Vì sao bánh cưới của Nữ hoàng Anh để 68 năm vẫn ăn được?

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 03/08/2021 08:17:00 +07:00

68 năm sau đám cưới Nữ hoàng Anh, một lát trong chiếc bánh cưới khổng lồ của bà được đưa ra bán đấu giá và vẫn ăn được như thường.

Vào ngày 20/11/1947, hôn lễ thế kỷ giữa Hoàng tế Philip và Nữ hoàng Anh đã chính thức diễn ra trong sự vui mừng hân hoan của hàng triệu người trên thế giới. Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng những chi tiết đầy tinh tế và ý nghĩa trong hôn lễ của vợ chồng Nữ hoàng Anh vẫn trở thành chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm.

Trong số đó không thể không nhắc đến chiếc bánh cưới đặc biệt của hôn lễ thế kỷ, sau 68 năm chiếc bánh vẫn có thể được sử dụng bình thường. 

Vì sao bánh cưới của Nữ hoàng Anh để 68 năm vẫn ăn được? - 1

Vợ chồng Nữ hoàng Anh trong ngày cưới.


Chiếc bánh cưới 10.000 dặm

Bánh cưới trong hôn lễ của Nữ hoàng Elizabeth II với Hoàng tế Philip là một chiếc bánh 4 tầng khổng lồ, cao gần 2 mét và nặng khoảng 226kg. Nó có thể cắt thành 2000 miếng bánh nhỏ. Được biết, đây là chiếc bánh cưới được làm từ hơn 80 quả cam, chanh và 660 quả trứng, mang đậm mùi vị truyền thống. Nó được tạo ra bởi tiệm bánh McVitie và Price nổi tiếng ở London.

Bánh cưới truyền thống của hoàng gia Anh thường là bánh trái cây, nặng tới hàng trăm kg và làm từ các nguyên liệu tinh túy, đắt tiền nhất. Những lát bánh còn được giữ trong chiếc hộp nhỏ như một món quà lưu niệm và được lưu giữ hàng trăm năm.

Vì sao bánh cưới của Nữ hoàng Anh để 68 năm vẫn ăn được? - 2
Vì sao bánh cưới của Nữ hoàng Anh để 68 năm vẫn ăn được? - 3

Dù là sau Thế Chiến II và trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn, nhưng chiếc bánh của Nữ hoàng vẫn có đủ độ hoa lệ nhờ các nguyên liệu được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới. Do đó, nó được mệnh danh là chiếc bánh cưới 10.000 dặm, bởi vì nguyên liệu làm bánh được mang về từ Úc, rượu rum và rượu mạnh từ Nam Phi. 

Sau khi chia cho nhiều vị khách, phần còn lại của chiếc bánh đã được mang đi làm từ thiện ở khắp mọi nơi nước Anh. Một tầng của chiếc bánh cưới thậm chí còn được giữ lại để làm lễ rửa tội cho đứa con đầu lòng của họ, Thái tử Charles, diễn ra một năm sau vào tháng 12/1948.

68 năm vẫn ăn được

Vào năm 2015, một lát bánh được cắt ra từ chiếc bánh cưới của Nữ hoàng Anh đã được mang ra đấu giá. Miếng bánh được bọc và đặt trong chiếc hộp trang nhã vẫn giữ được hình dáng nguyên vẹn sau gần 7 thập kỷ. Chiếc hộp đựng bánh màu ngà in hai chữ cái E và P, cùng dòng chữ "Cung điện Buckingham ngày 20/11/1947". 

Đi kèm chiếc hộp là một mảnh giấy nhỏ ghi "Nữ hoàng Elizabeth và Công tước xứ Edinburgh cầu chúc những điều tốt lành nhất". Lát bánh được bán đấu giá tại trung tâm đấu giá Gorringes và đã được một người giấu tên đến từ Los Angeles mua lại với giá gần 770 USD (gần 18 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại).

Vì sao bánh cưới của Nữ hoàng Anh để 68 năm vẫn ăn được? - 4
Vì sao bánh cưới của Nữ hoàng Anh để 68 năm vẫn ăn được? - 5

Cận cảnh miếng bánh còn nguyên vẹn sau 68 năm.

Đặc biệt, miếng bánh này vẫn có thể ăn được do bí quyết bảo quản đặc biệt. Lý do giúp chiếc bánh vẫn có thể ăn được sau nhiều năm là bởi khi làm bánh, các thợ bánh đã chú ý sử dụng nhiều rượu để bảo quản bánh được lâu dài. Bên cạnh đó, những tầng bánh cưới được giữ lại sau hôn lễ được bảo quản rất cẩn thận. Người ta thường ngâm bánh trong rượu rum rồi bọc trong một lớp đường bột, giấy thấm dầu hoặc giấy nhôm rồi cho vào hộp kín. 

Bánh cưới hoa quả với hàm lượng rượu cao được sử dụng trong quá trình thực hiện bánh giúp việc bảo quản được dễ dàng hơn so với những loại bánh thông thường khác. Bánh cưới của Hoàng tử William và Công nương Kate cũng được thực hiện và bảo quản theo bí quyết này. 

Một số tầng bánh trong chiếc bánh cưới khổng lồ của vợ chồng Công tước xứ Cambridge đã được giữ lại để phục vụ tiệc trà trong lễ rửa tội của các con họ. Thực tế, đây là một truyền thống đã có từ lâu trong hoàng gia Anh.

Vì sao bánh cưới của Nữ hoàng Anh để 68 năm vẫn ăn được? - 6

Bánh cưới của vợ chồng Công nương Kate cũng được bảo quản tốt để sử dụng lại trong dịp đặc biệt.

(Nguồn: Tổ Quốc)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp