Vì sao các công ty thuộc Vinachem thua lỗ khổng lồ triền miên?

Kinh tếThứ Bảy, 23/09/2017 07:30:00 +07:00

Nhiều đơn vị thành viên có khoản lỗ khổng lồ đang khiến Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ngập trong nợ nần, với số lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất 6 tháng đầu năm của Vinachem có những kết quả tích cực, giá trị sản xuất tăng 6,3%, doanh thu tăng 2,7%, Công ty Mẹ có lãi, toàn Tập đoàn lãi cộng hợp đạt 33 tỷ, nộp ngân sách đạt 840 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền lãi 33 tỷ đồng này không thấm gì so với số nợ mà Vinachem đang phải gánh. Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2017, số nợ Vinachem cần phải trả lên tới hơn 38 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 19.837 tỷ đồng (hồi cuối năm 2016, số nợ này của Vinachem là 18.243 tỷ đồng), lãi dài hạn là 18.200 tỷ đồng.

Tính chung những tháng đầu năm, Vinachem đã phải chi 44,7 tỷ đồng để trả nợ gốc và 619 tỷ đồng trả lãi vay của tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Cũng theo báo cáo tài chính của Vinachem, 4 đơn vị dẫn đầu về số nợ này là Nhà máy Đạm Ninh Bình (1.177 tỷ đồng), Công ty CP phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (558 tỷ đồng), DAP Vinachem (127 tỷ đồng), DAP số 2 Vinachem (484 tỷ đồng)…

Ngoài số nợ lớn của 4 công ty thua lỗ nhất Vinachem, nhiều công ty của khác của ngành hóa chất cũng có số nợ rất lớn. Có thể kể đến như: Công ty CP Pin Acquy miền Nam nợ hơn 920 tỷ đồng, Công ty Phân bón miền Nam vay nợ 413 tỉ đồng, Công ty Công nghiệp cao su Miền Nam là 1.360 tỉ đồng, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nợ 696,5 tỷ đồng.

Lý giải về số nợ này, báo cáo của Vinachem nêu rõ, do quý II và 6 tháng đầu năm 2017, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm phân bón. Lượng nhập khẩu phân bón lớn, giá bán thấp đã ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.

Video: 4 nhà máy đạm thua lỗ nghiêm trọng

Vinachem cũng cho rằng, rủi ro từ các khoản nợ này vẫn có thể kiểm soát được nhờ vào dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh, thu từ các tài sản tài chính đến kỳ đáo hạn.

Tình hình thua lỗ của nhiều đơn vị thuộc Vinachem đã diễn ra từ lâu. Năm 2015, Đạm Hà Bắc đã lỗ 670 tỷ đồng, đến năm 2016 tăng lên 1.040 tỷ và dự kiến sẽ lỗ tiếp 850 tỷ đồng trong năm 2017. Riêng quý 1/2017, Đạm Hà Bắc đã lỗ thêm 218 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.939 tỷ đồng

Đạm Ninh Bình, trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016, đơn vị này lỗ hơn 3.300 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016 lỗ gần 1.080 tỷ.

DAP Đình Vũ cũng đã lỗ gần 500 tỷ trong năm 2016 sau 3 năm cầm cự không để lỗ.

Việc hàng loạt các dự án lỗ được Vinachem lý giải do nhiều dự án mới đi vào hoạt động, trong khí giá phân bón trong nước và thế giới xuống thấp, dẫn đến kết quả kinh doanh không tốt.

Ví dụ, đối với Đạm Bắc Hà, Đạm Hà Bắc bắt đầu vào năm 2010 khi công ty thực hiện đầu tư dự án cải tạo mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc từ 180.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm.

Năm 2015, dự án mở rộng bắt đầu đi vào hoạt động nhưng đây cũng là thời điểm mà ngành phân bón bước vào giai đoạn bão hòa, cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong ngành cùng với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã kéo giá phân đạm giảm sâu.

Nhu cầu phân đạm của Việt Nam chỉ vào khoảng 2 triệu tấn/năm trong khi công suất của 4 nhà máy chính đã lên đến 2,65 triệu tấn/năm.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn