của việc điều trị chứ không phải là “cung cấp thêm chất đạm cho khối u” như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Tiêu thụ năng lượng ở bệnh nhân ung thư rất lớn, trung bình khoảng 30-35 kcal trên mỗi kg cân nặng một ngày. Một số trường hợp đặc biệt có thể cần tới 40-50 kcal. Trong đó, protein cung cấp 12-20% tổng năng lượng (protein có nguồn gốc từ động vật chiếm 30-50% tổng số protein). Ngoài ra, lipid chiếm 18-25%, glucid chiếm 60-70% tổng năng lượng.

Đồng thời người bệnh cần cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ theo nhu cầu của người bình thường khỏe mạnh. Uống đủ nước, khoảng 40 ml trên mỗi kg cân nặng một ngày, ăn ít muối.

Theo Hướng dẫn điều trị dinh dưỡng lâm sàng, các thực phẩm nên dùng với bệnh nhân ung thư gồm:

 - Các loại thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua... Thịt động vật nên ăn các loại thịt màu trắng (cá, gia cầm, chim), hạn chế thịt màu đỏ: 100 g mỗi ngày. Trong đó, ưu tiên chọn thịt nạc, cá, tránh đồ chế biến sẵn.

- Gạo, miến, bún, bánh phở, các loại khoai củ..

- Dầu thực vật ( dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng...)

- Ăn nhiều rau xanh, quả chín, rau thơm, và rau quả nhiều chất xơ. Mỗi ngày nên ăn 400 – 500g rau, 200 – 400g quả chín.

- Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều omega-3: cá hồi, dầu oliu...

- Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A, selen có khả năng chống ôxy hóa như cà rốt, giá đỗ xanh, cà chua, rau ngót, rau muống...

- Ăn nhiều rau quả: giá đỗ, cà rốt, bí đỏ, gấc, đu đủ chín, rau có màu xanh thẫm, rau ngót, rau muống, cải bắp, cà chua, đậu tương...

- Các loại gia vị: Hành, tỏi, chanh, rau thơm...

- Dầu thực vật, dầu cá.

- Các loại hạt ngũ cốc toàn phần.

- Nước chè: uống vào ban ngày, không nên uống vào buổi tối.

- Hạn chế thực phẩm nhiều đường vì chứa nhiều calo nhưng lại nghèo dinh dưỡng.

Phương pháp kiềm hoá cơ thể không có cơ sở khoa học

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 110.000 người chết vì ung thư. Cũng như các nước trên thế giới, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam có xu hướng ngày một tăng nhanh, dự kiến sẽ gần 200.000 ca được phát hiện mới vào năm 2020.

Bệnh trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Với quan điểm “có bệnh thì vái tứ phương”, nên nhiều người tin theo các phương pháp không chính thống. Điều này rất nguy hiểm vì có thể làm chậm quá trình điều trị.

Phương pháp kiềm hóa cơ thể của tác giả Robert Young người Mỹ là một ví dụ. Theo tác giả này, nếu không ăn thịt, đường bột mà chỉ uống bổ sung các loại nước có tính kiềm như nước xay bằng rau, các loại củ như carrot, củ cải, củ dền, cam, táo... thì tế bào ung thư sẽ tự chết mà không cần sự can thiệp của y học hiện đại.

Phương pháp này hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không được chứng minh. Đến nay chưa có một tổ chức có uy tín nào công nhận tác dụng của phương pháp ăn kiềm hoá trong việc điều trị ung thư. 

Cũng vì quan điểm chữa bệnh trên, Young mới đây bị một thẩm phán tại San Diego (Mỹ) tuyên phạt phải bồi thường 105 triệu USD vì đã khuyên một bệnh nhân ung thư vú từ bỏ các biện pháp điều trị truyền thống. Thay vào đó điều trị theo phương pháp của Young, chế độ ăn kiêng và truyền tĩnh mạch dung dịch có trộn baking soda. Người phụ nữ này sau đó đã quay lại kiện Young vì bệnh tình không đỡ, thậm chí nặng hơn, chuyển sang giai đoạn 4.

Phương Nam
Bình luận
vtcnews.vn