Vì sao bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội vào tháng 7?

Thời sựThứ Ba, 12/04/2016 11:46:00 +07:00

Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá 14 (dự kiến tháng 7), đại biểu sẽ bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cùng nhiều chức danh lãnh đạo

(VTC News) - Kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá XIV (dự kiến tháng 7), đại biểu sẽ bầu lại Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cùng nhiều chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.

Trong buổi họp báo bế mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội thứ XIII, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí.

Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII
Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII  (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Quốc hội vừa kiện toàn chức danh nhà nước, các ứng viên được bầu và đề nghị phê chuẩn đều trúng cử, một số người được miễn nhiệm cho biết băn khoăn, bị động, được thông báo muộn, ảnh hưởng đến kế hoạch công tác nhiệm kỳ của họ. Ý kiến của Tổng thư ký? Đây có phải tiền lệ cho những lần chuyển giao nhân sự sau này?

Kỳ họp này dành khá nhiều thời gian kiện toàn nhân sự. Việc này không phải bị động mà có chuẩn bị, thông báo từ trước. Chúng ta thực hiện đúng theo quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm cán bộ. Quốc hội vừa qua thực hiện đúng quy trình.

Thời gian qua, có nhiệm kỳ chúng ta kiện toàn, có nhiệm kỳ không. Tuỳ thời điểm, nếu cách xa nhau thì phải kiện toàn để đảm bảo lãnh đạo thống nhất.

- Vì sao Quốc hội không miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và chức vụ Phó Thủ tướng với ông Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu nhiệm vụ mới?

Chúng ta đã bầu bà Ngân làm Chủ tịch, thì không có chuyện lại kiêm Phó chủ tịch, nên không có chuyện miễn nhiệm nữa. Tương tự đối với trường hợp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh: Phạm Thịnh)
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Trong Lễ tuyên thệ, có ý kiến cho rằng đại biểu Quốc hội nên đứng dậy để đảm bảo không khí trang nghiêm, ý kiến của ông?

Năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm lễ tuyên thệ trước hội nghị Tân Trào, Bác đứng trước lá cờ làm lễ tuyên thệ, chúng tôi lấy ý tưởng từ việc này.

Trên thế giới, trong lễ tuyên thệ có nơi đứng, nơi ngồi, tuỳ theo nghị viện từng nước chứ không có quy định.

- Luật chế định Chủ tịch nước vì sao chưa thông qua?

Về Luật chế định, đầu nhiệm kỳ khoá XIII đã có đề cập, nhưng bên phía Chủ tịch nước chưa chuẩn bị kịp nên xin lùi lại.

- Nhân sự sắp tới được kiện toàn như thế nào thưa ông?

Tới đây, sẽ có kiện toàn lãnh đạo nhà nước tại kỳ họp thứ nhất khoá XIV. Bốn chức danh cao nhất sẽ kiện toàn, sẽ có tuyên thệ. Lời tuyên thệ được ấn định trong hiến pháp, tuỳ vị trí có tuyên thệ riêng, ngắn gọn trong 1-2 phút.

Video: Diện mạo Chính phủ mới

(Nguồn VTV)

- Kỳ họp đầu tiên khoá XIV tới sẽ miễn nhiệm, bầu bao nhiêu chức danh?

Công tác miễn nhiệm sắp tới ít thôi, vì vừa qua đã kiện toàn 37 chức danh. Kỳ họp đầu tiên khoá XIV tới chủ yếu là bầu mới.

- Vừa rồi những chức danh được bầu, phê chuẩn, đều được nhận xét "đã hoàn thành công việc", không có đánh giá về đạo đức, nhân cách. Phiên thảo luận lại là kín, trong khi cử tri có quyền được biết về năng lực, phẩm chất của cá nhân đó?

Đây là quy trình công tác cán bộ đã được Quốc hội thông qua, đều là họp nội bộ. Đại biểu cũng là đại diện cho dân, quá trình nghiên cứu hồ sơ, đánh giá được thực hiện đầy đủ, có sự cân nhắc, thể hiện quan điểm của mình bằng lá phiếu. Khi công bố kết quả có người phiếu cao, người thấp, đó là sự đánh giá của đại biểu.

- Trong kỳ họp vừa qua Quốc hội bầu, phê chuẩn nhiều nhân sự chủ chốt, ngoài nhân sự được đề cử thì có ứng viên nào được giới thiệu thêm?

Theo quy định đại biểu có quyền ứng cử, đề cử, nhưng trong quá trình làm nhân sự, không đại biểu nào ứng cử, đề cử.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, do nhu cầu công việc, sắp xếp bộ máy của Đảng theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, Quốc hội khoá XIII vừa kiện toàn 37 chức danh lãnh đạo nhà nước để đảm bảo sự đồng bộ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

"Nhân sự vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là của Khoá XIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Sau khi bầu cử Quốc hội Khoá XIV (ngày 22/5), chúng ta lại kiện toàn nhân sự của các cơ quan nhà nước", ông Lưu cho hay.

Luật Tổ chức Quốc hội quy định các chức danh trong bộ máy nhà nước bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

Như vậy, nếu các chức danh mới trúng cử sắp tới được bầu là đại biểu Quốc hội thì sẽ tiếp tục được giới thiệu đảm nhiệm chức vụ, còn người nào không trúng cử thì sẽ kết thúc nhiệm kỳ, và được Đảng, Nhà nước bố trí vào vị trí khác.

Ông Lưu cũng cho hay, theo quy định của Hiến pháp, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV vào tháng 7 tới, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án toà án nhân dân Tối cao sẽ tiếp tục tuyên thệ trước Quốc hội sau khi được bầu.


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn