Vì sao cầu Thủ Thiêm 2 xây 4 năm mới được 18%?

Thời sựThứ Năm, 04/07/2019 08:15:00 +07:00

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nguyên nhân cầu Thủ Thiêm 2 chỉ đạt 18% khối lượng sau 4 năm thi công là do quyền lợi nhà đầu tư không gắn công trình.

Giữa tháng 5, đơn vị thi công lập rào chắn trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) để thi công cầu Thủ Thiêm 2. Hơn một tháng rưỡi qua, hàng nghìn người dân thành phố phải chen chúc đi qua đoạn đường chật hẹp.

Lỗi tại mặt bằng?

Theo báo cáo cập nhật tiến độ dự án của Sở Giao thông Vận tải, đến cuối tháng 5/2019 dự án cầu Thủ Thiêm 2 đạt hơn 18% khối lượng. Nguyên nhân dẫn đến dự án thi công ì ạch được nhà đầu tư đưa ra là vướng mặt bằng ở phía quận 1.

Theo đó, còn 6 hộ dân và 4 đơn vị gồm: Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, Tổng công ty Ba Son, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích quận 1 và Bộ Tư lệnh Hải quân chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

10_zing

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 còn vướng mặt bằng của 6 hộ dân và 4 tổ chức. (Ảnh: Quỳnh Danh)

Phần diện tích còn vướng thuộc vị trí thi công 2 nhánh cầu chính kết nối trụ tháp dây văng. Theo thiết kế, 2 nhánh này rẽ xuống 2 hướng của đường Tôn Đức Thắng hiện hữu. Đơn vị thi công lo ngại việc thiếu mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của toàn dự án nên thi công trước ở phần đổ dốc cầu trên đường Tôn Đức Thắng.

Đại diện nhà đầu tư khẳng định dự án chỉ vướng mặt bằng, còn nguồn vốn thì không có khó khăn gì. Thế nhưng, sau hơn 4 năm mà dự án mới đạt hơn 18% khối lượng là điều khó có thể chấp nhận trong bối cảnh người dân mỗi ngày phải chật vật đi qua đoạn đường bị rào chắn.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ, Sở Giao thông Vận tải đã làm việc với nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh và một số đơn vị liên quan để rà soát lại tiến độ, tổng hợp các khó khăn và đưa ra mốc thời gian hoàn thành công trình báo cáo UBND TP tháo gỡ.

Trong khi đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng nếu quyền lợi của nhà đầu tư BT không gắn với dự án thì họ không có động lực để giữ đúng tiến độ như cam kết trong hợp đồng. Như cầu Thủ Thiêm 2, quyền lợi của nhà đầu tư không nằm ở những khu đất được hưởng lợi trực tiếp từ cây cầu hoặc giá trị đất gia tăng khi cầu hoàn thành.

“Nếu giao đất ở ngay cầu Thủ Thiêm 2 thì chắc chắn nhà đầu tư phải tìm mọi cách đẩy tiến độ để công trình sớm hoàn thành bởi vì không có cầu thì đất không có giá trị cao”, ông Sơn phân tích.

Vướng ở hình thức gọi vốn

Theo quy hoạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 5 cây cầu và một hầm chui kết nối các khu vực khác của thành phố. Đến nay, cầu Thủ Thiêm 1 và hầm vượt sông Sài Gòn đã được đưa vào sử dụng. Ngoài cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng thì từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn có cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4) và cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 7).

Hai dự án này được UBND thành phố kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BT). Thế nhưng, cả hai đều chưa thể thi công do chờ Chính phủ sửa đổi nghị định liên quan đến hình thức đầu tư hợp đồng BT.

10_zing

Các cây cầu kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với các khu vực khác vẫn còn nằm trên giấy. (Ảnh: Lê Quân)

Trong bối cảnh áp lực giao thông đè nặng lên các tuyến đường hiện hữu, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho hay Sở đã đề xuất UBND TP thay đổi hình thức đầu tư từ hợp đồng BT sang hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) kết hợp với vốn ngân sách để chủ động đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4.

Nếu được chấp thuận, thành phố sẽ bố trí quỹ và giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP làm thủ tục, kêu gọi đầu tư.

Một dự án khác “chia lửa” cho đường Tôn Đức Thắng và đường Nguyễn Hữu Cảnh là đường ven sông Sài Gòn vẫn đang nằm trên giấy. Theo thiết kế, tuyến đường này kéo dài từ Tôn Đức Thắng dọc theo sông Sài Gòn ra đến chân cầu Sài Gòn. Cũng được thành phố kếu gọi theo hình thức BT nên dự án đang bất động vì chờ điều chỉnh quy định liên quan.

“Để giảm kẹt xe cho đường Nguyễn Hữu Cảnh và Tôn Đức Thắng, Sở đang nghiên cứu phương án đề xuất TP chuyển sang hình thức đầu tư công, sử dụng nguồn vốn ngân sách”, ông Lâm thông tin.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng hợp đồng BT chỉ là một giải pháp gọi vốn. Do hình thức này đang bị vướng nên TP có thể áp dụng hình thức đấu giá khu đất quanh những dự án hạ tầng sắp triển khai để lấy vốn.

“Nguyên tắc của địa ốc là có hạ tầng thì giá trị sẽ tăng. Các nhà đầu tư đều thấy nguyên tắc này nhưng Nhà nước thì còn nặng nề về thủ tục nên chưa mạnh dạn làm. Hệ quả là Nhà nước làm giàu cho nhà đầu tư”, kiến trúc sư Nam Sơn nhận định và khuyến cáo thành phố nên rút kinh nghiệm ở các dự án khác.

Không cấp phép xây dựng nhà cao tầng nơi hạ tầng quá tải

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho hay theo quy định của Chính phủ, khi xây dựng các khu dân cư cao tầng thì Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải lấy ý kiến của Sở Giao thông Vận tải. Sau đó, Sở này sẽ đánh giá tác động của khu dân cư dự kiến xây dựng lên giao thông khu vực.

“Hiện, mô phỏng giao thông đã có, chỉ cần đưa dữ liệu đầu vào là sẽ đánh giá được khả năng đáp ứng năng lực hạ tầng hiện hữu và trong 5-10 năm nữa như thế nào. Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải sẽ có ý kiến báo cáo UBND TP quyết định. Nếu không thỏa mãn điều kiện thì TP không cấp phép xây dựng”, ông Lâm khẳng định.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn