Vì sao Bộ GD-ĐT đề nghị đổi 'học phí' thành 'giá dịch vụ đào tạo'?

Giáo dụcThứ Tư, 30/05/2018 13:36:00 +07:00

Đại diện Bộ GD-ĐT lý giải về việc đề nghị đổi 'học phí' thành 'giá dịch vụ đào tạo' trong dự thảo luật sửa đổi bổ sung Luật giáo dục đại học.

Trình bày trước Quốc hội sáng 30/5 các nội dung sửa đổi bổ sung Luật giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập đổi cụm từ "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo". Ngay lập tức, đề nghị này đã khiến dư luận xôn xao.

Tuy nhiên, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong Dự thảo Luật.

bo-giao-duc-dao-tao

 Bộ GD-ĐT.

Chiều 30/5, Bộ GD-ĐT đã trả lời báo chí xung quanh đề nghị đổi cụm từ "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo".

"Ý kiến của cơ quan thẩm tra chủ yếu là về sử dụng thuật ngữ, không phải vấn đề quan điểm điều chỉnh pháp luật.

Theo quy định của Luật phí, lệ phí hiện nay thì học phí được chuyển sang thực hiện theo cơ chế tính giá dịch vụ theo quy định của Luật Giá. Tuy nhiên, ở mức độ nhất định, với những khoản mà người học phải đóng góp cho quá trình học, thuật ngữ học phí vẫn nên sử dụng để đảm bảo tính thông dụng, dễ hiểu, dễ áp dụng", đại diện Bộ GD-ĐT nêu.

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng giải thích rõ hơn: "Điều 105 Dự thảo sửa Luật Giáo dục vẫn quy định về học phí. Tuy nhiên, cơ chế xác định và thu học phí đã được đổi mới theo Luật Giá. Điều 105 nêu trên quy định: Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, đào tạo. Nội dung này được cơ quan thẩm tra rất đồng thuận".

Bên cạnh đó, đại diện Bộ GD-ĐT cũng làm rõ các khái niệm nêu trong dự thảo luật.

"Về tên gọi của Điều 65 Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH là “Giá dịch vụ đào tạo” vì điều này không chỉ quy định về học phí mà còn quy định về các vấn đề như: nhà nước đặt hàng đào tạo, dịch vụ sử dụng/ không sử dụng ngân sách nhà nước, dịch vụ tuyển sinh… nên gọi chung là Giá dịch vụ đào tạo theo nghĩa rộng, để khái quát cho tất cả các nội dung được đề cập đến trong điều này.

Riêng phần đóng cho đào tạo được viện dẫn sang Điều 105 nêu trên; nghĩa là, đối với khoản tiền mà người học phải đóng cho quá trình học vẫn được quy định là học phí".

Về nội dung, đối với dịch vụ do Nhà nước đặt hàng đào tạo và cấp kinh phí để thực hiện và đối với các cơ sở GDĐH công lập,các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định khung giá và giá cụ thể.

Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước, cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Các mức này đều được tính theo cơ chế tính giá và phải được công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

"Quy định như trên với mục đích để đảm bảo đổi mới căn bản về tài chính GDDH, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam, minh bạch để người học lựa chọn các chương trình, cơ sở đào tạo phù hợp.

Tuy nhiên, Dự thảo mới được đưa ra xin ý kiến Quốc Hội và toàn xã hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo trong thời gian tới", đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn