Vi phạm thời hạn xét xử vụ án tranh chấp tại công ty Kim Anh?

Pháp luậtThứ Năm, 03/01/2019 17:48:00 +07:00

Vụ án tranh chấp giữa các thành viên tại Cty Kim Anh (132, phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) đã được TAND TP Hà Nội thụ lý gần hai năm nhưng đến nay vẫn chưa mở được phiên tòa.

Vụ án tranh chấp giữa các thành viên Cty Kim Anh đang nhận được sự quan tâm của dư luận và các nhà đầu tư khi nhiều cơ quan liên quan ở cấp cao nhất đã có những văn bản chỉ đạo quyết liệt, qua 4 lần kết luận của công an, đặc biệt là văn bản số 12906/VPCP- V1 của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc.

“Căn cứ kết quả kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 8624/BKHĐT - ĐKKD ngày 23/10/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp Giấy chứng đăng ký doanh nghiệp lần thứ 5 của Công ty TNHH Kim Anh ngày 31/10/2012 là đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội có văn bản trả lời ông Đoàn Minh Quân và ông Nguyễn Lương Thế, Giám đốc Công ty TNHH Kim Anh. Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, cá nhân có liên quan biết, thực hiện”, văn bản của Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tuy nhiên, vụ việc vẫn bị kéo dài từ năm 2016 cho đến nay.

49587690_1761598837277966_4499786022829162496_n

 

Theo phản ánh của ông Đoàn Minh Quân – nguyên đơn trong vụ án, việc vụ án bị kéo dài khiến quyền lợi của ông bị ảnh hưởng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Ông Quân cho rằng, TAND TP Hà Nội đã thụ lý vụ án từ ngày 9/1/2017 nhưng cho đến nay, gần 23 tháng vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử là vi phạm thời hạn xét xử.

Luật sư Phan Nhật Luận - Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng phân tích, yêu cầu phản tố của bị đơn đề nghị Tòa án tuyên Hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa ông Quân và ông Thế, bà Kim Anh đã hết thời hiệu khởi kiện.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 149; khoản 3 Điều 150; Điều 429 Bộ luật dân sự 2015; Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì thời hiệu để yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm kể từ ngày người có quyền biết quyền của mình bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

Hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa ông Quân và ông Thế, bà Kim Anh được ký ngày 16/10/2012. Việc chuyển nhượng đã được Phòng đăng ký kinh doanh ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 5 của Cty Kim Anh.

Từ năm 2012 đến năm 2016 (đã qua 4 năm) các bên không có khiếu nại khiếu kiện gì liên quan đến việc chuyển nhượng vốn. Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn (ông Thế) đã hết thời hạn khởi kiện.

Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, luật sư Luận cho rằng, ngày 13/1/2017 TAND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 08/2017/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng sau đó TAND TP Hà Nội lại hủy quyết định này. Sau khi quyết định này bị hủy bỏ, ông Thế đã làm thủ tục chuyển nhượng 4 lô đất nằm trong dự án D4 cho chủ sở hữu khác mà không thông qua HĐTV.

Ngày 25/9/2018 và ngày 15/10/2018, ông Quân tiếp tục có đơn yêu cầu TAND TP Hà Nội áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn việc ông Thế xây dựng và bán tài sản của công ty khi công ty đang có tranh chấp, nhưng ngày 29/10/2018, TAND TP Hà Nội lại ra thông báo số 417/TB - TKT và công văn số 3144/TA - TKT do ông Nguyễn Tuấn Vũ Phó Chánh án TAND TP Hà Nội ký với nội dung không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Lý do được TAND TP Hà Nội đưa ra là ông Thế thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh Nghiệp, Luật Đầu tư, có nhiều đơn yêu cầu giải trình.

Theo điều lệ của Cty Kim Anh thì việc bán, chuyển nhượng tài sản của Cty Kim Anh phải có biên bản và quyết định của HĐTV công ty, tuy nhiên ông Thế đã làm các công việc không đúng với điều lệ và nghị quyết của Cty Kim Anh.

Ông Đoàn Minh Quân là thành viên của Cty Kim Anh, sở hữu 50% vốn điều lệ nhưng không hề được tham gia, bàn bạc, quyết định các vấn đề liên quan trực tiếp và thuộc thẩm quyền của HĐTV Cty Kim Anh. Đây cũng chính là lý do mà ông Quân đề nghị TAND TP Hà Nội áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

“Theo quy định tại khoản 1, Điều 111, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu và căn cứ để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được…

Việc yêu cầu TAND TP Hà Nội áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của ông Quân là hoàn toàn phù hợp với quy định của khoản 1, Điều 111, Bộ luật tố tụng dân sự 2015, nhưng đã không được TAND TP Hà Nội chấp thuận”, luật sư cho biết.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp  của mình, ông Quân cũng đã có nhiều đơn đề nghị TAND TP Hà Nội nhanh chóng đưa vụ án ra giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

 
Quang Thắng
Bình luận
vtcnews.vn