Vì sao cần đổi mới chương trình, sách giáo khoa?

Giáo dụcThứ Ba, 04/11/2014 08:16:00 +07:00

(VTC News) – Các chuyên gia giáo dục, đại diện Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều lý giải để thấy được sự cần thiết phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

(VTC News) – Các chuyên gia giáo dục, đại diện Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều lý giải để thấy được sự cần thiết phải đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Nhiều bất cập

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 hiện hành được triển khai theo Nghị quyết 40 đã áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002 - 2003 đến nay (năm 2014).


Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định chương trình, sách giáo khoa hiện hành cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu về đổi mới và đã kế thừa và phát huy được những ưu điểm của các chương trình trước.
Chương trình sách giáo khoa hiện hành
Chương trình, sách giáo khoa hiện hành còn nhiều bất cập cần đổi mới 
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và khoa học giáo dục; trước những đòi hỏi hội nhập quốc tế, chương trình và sách giáo khoa hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

 

Chương trình hiện hành còn nặng về lý thuyết nhẹ về thực hành, nặng về dạy chữ nhẹ về dạy người, hướng nghiệp.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
 
“Bất cập nhất là chưa đáp ứng yêu cầu mới về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; chưa chú trọng yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, khả năng phản biện, thói quen tự học, các kỹ năng thực hành, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, năng lực ngoại ngữ và tin học của học sinh”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định.


Bên cạnh đó, chương trình và sách giáo khoa hiện hành mới chú trọng việc truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Chương trình hiện hành còn nặng về lý thuyết nhẹ về thực hành, nặng về dạy chữ nhẹ về dạy người, hướng nghiệp.

“Trong thiết kế chương trình, chưa xây dựng thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp; nội dung giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu về tính thiết thực, tinh giản, hiện đại; việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục còn phiến diện, lạc hậu, chưa hướng tới mục tiêu phát triển hài hoà phẩm chất, năng lực của học sinh”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

Kinh nghiệm chung của các nước là biên soạn nhiều sách giáo khoa và đa dạng hoá tài liệu dạy học trên cơ sở một chương trình giáo dục phổ thông; Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa.

Ở phần lớn các nước tiên tiến, sách giáo khoa chủ yếu do các nhà xuất bản biên soạn và phát hành theo cơ chế thị trường.

Chương trình, sách giáo khoa mới hiện đại, linh hoạt

Đồng tình với quan điểm cần đổi mới chương trình, sách giáo khoa, PGS-TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới cần phải tiếp cận được trình độ giáo dục của khu vực và quốc tế.
PGS-TS Trần Thị Tâm Đan 
“Chương trình và sách giáo khoa mới phải đảm bảo tính hiện đại, hội nhập và tạo được sự chuyển biến căn bản về chất lượng giáo dục”, PGS Tâm Đan nhấn mạnh.

PGS Tâm Đan lưu ý việc đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục cũng cần được đưa ra phương án cụ thể để xã hội được biết.

Bên cạnh đó, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng việc đổi mới lần này cần phải tính tới yếu tố ổn định, hoàn thiện để có thể sử dụng được lâu dài. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên.

“Trước đây giáo viên giảng bài theo phương pháp thuyết trình, hiện nay cần thay đổi theo cách học sinh tự chủ, tự khám phá kiến thức. Thầy giáo chỉ là người tổng hợp, điều chỉnh kiến thức theo đúng yêu cầu”, PGS Nhĩ nhấn mạnh.

Ngoài ra, trong quá trình chờ thay đổi và áp dụng sách giáo khoa mới, cần bổ sung cập nhật những kiến thức mới phù hợp với thực tế, yêu cầu của thời đại.
chương trình, sách giáo khoa
Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ có lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương 
Cũng có cùng ý kiến này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ giáo dục Đại học cho rằng kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, nhà nước chỉ quản lý chuẩn chương trình. Các địa phương  phải thỏa mãn chương trình đó, thậm chí có thể đặt ra yêu cầu cao hơn, phù hợp với thực tế của địa phương.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho đồng tình cho rằng cần thiết ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Tuy nhiên, ông Thi cho rằng cần nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
GS Đào Trọng Thi
GS Đào Trọng Thi 
Bên cạnh đó, Nghị quyết mới của Quốc hội nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Giáo dục hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông..

Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn tại các cơ sở giáo dục của nhiều địa phương, Ủy ban nhận thấy chương trình giáo dục hiện hành nhìn chung vượt quá khả năng đáp ứng về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường cũng như khả năng tiếp thu của học sinh.

Mặt khác việc thực hiện cứng nhắc một chương trình chung không phù hợp đối với học sinh các địa phương, cơ sở giáo dục với đặc thù và điều kiện kinh tế - xã hội rất khác nhau, hạn chế chất lượng, hiệu quả học tập.

Vì vậy, Ủy ban đề nghị ban hành một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng khả thi, mềm dẻo, linh hoạt, nói chung phải phù hợp với điều kiện bảo đảm thực tế của nhà trường, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như với khả năng tiếp thu của học sinh.

Chương trình phải gồm những nội dung cốt lõi, bắt buộc áp dụng trên quy mô toàn quốc và những nội dung bổ sung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương.

 Đồng thời dành thời lượng để cơ sở giáo dục vận dụng xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Việc dạy học phân hóa đã được thực hiện theo hình thức phân ban trung học phổ thông, thực chất là học tự chọn theo nhóm các môn học nâng cao về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hoặc theo khối thi đại học. Thực tiễn cho thấy hình thức phân ban đã không thành công.

“Vì vậy Ủy ban nhất trí với định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ phải thực hiện tích hợp mạnh theo lĩnh vực, liên môn ở các cấp học dưới và phân hóa sâu ở cấp trung học phổ thông theo hướng tăng cường các môn học, chuyên đề tự chọn và áp dụng phương thức tích lũy tín chỉ”, GS Đào Trọng Thi nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn