Vì sao Bộ trưởng khẳng định yên tâm với bảo vệ vùng trời?

Kinh tếThứ Năm, 03/10/2013 07:07:00 +07:00

(VTC News) - Theo Bộ trưởng Bộ KH & CN, trong hệ thống phòng không, pháo tầm thấp và ra đa, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm với việc bảo vệ vùng trời VN.

(VTC News) - Một chuyến đi về làng khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân, Ninh Bình lại là khởi đầu của một câu chuyện lạ lùng về chuyện bảo vệ vùng trời, vùng biển của Việt Nam với những thiết bị hàng đầu được sản xuất bởi người Việt Nam.

Trùng khớp hơn, Bộ trưởng Nguyễn Quân của Bộ Khoa học Công nghệ cũng vừa chia sẻ suy nghĩ của mình về việc này: “Chúng ta tự tin với việc bảo vệ vùng trời, vùng biển của Việt Nam”.

Hai bức tượng đá

Ông Nguyễn Xuân Mạnh là một trong những thợ điêu khắc đá có tiếng của làng Ninh Vân, xứ Hoa Lư huyền thoại.

400 năm nay, xứ này chuyên về điêu khắc đá. Những bức tượng ngược xuôi trên đường hay trên sông từ mảnh đất này đi khắp mọi nơi, chở theo biết bao câu chuyện thần kỳ về những tảng đá đã được thổi hồn.

VRS651 máy thu vô tuyến điện sóng ngắn chuyên dụng, hoạt động ở các dải tần từ 2MHz đến 29,99999MHz – một loại thiết bị thông tin quân sự do Viettel sản xuất thành công.
VRS651 máy thu vô tuyến điện sóng ngắn chuyên dụng, hoạt động ở các dải tần từ 2MHz đến 29,99999MHz – một loại thiết bị thông tin quân sự do Viettel sản xuất thành công. 

Ông Mạnh đang nổi tiếng hơn khi là người được đặt hàng thực hiện hai bức tượng: người thầy và người thợ để dựng phía trước Viện nghiên cứu và phát triển Viettel gần đây.

“Đấy là xưởng ông Mạnh, làm hai cái tượng của viện gì đó nghiên cứu về ra đa và vũ khí quân đội đấy. Ông ấy còn khoe bài báo mà bộ trưởng còn bảo là giờ mình hoàn toàn thoải mái yên tâm với việc kiểm soát vùng trời, vùng biển…” – một anh thanh niên trong làng nhanh nhảu giới thiệu.

Câu chuyện lôi kéo người ta đi xa hơn ý tưởng về một làng nghề, khi phải tìm kiếm bài báo mà Bộ trưởng Nguyễn Quân của Bộ Khoa học Công nghệ vừa chia sẻ sự tự hào rằng Việt Nam đã hoàn tất trang bị cho việc theo dõi từng điểm nhỏ nhất của toàn bộ vùng trời, vùng biển.

Lại còn câu chuyện về bức tượng người thầy và người thợ được đặt hàng để “giữ cửa” cho Viện nghiên cứu phát triển Viettel nhằm nhắc nhở mỗi người khi bước vào đây triết lý chung của Viện: “Tư duy như hiền triết – Làm như thợ thủ công”.

Chuyện bên trong viện nghiên cứu

Theo ý tưởng đi tìm 2 bức tượng đá, chúng tôi đến Viện nghiên cứu phát triển Viettel. Hình ảnh người thầy và người thợ chào khách làm liên tưởng đến triết lý hoạt động của viện khoa học công nghệ lừng danh thế giới MIT (Mỹ).

“Đúng rồi, chúng tôi chọn ý tưởng của MIT làm động lực để các anh em trong viện phấn đấu” – một lãnh đạo Viettel cho hay.

Và những “nhà hiền triết” của Viettel đã xây cho mình một mục tiêu không nhỏ: trở thành một trung tâm nghiên cứu hàng đầu khu vực trong 5 năm tới. Và để minh họa cho ý tưởng lớn này, Viettel cũng quyết định đầu tư lớn, lớn đến con số được công bố là 3.000 tỷ đồng trích từ lợi nhuận của việc kinh doanh viễn thông.

Có tiền, có khát vọng, có nhân tài tề tựu từ khắp nơi trên thế giới, phần còn lại là kết quả của họ. Rất hay, khi biết rằng “kết quả” chính là niềm tự hào của những “người thợ thủ công” trong công việc này.

Chẳng hạn, khi nhận yêu cầu xây dựng hệ thống kiểm soát vùng trời mang tên VQ, họ ngồi lại với các đối tác Israel để tìm mua công nghệ mới nhất và muốn toàn quyền trong việc triển khai. Không thống nhất được, vì cái giá đối tác đưa ra rất cao, đến hàng triệu đôla. Họ bắt tay vào tự nghiên cứu.

Những ngày mày mò với đủ các mô hình đang có. Những đêm ngồi cùng nhóm chuyên gia của Cục hàng không Việt Nam. Những cuộc tranh luận nảy lửa rồi cùng nhau ngồi dò từng đoạn mã nhỏ nhất, chăm chú cảm nhận “nhịp đập của không khí” trên màn hình to thật to đang chớp nháy toàn ký hiệu, mật mã.

Làm chưa xong thì chưa nghỉ – hành trình chỉ có tiến về phía trước này cuối cùng đã về đích khi mà đối tác Israel sau khi nghe trình bày một phần của giải pháp mà Viettel đã đưa ra lời đề nghị giảm giá rất sâu.

Nhưng đến lúc này, những nhà nghiên cứu áo lính đã biết: chúng ta đã có thể chủ động hoàn toàn trong việc kiểm soát vùng trời quốc gia bằng công nghệ hiện đại.
Ông Nguyễn Đình Chiến – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Viettel đang thuyết trình về  hệ thống quản lý vùng trời mới do Viettel thiết kết và sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Chiến – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Viettel đang thuyết trình về hệ thống quản lý vùng trời mới do Viettel thiết kết và sản xuất. 

Cùng với những thiết bị, vũ khí hiện đại được mua sắm mới trong những năm gần đây, chính những công trình được những người lính Việt Nam tự mình làm cho mình như VQ hay rada tầm thấp như vậy đã mang lại sự tự tin mà Bộ trưởng Khoa học- Công nghệ Nguyễn Quân đã khẳng định.

Đến “hành trang người lính”

Từ Viện nghiên cứu Phát triển Viettel, sang Công ty Thông tin M1 Viettel, nơi một loạt các máy thông tin sơn mầu xanh bộ đội đặc trưng đang xếp hàng chờ xuất xưởng.

“Sản phẩm nào đang được xem là quan trọng nhất trong năm nay của Công ty?” – câu hỏi hơi tò mò nhận được hồi đáp rất tích cực: “Một đơn hàng lớn của Bộ Quốc phòng cho các sản phẩm quân sự chuyên dụng. Đủ 8 loại máy thông tin quân sự dành cho lục quân, một số máy dành cho phòng không không quân và một số thiết bị nữa chưa công bố được…

Tất cả đều do chúng tôi tự nghiên cứu, chế tạo trong hơn 2 năm qua. Giờ đang ra sức sản xuất để thay thế, trang bị cho toàn quân”.

“Vậy là sản xuất đại trà rồi?” – “Đúng vậy, trải qua một quá trình kiểm định hết sức nghiêm khắc, chúng tôi đã khẳng định các sản phẩm thông tin quân sự của Viettel đã sẵn sàng cho những người lính thời hiện đại” – ánh mắt của người hướng dẫn chuyến tham quan kỳ lạ như sáng hơn rất nhiều khi nói về điều tự hào này.

Vậy ra, thay cho các chiếc máy đã kiên trì phục vụ những người lính mấy chục năm, qua mấy cuộc chiến tranh là đây, những chiếc máy chắc nịch, gọn gàng, hiện đại chẳng kém ai… ra đời từ những bàn tay người lính.

Bỗng thấy phấn khích bởi một thực tế đã có. Không phải lo mua bao nhiêu, ở đâu, cũng không lo bị mất kiểm soát. Hành trang của người lính ngày nay đã do chính họ tự làm ra.
Yên tâm với hệ thống phòng thủ của Việt Nam

"Tôi nói đơn giản như thiết bị thông tin quân sự hiện nay của chúng ta gần như là hoàn toàn của Việt Nam sản xuất. Hệ thống này đủ sức đảm bảo bí mật, an toàn cho hệ thống thông tin trong lực lượng vũ trang. Còn vũ khí bộ binh, chúng ta gần như cũng đảm bảo được.

Tất nhiên những trang thiết bị vũ khí lớn và hiện đại chúng ta vẫn phải nhập khẩu. Nhưng song song đó, nhờ áp dụng thành tựu nghiên cứu sáng tạo của người Việt nam, chúng ta đã cải tiến được những vũ khí được sản xuất từ nhiều năm trước đây có tính năng không thua kém các loại vũ khí hiện đại mới được sản xuất hiện nay.

Nhất là trong hệ thống phòng không, pháo tầm thấp và ra đa, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm với việc bảo vệ vùng trời. Mọi đối tượng xâm nhập đều có thể bị bắn hạ ngay từ loạt đạn đầu".

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân





Trần Hoài
Bình luận
vtcnews.vn