Vi phạm nồng độ cồn: Có phải luật quy định một đằng, nghị định lại phạt một nẻo?

Tin nhanh 24hThứ Tư, 08/01/2020 06:54:12 +07:00
(VTC News) -

Luật sư lý giải thắc mắc của người dân cho rằng Luật Giao thông đường bộ quy định về nồng độ cồn một đằng nhưng Nghị định 100/2019 lại phạt một nẻo.

Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định người đi xe đạp, xe máy, ô tô... sẽ bị xử phạt nếu trong hơi thở có nồng độ cồn bất kể ở mức nào.

Trong khi đó, khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người lái xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở mới bị xử phạt.

Sự "vênh" nhau đó khiến nhiều người thắc mắc phải chăng Nghị định 100 đang vượt Luật giao thông đường bộ 2008, có phải Luật Giao thông đường bộ quy định một đằng, Nghị định lại phạt một nẻo? 

Vi phạm nồng độ cồn: Có phải luật quy định một đằng, nghị định lại phạt một nẻo? - 1

Từ 1/1/2020, các tài xế có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, quy định về nồng độ cồn tại Luật Giao thông đường bộ đã được sửa đổi bởi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nhưng không nhiều người biết.

"Trong Điều 35 của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực từ 1/1/2020) đã sửa đổi khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008. Từ đây, Điều 35 cũng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020.

Tại điều 35 quy định, nghiêm cấm người lái phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia, bất kể nồng độ cồn bao nhiêu. Và tại Nghị định 100 có hiệu lực từ 1/1/2020 cũng đưa ra mức xử phạt với tài xế sử dụng rượu bia, dù sử dụng nhiều hay ít với tất cả phương tiện.

Vì vậy, việc xử phạt được quy định tại Nghị định 100 là phù hợp với Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia", luật sư Cường nhận định.

Theo luật sư, quy định xử phạt của Nghị định 100/2019 là phù hợp với nội dung được sửa đổi tại điều 8 của Luật Giao thông đường bộ 2008 và Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Việc xử phạt người lái xe đạp, mô tô, xe gắn máy... trong hơi thở có nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019 là phù hợp quy định pháp luật.

Luật sư Cường chia sẻ thêm, Luật là do Quốc hội ban hành nên Quốc hội có thể thêm luật mới, hủy bỏ luật cũ hoặc sửa đổi, bổ sung luật cũ. Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia ra đời là luật mới và tại luật mới này đã sửa đổi, bổ sung luật cũ là Luật Giao thông đường bộ 2008. Điều này là phù hợp, đúng quy định.

Nghị định 100/2019 quy định:

- Người lái xe máy có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100 ml máu hoặc dưới 0.25mg/l khí thở sẽ bị phạt 2 - 3 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 10 - 12 tháng.

Lái xe máy có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.25 đến 0.4 mg/l khí thở bị phạt 4 - 5 triệu đồng, bị tước bằng lái từ 16 - 18 tháng.

Lái xe máy có cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.4 mg/l  khí thở bị xử phạt 6 - 8 triệu đồng, tước bằng từ 22 - 24 tháng.

- Tài xế ô tôcó nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở sẽ bị phạt 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.

Tài xế có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/l khí thở bị phạt 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 16 - 18 tháng.

Người lái ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/l khí thở bị phạt 30 - 40 triệu đồng, tước bằng lái 22 - 24 tháng.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn