Vì sao Bộ GD&ĐT đề nghị không biên soạn bộ SGK dùng ngân sách nhà nước?

Tin tức - Sự kiệnThứ Bảy, 16/05/2020 15:46:00 +07:00
(VTC News) -

Không có bộ sách do Bộ tổ chức biên soạn sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển xã hội hóa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữ các nhà xuất bản.

Trong báo cáo triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp chiều nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, nhiều đầu việc được Bộ hoàn thành.

Cụ thể Bộ đã tổ chức tổng kết đánh giá sách giáo khoa hiện hành, ban hành thông tư để huy động nhiều nguồn lực biên soạn các bộ sách, xóa độc quyền sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục, thẩm định, phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 do các nhà xuất bản tự biên soạn…

Về nhiệm vụ đứng ra biên soạn một bộ sách chuẩn theo chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm 137 đầu sách), Bộ trưởng cho biết, do sử dụng vốn vay của Ngân hàng thế giới nên theo quy định, việc tuyển chọn tác giả sách giáo khoa phải được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi.

Bộ đã đốc thúc triển khai việc đấu thầu ngay sau khi ban hành chương trình (cuối năm 2018) để tuyển chọn tác giả, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không chọn được đủ số lượng tác giả.

Nguyên nhân, hầu hết các chuyên gia có kinh nghiệm đã sớm ký hợp đồng với các nhà xuất bản và triển khai biên soạn sách giáo khoa. Tới thời điểm Bộ GD&ĐT mời thầu, các nhà xuất bản đã có một số bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 được chuẩn bị gần như hoàn tất, sẵn sàng để thẩm định và phê duyệt đưa vào sử dụng.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ tiếp tục tổ chức đấu thầu lần 2. Các ứng viên đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia và đáp ứng yêu cầu về số lượng chủ biên, tác giả, biên tập viên cần tuyển chọn để tổ chức biên soạn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Vì sao Bộ GD&ĐT đề nghị không biên soạn bộ SGK dùng ngân sách nhà nước? - 1

Học sinh đi học sau thời gian tạm nghỉ COVID-19. (Ảnh minh họa: H.C)

Tuy nhiên, khi Bộ tổ chức thương thảo để ký hợp đồng, các tác giả đưa ra nhiều yêu cầu mà theo quy định thì Bộ không đáp ứng được.

“Qua tìm hiểu, hầu hết các ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn tác giả đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn sách giáo khoa với các nhà xuất bản và đã hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa lớp 1, chuẩn bị hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

Vì vậy, các ứng viên không thể ký hợp đồng với Bộ GD&ĐT để biên soạn từ đầu một bộ đầy đủ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Đến nay, các nhà xuất bản hoàn thành 49 bản mẫu của 5 bộ sách giáo khoa tại 8 môn học, hoạt động giáo dục lớp 1. Đồng thời nhanh chóng tiếp tục hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 để thẩm định trong năm 2020. Các nhà xuất bản cũng đang tiếp tục tổ chức bản thảo và hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa các lớp còn lại để thẩm định trong các năm tiếp theo.

Do đó, Bộ GD&ĐT vẫn có thể đảm bảo đủ sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 tới đây.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc không có một bộ sách do Bộ tổ chức biên soạn sẽ thuận lợi hơn cho việc phát triển xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà xuất bản theo quy định bình ổn giá sách.

Để đảm bảo tính chủ động, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục biên soạn, xuất bản, in, phát hành một bộ sách giáo khoa đầy đủ các môn học. 

Từ những quan điểm trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho Bộ không tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa “chuẩn”, làm bằng ngân sách nhà nước nữa.

Về khoản kinh phí 16 triệu USD (vay của Ngân hàng Nhà nước và 1 triệu USD vốn đối ứng) dự kiến để biên soạn sách. Nhưng số tiền này không được sử dụng, hiện vẫn trong tài khoản của WB. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan đề xuất phương án sử dụng.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn