Vì sao các nước giảm thời gian cách ly người mắc COVID-19 khi Omicron lan tràn?

Covid-19Thứ Ba, 04/01/2022 07:05:38 +07:00

Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Ireland và Hy Lạp đã rút ngắn thời gian cách ly đối với người mắc COVID-19.

Châu Âu có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng khi biến thể Omicron lan tràn khắp khối và các F0, F1 phải cách ly.

Trong khi áp dụng lại các biện pháp phòng chống COVID-19 như bắt buộc đeo khẩu trang, các nước cũng đang đánh giá lại quy tắc cách ly nhằm quản lý rủi ro lây nhiễm đồng thời giảm thiểu tác động tới các dịch vụ quan trọng và kinh tế.

Vì sao các nước giảm thời gian cách ly người mắc COVID-19 khi Omicron lan tràn? - 1

Hy Lạp là quốc gia đầu tiên ở châu Âu thông báo sẽ chuyển sang thời gian cách ly thấp nhất từ trước tới nay là 5 ngày đối với bệnh nhân COVID-19, giảm một nửa so với quy định 10 ngày trước đây.

Tuần trước, Mỹ cũng cho biết, những người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng chỉ cần cách ly 5 ngày.

Vương quốc Anh áp dụng thời gian cách ly 7 ngày đối với những người bị nhiễm bệnh ngay trước Giáng sinh. Tây Ban Nha và Ireland cũng có mức giảm tương tự. Trong khi đó, Italy không bắt buộc cách ly với F1 đã tiêm phòng.

Việc tiêm phòng rộng rãi đã làm giảm sự lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nhưng với thực tế Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các biến thể trước đó, tại sao các quốc gia lại chuyển sang giai đoạn cách ly ngắn hơn?

Thời gian chữa khỏi COVID-19

Câu trả lời dường như phụ thuộc vào việc người bệnh đã tiêm phòng hay chưa.

Theo nghiên cứu gần đây của Mỹ, người được tiêm vaccine mất khoảng 5,5 ngày để loại bỏ virus khỏi cơ thể. Khoảng thời gian điều trị ở người chưa chủng ngừa là 7,5 ngày. Tuy nhiên, thống kê này được thực hiện trước khi Omicron trở thành biến thể thống trị.

Khi thông báo về việc thay đổi cách ly từ 10 xuống 7 ngày đối với những người bị nhiễm bệnh, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết động thái này dựa trên phân tích của chính cơ quan này. Theo đó, thời gian cách ly 7 ngày cùng với 2 kết quả xét nghiệm nhanh âm tính an toàn tương tự thời gian cách ly 10 ngày.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, việc rút ngắn thời gian cách ly xuống 5 ngày dựa trên bằng chứng khoa học. Theo đó, sự lây lan COVID-19 chủ yếu xảy ra trong 2 ngày trước khi có các triệu chứng và 3 ngày sau đó.

Hy Lạp dẫn dữ liệu sơ bộ cho thấy, Omicron có thể không chỉ nhẹ hơn mà còn có thời gian sống ngắn hơn, cho phép thời gian cách ly ngắn hơn.

Điều kiện để chấm dứt cách ly

Mỗi quốc gia đang có một cách tiếp cận khác nhau. Ở Anh, người bệnh hết cách ly khi có kết quả âm tính vào ngày thứ 6 hoặc 7.

Hy Lạp áp dụng quy tắc 5+5 của Mỹ: 5 ngày cách ly tại nhà, sau đó là 5 ngày đeo khẩu trang, nếu các triệu chứng đã biến mất.

Nhưng một số nhà khoa học phản đối việc rút ngắn thời gian cách ly mà không có kết quả xét nghiệm âm tính. Saad Omer, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale, nói: “Khi không yêu cầu xét nghiệm, sẽ có rất nhiều người nhiễm bệnh trong lực lượng lao động truyền virus cho những người khác - làm tăng thêm rủi ro sức khỏe cộng đồng và khả năng gián đoạn kinh tế”.

Một số quốc gia đã bỏ cách ly với các F1, bao gồm Anh và Italy. Thay vào đó, F1 sẽ được yêu cầu xét nghiệm và chỉ cách ly nếu có kết quả dương tính.

Tại sao các nước rút ngắn thời gian cách ly

Với tỷ lệ lây nhiễm ở châu Âu tăng cao đặc biệt trong tuần qua, các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp giúp các bệnh viện và dịch vụ công thiết yếu hoạt động, đồng thời hạn chế sự lây lan của virus.

Anh đã ghi nhận hơn 100.000 ca mỗi ngày kể từ 22/12, đạt gần 190.000 ca vào ngày 31/12. Nhiều chuyến tàu ở London đã bị hủy do nhân viên vắng mặt vì COVID-19. Các bệnh viện đang chịu áp lực lớn từ tình trạng thiếu lao động và bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng. Ngày 26/12, hơn 24.000 nhân viên y tế nghỉ làm do nhiễm bệnh và cách ly.

Tại Hy Lạp, các bệnh viện đã quá tải vì các ca bệnh của Delta trước khi Omicron xuất hiện. Quốc gia này đang phải đối mặt với số ca nhiễm kỷ lục khi Omicron hiện là biến thể chiếm ưu thế (hơn 60%).

(Nguồn: Vietnamnet/Politico)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp