Vì sao app MyAladdinz bị hàng loạt cơ quan chức năng vạch mặt lừa đảo?

Tài chínhThứ Sáu, 28/08/2020 15:14:00 +07:00
(VTC News) -

Ứng dụng tiêu dùng thông minh MyAladdinz nổi đình đám gần đây vừa bị hàng loạt cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo, vậy nguyên nhân vì sao?

Nguy cơ mất tiền, bị đánh cắp dữ liệu cá nhân

Công an Hà Tĩnh, công an Bình Phước vừa đồng loạt phát đi cảnh báo người dân khi sử dụng ứng dụng App thanh toán có tên Myaladdinz. Để tham gia, người dùng đăng ký tài khoản, điền đầy đủ thông tin cá nhân, đồng thời nạp tiền vào tài khoản với giá trị tối thiểu 100 USD (gần 2,4 triệu đồng).

Số tiền này sẽ được quy đổi thành “gem”, mỗi “gem” tương ứng với 1USD. Người dùng khi thanh toán hóa đơn sẽ được ứng dụng này hoàn trả 80% “gem” khi giao dịch hoàn thành chứ không hoàn lại bằng tiền.

Hoặc người dùng chỉ cần dùng tiền thật mua “gem” sau đó dùng “gem” đổi ra “điểm” để nhận lãi từ 0,1 - 0,2% điểm mỗi ngày. Người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng thì được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp.

Vì sao app MyAladdinz bị hàng loạt cơ quan chức năng vạch mặt lừa đảo? - 1

MyAladdinz với những lời mời chào hoa mỹ bị công an cảnh báo lừa đảo.

Mặc dù ứng dụng được quảng cáo là có thể thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe và hoàn tiền đến 80% nhưng các cơ quan chức năng "vạch" ra rằng: "Về bản chất, Myaladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người tham gia mua “gem” thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó lấy lại được số tiền đã đầu tư. Mặt khác, ứng dụng này chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, việc người dân đăng ký tham gia ứng dụng này có thể dẫn đến mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp".

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), "tiêu dùng hoàn tiền" hay "mua sắm hoàn tiền" (cashback) là việc người tiêu dùng, người mua được hoàn lại một phần tiền khi họ mua sắm thông qua thẻ ngân hàng, ví điện tử, hoặc qua ứng dụng mua hàng.

Khi sử dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử này để giao dịch mua sắm thì người tham gia được "vẽ" là luôn luôn có lợi với giá trị hoàn tiền/chiết khấu cho mỗi giao dịch. Giá trị được quảng cáo rất hấp dẫn, từ 80% tới 100%, thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo, việc "hoàn tiền" với giá trị % cao như vậy chỉ được thể hiện ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì chỉ theo các tỷ lệ % rất nhỏ, không đáng kể (thường chỉ khoảng từ 0,05-0,1%/ngày), không có ý nghĩa về việc "hoàn tiền" như đã quảng cáo.

Tuy nhiên, thực tế các loại tiền ảo, ví điện tử này chỉ có giá trị nội bộ trong hệ thống, không được pháp luật Việt Nam công nhận là trung gian để thanh toán. Người tham gia có những tranh chấp liên quan đến những giao dịch này đều không được pháp luật bảo vệ.

Để hạn chế những rủi ro tài chính và pháp lý, cơ quan chức năng cảnh báo người dân không nên tham gia đầu tư và phát triển hệ thống của những website và ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu nêu trên.

Ai đứng sau app MyAladdinz có dấu hiệu lừa đảo?

Ứng dụng MyAladdinz Việt Nam được điều hành bởi Apota Education, công ty này được thành lập vào năm 2019 được 5 cổ đông góp vốn với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Trong số đó, Lê Hoàn là cổ đông lớn nhất với số vốn điều lệ góp 560 triệu đồng, tức sở hữu 56% cổ phần.

Vì sao app MyAladdinz bị hàng loạt cơ quan chức năng vạch mặt lừa đảo? - 2

Lê Hoàn, người đứng sau ứng dụng MyAladdinz. (Ảnh: FBNV)

Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật của Apota Education cũng là Lê Hoàn, (sinh năm 1982 tại Hưng Yên, chỗ ở hiện tại phường Hà Cầu quận Hà Đông, Hà Nội).

Apota Education có tên đầy đủ là Công ty cổ phần đào tạo Apota, địa chỉ trụ sở chính theo đăng ký kinh doanh là tầng 4 toà nhà Rainbow Văn Quán, Hà Đông. Apota Ecucation đăng ký hơn 30 ngành nghề kinh doanh như in ấn, sao chép bản ghi các loại, đại lý, môi giới hoàng hoá...

Cái tên Apota Education gần giống với tên của công ty công nghệ giải trí số Appota, một công ty nổi tiếng trong mảng công nghệ, giải trí từ nhiều năm nay. Sự việc này khiến Appota từng phải lên tiếng đính chính và khẳng định Appota không có bất kì dịch vụ nào liên quan đến tổ chức các lớp học làm giàu hay các nền tảng hoàn tiền lãi suất cao.

Không chỉ là người đứng sau MyAladdinz, Lê Hoàn còn là người đứng tên đại diện pháp luật cho một công ty khác là ILgamos Việt Nam, công ty này được đăng ký vào ngày 14/3/2016 với số vốn điều lệ là 4 tỷ đồng, ngành nghề chính là "Hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu". Địa chỉ trụ sở tại tầng 4 toà nhà 21T1 Hapulico, 83 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Khi tìm hiểu về ILgamos Việt Nam, kết quả cho thấy một trang facebook có tên: ILcoin Việt Nam - ILgamos Việt Nam, đây là một dự án đầu tư tiền ảo đã từng nổi tiếng cách đây 5 năm khi thu hút hàng nghìn người tham gia với số tiền lớn và bị đóng cửa sau đó không lâu.

Theo Fanpage này, địa chỉ của ILcoin Việt Nam nằm tại 83 Vũ Trọng Phụng, trùng với địa chỉ của ILgamos Việt Nam.

ILCoin được giới thiệu là một loại tiền kỹ thuật số hay còn gọi là tiền ảo được sáng tạo bởi công ty ILgamos đến từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA), Đức và Hong Kong (Trung Quốc).

Khi tham gia vào ILCoin, người chơi sẽ phải đóng 60 Euro để được mở tài khoản và được hưởng 10% hoa hồng giá trị khi nâng cấp các gói chơi. Đáng chú ý, nếu người chơi liên tiếp nâng cấp các gói chơi của mình thì có thể kiếm được hàng ngàn Euro hoặc mời thêm người chơi vào hệ thống. Loại hình thức này được các chuyên gia nhận định là một dạng biến tướng của đa cấp.

Và cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ILgamos đã ngừng hoạt động tại Anh năm 2017.

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn