Vì sao Catalan muốn rời Tây Ban Nha?

Thế giớiThứ Hai, 02/10/2017 16:07:00 +07:00

Không chỉ đến cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10, Catalan là khu vực có lịch sử lâu dài trong việc cố gắng ly khai khỏi Tây Ban Nha.

Chính phủ Tây Ban Nha đang phản đối cuộc trưng cầu dân ý về quyền độc lập của Catalan, khu vực nằm ở phía Đông Bắc nước này và gọi đây là một mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Bên cạnh đó, chính quyền Tây Ban Nha cũng lo ngại nếu Catalan tiên phong với cuộc bầu cử có thể khuyến khích xứ Basque làm điều tương tự.

Catalan rời Tây Ban Nha sẽ để lại một lỗ hổng kinh tế lớn cho cả hai bên. Đầu tiên, việc thiết lập biên giới mới và luật pháp mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và việc làm. Hơn nữa Catalan cũng sẽ không còn là thành viên của EU, khiến việc giao thương với các thành viên EU bị đình trệ.

catalan-2

 Mong muốn độc lập của Catalan đang khiến Tây Ban Nha phải đối mặt với bất ổn chính trị. (Ảnh: Reuters)

Dù vậy vẫn có nhiều lí do khiến người Catalan muốn rời bỏ Tây Ban Nha, bao gồm cả lịch sử, văn hóa và kinh tế.

Trước hết, Tây Ban Nha ngày này được ra đời sau Cuộc chiến Kế vị Tây Ban Nha (Spanish Succession), sau thất bại của Valencia năm 1707, của Catalan năm 1714 và cuối cùng là phần còn lại năm 1715. Từ đó, Catalan, vùng có ngôn ngữ, luật pháp và phong tục riêng thường xuyên có những xáo trộn về quyền tự trị với chính quyền ở Madrid.

Phần lớn người Catalan là người nói cả 2 ngôn ngữ của Catalan và Tây Ban Nha. Nhưng một số người tin rằng sự hồi sinh của cái cũ sẽ là mối đe dọa đối với sự thống nhất của đất nước, vì vậy tiếng Catalan không thực sự được chào đón.

Video: Cuộc trưng cầu dân ý giành độc lập ở Catalan 

Thứ hai, du lịch và các ngành công nghiệp khiến Catalan trở thành một trong những vùng giàu có nhất Tây Ban Nha. Với 7,5 triệu dân, Catalan chiếm 16% dân số nhưng lại chiếm gần 20% GDP của nước này. Trong khi đó kinh tế Tây Ban Nha gặp khó khăn từ 2008.

Khủng hoảng tín dụng, các gói cứu trợ ngân hàng trị giá hàng tỉ Euro, tỉ lệ thất nghiệp tăng mạnh khiến Catalan lại muốn tìm kiếm độc lập một lần nữa. Năm 2014, khoảng 80% người dân trong khu vực chọn ly khai trong một cuộc bỏ phiếu không chính thức.

Theo giải thích của một số nhà chủ nghĩa dân tộc Catalan, khu vực này đang phải đóng góp nhiều hơn vào ngân khố Tây Ban Nha so với những gì mình nhận được. Trong khi đó, một số vùng khác ở Tây Ban Nha như Basque không phải trả phần thuế thu được cho chính quyền.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, động lực lớn nhất khiến Catalan muốn tách khỏi Tây Ban Nha là do họ từng đánh mất cơ hội mở rộng quyền tự trị vào năm 2010, khi tòa án đề cập đến việc cho Catalan nhiều quyền tự chủ hơn, tăng cường kinh tế và bảo vệ ngôn ngữ của vùng.

“Trước 2010, không có nhiều người muốn độc lập như vậy, kể từ đó mọi chuyện mới xảy ra”,  Borrell-Porta, chuyên gia về chính trị châu Âu cho biết.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn