Vì sao Campuchia trở thành sức ép cho tuyển Việt Nam?

Thể thaoThứ Hai, 19/06/2017 19:49:00 +07:00

Nền bóng đá Việt Nam có thể xếp trên nền bóng đá Campuchia, nhưng nếu họ dùng đội tuyển quốc gia thực thụ để thi đấu, trong khi chúng ta dùng đội hình gồm đa phần các cầu thủ trong lứa tuổi U để đối chọi với họ thì lại là chuyện khác!

Nền bóng đá Campuchia chưa bao giờ là đối thủ ngang tầm với bóng đá Việt Nam. Nhưng tại vòng loại Asian Cup 2019 đang diễn ra, đội tuyển Campuchia bất ngờ xếp trên thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Phương thức tập trung đội tuyển

Phương thức tập trung đội tuyển "2 trong 1" khiến đội tuyển Việt Nam chưa tập trung được lực lượng tương xứng tại vòng loại Asian Cup 2019 

Trong khi đội tuyển Việt Nam chỉ hoà trước đội bóng yếu Afghanistan, thì Campuchia lại giành chiến thắng trước đối thủ này. Chính trận thắng 1-0 trước đội bóng Trung Á đưa Campuchia lên vị trí thứ 2 tại bảng C, vòng loại Asian Cup 2019, với 3 điểm sau 2 lượt trận (đội tuyển Việt Nam mới được 2 điểm, tạm xếp thứ 3).

Trận thắng vừa nêu của đội bóng xứ Chùa Tháp khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam lo ngại. Người ta lo không phải vì bóng đá Campuchia quá mạnh, mà lo là vì họ thật sự nghiêm túc với sân chơi châu Á, trong khi toàn bộ quá trình vừa qua, đội tuyển Việt Nam lại chọn mục tiêu chính là SEA Games 29, vào tháng 8 năm nay.

Video: Campuchia 1-0 Afghanistan

Vì đặt mục tiêu là SEA Games vào tháng 8, nên đội hình của đội tuyển Việt Nam dự vòng loại Asian Cup 2019 sử dụng nòng cốt là các cầu thủ trong độ tuổi dự SEA Games, thiếu rất nhiều gương mặt tốt nhất đang thi đấu nổi bật tại V-League những năm gần đây, ngược lại đội lại sử dụng một số vị trí chưa phù hợp với tầm mức đội tuyển quốc gia.

Ví dụ như vị trí trung phong, đội tuyển Việt Nam hiện không có tiền đạo cắm đúng nghĩa, dù ở giải trong nước, chúng ta chưa đến mức khan hiếm trung phong thuần nội có thể hình phù hợp.

Thể hình của các trung phong được đánh giá là cực kỳ quan trọng trong bóng đá hiện đại. Xu thế chung của mọi đội bóng và mọi nền bóng đá trên thế giới là sử dụng trục dọc (thủ môn, trung vệ, tiền vệ trung tâm, trung phong) gồm các cầu thủ có thể hình tốt, giỏi tranh chấp.

Trong khi đội tuyển Việt Nam lại sử dụng những tiền đạo cắm như Công Phượng và Văn Quyết quá nhỏ con.

Có thể HLV Nguyễn Hữu Thắng sử dụng Công Phượng vì muốn xây dựng lối đá nhỏ, ban bật kiểu HA Gia Lai, kỳ vọng vào sự nhuần nhuyễn giữa Công Phượng với Tuấn Anh, Xuân Trường ở hàng tiền vệ.

vietnam-jordan-36 36

HLV Hữu Thắng còn quá nhiều nỗi lo.

Tuy nhiên, ngay đến đội bóng chuyên trị đá nhỏ, đá ban bật hàng đầu thế giới là Barcelona còn có ý thức xây dựng trục dọc bằng những cầu thủ rất to, rất khoẻ: Thủ môn Stegen (1m88), cặp trung vệ Pique (1m92), Umtiti (1m82), tiền vệ phòng ngự Busquet (1m89), trung phong Suarez (1m82), thì đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng có lẽ cũng không nên quá cứng nhắc trong việc sử dụng Công Phượng đá trung phong.

Một trung phong nói riêng, một hệ thống trục dọc nói chung có thể hình không tốt, thiếu khả năng va chạm là một hệ thống khó gây áp lực cho các hàng thủ đối phương, bất lợi trong không chiến và từ đó dẫn đến bất lợi trong các phương án tiếp cận khung thành.

Cũng có thể HLV Nguyễn Hữu Thắng khi sử dụng Công Phượng đá trung phong là muốn hướng đến SEA Games vào tháng 8. Nhưng đấy lại chính là điểm khiến nhiều người lo ngại về khả năng cạnh tranh của chúng ta, so với Campuchia.

Điều lo ngại nằm ở chỗ đối thủ dùng đội tuyển quốc gia cho mục tiêu giành vé dự VCK giải châu Á, cho mục tiêu hướng ra châu lục, để đá với đội tuyển có nòng cốt là các cầu thủ U23 của chúng ta.

Nền bóng đá Việt Nam có thể xếp trên nền bóng đá Campuchia, nhưng nếu họ dùng đội tuyển quốc gia thực thụ để thi đấu, trong khi chúng ta dùng đội hình gồm đa phần các cầu thủ trong lứa tuổi U để đối chọi với họ thì lại là chuyện khác!

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn