Vì sao các cầu thủ hay đổi áo cho nhau trên sân?

Chuyện bốn phươngThứ Hai, 12/12/2022 07:21:33 +07:00

Văn hóa đổi áo giữa các cầu thủ, thể hiện tinh thần thể thao và sự tôn trọng mà họ dành cho nhau, được bắt đầu vào năm 1931 trong trận đấu giữa Anh và Pháp.

Sau trận thắng Australia 2-1 tại vòng 1/8, Lionel Messi đã đổi áo cho tiền vệ Cameron Devlin của đội đối thủ dù chàng trai 24 tuổi không chơi một phút nào tại World Cup 2022. Đó cũng là trận đấu thứ 1.000 trong sự nghiệp của “El Pulga”.

“Đẳng cấp từ Messi. Anh ấy giữ lời hứa tặng áo cho Cameron Devlin”, Twitter chính thức của FIFA chia sẻ khoảnh khắc này kèm theo một đoạn video.

Trong một trận giao hữu diễn ra vào tháng 6 năm nay, Neymar - ngôi sao của PSG - và Son Heung-Min - tiền đạo của Tottenham - cũng có hành động tương tự tại phòng thay đồ khi Brazil đánh bại Hàn Quốc với tỷ số 5-1.

Chuyện các cầu thủ trao đổi áo đấu sau mỗi trận bóng đã trở thành truyền thống của làng túc cầu thế giới.

Khoảnh khắc đẹp

Khi World Cup 2022 khởi tranh, ngoài cuộc đua nghẹt thở để giành cúp vàng thế giới, một trong những hình ảnh phổ biến nhất mà người hâm mộ mong chờ là các cầu thủ tặng áo cho đồng nghiệp.

Đó là lý do tại sao cổ động viên thấy một cầu thủ như Neymar giơ cao trang phục thi đấu của Thụy Sĩ khi hai quốc gia chạm chán ở bảng G năm nay.

Theo NBC News, hành động đổi áo giữa các tuyển thủ là biểu tượng cho sự tôn trọng lẫn nhau. Điều này cũng có ý nghĩa tương tự với giải bóng bầu dục Mỹ (NFL) và giải bóng rổ nhà nghề (NBA).

Ngoài ra, những màn giao lưu kiểu như vậy được xem là một cách để thể hiện tinh thần thượng võ trong thể thao.

Theo New York Times, việc đổi áo được khởi xướng vào năm 1931 trong trận đấu giữa Anh và Pháp, khi “Les Blues” thắng 5-2 trước sự bất ngờ của “Tam Sư” tại sân Olympique Yves-du-Manoir (Paris).

Khi đó, "những chú gà trống Gô-loa" đã hỏi liệu họ có thể giữ áo đấu của đội tuyển xứ sương mù để làm kỷ niệm hay không. Các cầu thủ Anh đã đồng ý và truyền thống bắt đầu từ đó.

Một trong những khoảnh khắc nổi tiếng nhất là màn hoán đổi giữa huyền thoại người Brazil Pele và hậu vệ của Anh Bobby Moore tại World Cup 1970.

Vì sao các cầu thủ hay đổi áo cho nhau trên sân? - 1

Modrić và Casimiro đổi áo cho nhau trong trận tứ kết giữa Croatia - Brazil. (Ảnh: AP)

Trong giải bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức ở Qatar, người hâm mộ còn chú ý đến hình ảnh giao lưu của Piotr Zielinski (Ba Lan) với Hirving Lozano (Mexico) sau 90 phút rượt đuổi kịch tính.

Sau khi cuộc chiến trên sân cỏ kết thúc, máy quay trong đường hầm đã bắt gặp họ trao đổi áo đấu và gửi lời chào.

Trận tứ kết giữa Croatia và Brazil cũng xuất hiện khoảnh khắc đẹp giữa Luka Modrić và Casimiro. Họ là bạn thân, từng cùng thi đấu trong màu áo Real Madrid nhưng chạm trán tại World Cup ở hai chiến tuyến khác nhau.

Ngay sau khi hiệp 1 khép lại, hai ngôi sao của đã tiến đến gần đối phương để đổi áo, bắt tay nhau. Điều đó thể hiện sự tôn trọng đối thủ cũng như đồng đội cũ của Modrić và Casimiro.

Trang phục của "Selecao" có gam màu vàng bắt mắt, còn Croatia thì gây ấn tượng với họa tiết kẻ caro đỏ trắng đan xen.

Cầu thủ có thể bị phạt

Với Lionel Messi, chủ nhân 7 quả bóng vàng có nguyên tắc khá khắt khe trong việc đổi áo. Điều này dường như chỉ được nới lỏng hơn khi anh chuyển từ CLB Barcelona sang Paris Saint-Germain.

Các cầu thủ đối phương thường hỏi Messi về việc xin áo của anh sau tiếng còi mãn cuộc nhưng huyền thoại người Argentina nổi tiếng là người kén chọn.

Cầu thủ 34 tuổi trước đó đã ám chỉ trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình xứ tango rằng anh chỉ muốn sưu tập áo đấu của những người đồng hương với mình.

“Nếu đó là người Argentina, tôi sẽ đổi với anh ta. Nhưng trừ khi họ hỏi tôi, tôi sẽ không ngỏ lời trước”, Messi nói với kênh TyC Sports.

Trong bộ sưu tập của mình, Messi đã có đồng phục của Angel Di Maria, Sergio Aguero, Manuel Lanzini và Diego Milito.

Các cầu thủ không nhất thiết phải trao đổi áo thi đấu. Hành động này chỉ được thực hiện nếu cả hai cùng đồng ý.

Không có gì ngạc nhiên nếu hai cầu thủ cùng đội đều muốn có được chiếc áo từ ngôi sao của đội đối thủ.

Ví dụ, Javier Zanetti và Marco Materazzi thuộc Inter Milan đã từng cố gắng lấy áo của Thierry Henry (Arsenal).

Vì sao các cầu thủ hay đổi áo cho nhau trên sân? - 2

Cameron Devlin giao lưu với Messi trong đường hầm ở vòng 1/8 World Cup 2022. (Ảnh: Keepup)

Trường hợp này đã dẫn đến một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các cầu thủ Inter Milan và Arsenal. Đây là hai CLB đến từ hai quốc gia khác nhau nên khả năng họ đối đầu thường xuyên là cực kỳ thấp.

Cuối cùng, Zanetti đã nhận được món quà từ Henry, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào ý muốn và sự tôn trọng giữa các bên.

Tuy nhiên, việc đổi áo sau trận đấu có thể khiến các cầu thủ bị phạt hoặc phải đền tiền. Theo quy định mới của giải ngoại hạng Anh (Premier League), các CLB sẽ bị phạt 5.000 bảng Anh nếu cầu thủ của họ chủ động đề nghị đổi áo với đối thủ sau trận đấu, theo Sports Life News.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn