Vì sao Bộ GD&ĐT thanh tra 4 trường đại học?

Giáo dụcThứ Hai, 05/08/2019 07:11:00 +07:00

Bốn trường Bộ GD&ĐT thanh tra có cùng điểm chung là điểm sàn xét tuyển năm nay chỉ 12 - 13 điểm.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết thanh tra tuyển sinh là công việc hàng năm của Thanh tra Bộ. Năm nay, Bộ tiếp tục rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học. 

Trước mắt Bộ thanh tra 4 trường: Đại học Nội vụ Hà Nội; Đại học Lâm nghiệp, Đại học Hùng Vương TP.HCM và Đại học Bạc Liêu. sau đó làm tiếp các trường khác. Địa chỉ mà Bộ chọn thanh tra đầu tiên là những trường được dư luận phản ánh đưa ra điểm sàn thấp, trong đó 3 trường dưới 13 điểm và 1 trường từ 13 điểm.

Cụ thể, Đại học Nội vụ Hà Nội từ 12 đến 17 điểm. Mức sàn thấp nhất ở cơ sở Hà Nội của trường này là 13 điểm; hai phân hiệu của trường tại TP.HCM và Quảng Nam với hầu hết các ngành đều 12 và 12,5 điểm.

Đại học Lâm nghiệp tại cơ sở Hà Nội có 28/32 ngành có điểm sàn 13; phân hiệu của trường này tại Đồng Nai có 16/16 ngành với điểm sàn 13. Với trường Đại học Bạc Liêu, điểm sàn của hầu hết các ngành của trường là 13, thậm chí có 2 ngành chỉ 12 điểm.

Đại học Hùng Vương TP.HCM không công bố điểm sàn trên website của trường theo quy định, mà chỉ cập nhật mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh Bộ GD&ĐT là 12 điểm.

“Tôi xin khẳng định, việc các trường đưa ra điểm sàn thấp như thế là không vi phạm quy chế hay quy định nào của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh. Nhưng Bộ thanh tra để rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng”, ông Bằng nói.

tuyensinh

 Chất lượng đầu vào là một yếu tố quyết định chất lượng đào tạo đại học. (Ảnh: Tienphong)

Thực tế, ngay sau khi biết điểm thi THPT quốc gia (ngày 14/7 vừa qua), rất nhiều trường đưa ra mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển chỉ 13, 14 điểm. Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo đối với những trường này. Các trường không nên xem chỉ tiêu tuyển sinh là căn cứ để xác định điểm sàn, dẫn tới xác định điểm sàn quá thấp không đảm bảo chất lượng.

Là 1 trong 4 trường nằm trong diện thanh tra lần này, GS. Đỗ Văn Xê, hiệu trưởng Đại học Hùng Vương TP.HCM cho rằng, xác định điểm sàn bao nhiêu là việc của các trường, không có quy định nào yêu cầu trường phải đưa ra ở mức nào.

Theo GS. Đỗ Văn Xê, điểm sàn khác điểm chuẩn, điểm sàn thấp không có nghĩa là điểm chuẩn sẽ thấp. “Quan điểm của tôi là học sinh tốt nghiệp THPT là học được đại học, không có gì phải lo lắng. Các nước trên thế giới đều thế. Quan trọng là quá trình giảng dạy như thế nào để đảm bảo chất lượng đầu ra”, GS. Đỗ Văn Xê nói.

 Chất lượng đầu vào đứng ở đâu?

Nói về chất lượng đào tạo ở một trường đại học, PGS. Đào Văn Đông, hiệu trưởng Đại học công nghệ Giao thông Vận tải đưa ra 3 yếu tố để đảm bảo, đó là : Đầu vào và nỗ lực của sinh viên; dịch vụ đáp ứng của các trường; đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Trong đó, đầu vào chỉ là một trong 3 yếu tố đảm bảo chất lượng nhưng không phải vì thế mà không quan trọng. Đầu vào là điều kiện để xác định xem thí sinh có đủ trình độ năng lực tiếp tục theo học ở bậc học cao hơn hay không.

Đồng quan điểm này, lãnh đạo phòng đào tạo một trường đại học cho biết, chất lượng đào tạo phụ thuộc vào ý thức sinh viên, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ thầy cô ngoài có trình độ phải có kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Chương trình đào tạo cũng rất quan trọng, vừa có cơ sở lý thuyết vững chắc vừa phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Theo vị này, chất lượng đầu vào là khâu quan trọng nhưng chỉ là một yếu tố nằm trong tổng số những điều kiện đảm bảo chất lượng. Theo thống kê, có nhiều thí sinh có chất lượng đầu vào tốt (thủ khoa, á khoa) nhưng kết quả học tập lại không bằng những bạn có đầu vào bình thường.

 Nguyên nhân là do môi trường học ở phổ thông khác với môi trường đại học. Đại học là môi trường để sinh viên thể hiện phát triển bản thân tích lũy kiến thức. Còn môi trường phổ thông là truyền thụ kiến thức từ người thầy sang trò. Vì vậy, sinh viên nào có năng lực bản thân cá nhân tốt thì phát triển được trong môi trường giáo dục đại học.

Mặt khác, vị lãnh đạo phòng đào tạo này cho rằng, hiện nay có rất nhiều phương thức tuyển sinh. Nhiều trường nổi tiếng, sinh viên chỉ cần qua bài phỏng vấn là trúng tuyển. Rồi phương thức tuyển sinh bằng học bạ, bằng thi đánh giá năng lực… 

“Vậy điều chúng ta đang nói ở đây là thấp hay cao so với cái gì. Điểm thi thể hiện được chính xác năng lực chuẩn của các em chưa” - vị lãnh đạo này băn khoăn. 

Vị này nêu ví dụ như bài thi đánh giá năng lực mà các trường đang sử dụng, đến giờ, chưa có bất kỳ một sự đảm bảo nào từ phía Bộ GD&ĐT có thể khẳng định đề thi này đánh giá được đúng phẩm chất năng lực của thí sinh.

Với phương thức xét tuyển bằng học bạ, nếu Bộ GD&ĐT thống kê, có thể thấy lượng thí sinh 3 năm liền là học sinh giỏi có sự chênh lệch khá lớn với kết quả thi THPT quốc gia của chính những thí sinh này. Trong khi đó, rất nhiều trường đang tuyển thẳng bằng phương thức sử dụng kết quả học sinh giỏi.

Còn bà Nguyễn Thị Kim  Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho hay, trong số những trường xác định điểm sàn thấp năm vừa rồi có những trường đầu ngành của lĩnh vực nông lâm, thủy lợi, mỏ địa chất… Những nhóm ngành này sinh viên ra trường có việc làm sớm, làm đúng ngành đào tạo, thậm chí có ngành thiếu nhân lực… nhưng do không được thí sinh ưa thích, lựa chọn nên phải xác định điểm sàn thấp.

“Có thể nói, điểm sàn thấp đồng nghĩa với chất lượng đầu vào thấp, nhưng không phải tất cả những trường lấy điểm sàn thấp đều là những trường kém chất lượng. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng cũng phải xác định giáo dục đại học là giáo dục bậc cao, dù trong hoàn cảnh nào thì các trường cũng không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển”, bà Phụng nói.

Năm 2018, toàn hệ thống có khoảng hơn 30 trường có ngành lấy điểm sàn đến 13, chủ yếu là các trường tư thục, trường thuộc một số tỉnh ở địa bàn khó khăn và trường đào tạo khối ngành nông lâm, thủy lợi…

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn