Vị hiệu trưởng của những học sinh cá biệt

Giáo dụcThứ Hai, 19/11/2012 02:37:00 +07:00

(VTC News)- “Ở đây, chúng tôi coi các em là những học sinh có nhiều “cá tính” chứ không gọi các em là học sinh hư, học sinh cá biệt”.

(VTC News)- “Ở đây, chúng tôi coi các em là những học sinh có nhiều “cá tính” chứ không gọi các em là học sinh hư, học sinh cá biệt” - TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường dân lập Đinh Tiên Hoàng chia sẻ.

Luôn thấy ông bận rộn với lịch làm việc dày đặc nhưng TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội vẫn hồ hởi tiếp cánh phóng viên mỗi khi đến hỏi ông về các vấn đề của giáo dục nước nhà.

Phạt liên miên không bằng một lần tâm s

TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng
(Ảnh: Phạm Thịnh)
Nói đến tên trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), không ai là không biết vì học trò đầu vào của trường thường là những học sinh cá biệt. Phần lớn các học sinh này là những học sinh bỏ học, lang thang hay mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Đối với những đối tượng học sinh này, phần lớn các trường công lập khác đều không muốn nhận nhưng trường Đinh Tiên Hoàng sẵn sàng giang rộng vòng tay đón các em để giáo dục.

Câu chuyện về những học sinh cá biệt đang hào hứng, TS Nguyễn Tùng Lâm chợt nhắc: “Đối với những học sinh này, chúng ta không nên miệt thị và khinh rẻ mà cần tôn trọng các em. Ở đây, chúng tôi coi các em là những học sinh có nhiều “cá tính” chứ không gọi các em là học sinh hư, học sinh cá biệt”.

Cả đời làm giáo dục, ông luôn tâm niệm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hiền dữ đâu phải tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Vì vậy, khi các em học sinh này biết mình được tôn trọng, có thể nói một lần, hai lần, ba lần, các em có thể tỉnh ra để trở thành những người công dân tốt.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, người thầy nếu chỉ có tình yêu thương và niềm say mê với nghề vẫn chưa đủ để dạy những học trò ở trường Đinh Tiên Hoàng. Ở đây, người thầy phải trở thành “nhà khoa học giáo dục”.

Ông mỉm cười rồi giải thích, có thể nói, ở trường Đinh Tiên Hoàng, mỗi người thầy phải là một “nghệ sĩ" với nghệ thuật làm thầy. Nghệ thuật ấy được thể hiện và thăng hoa trong từng lớp học, từng tiết học và với những học sinh cụ thể..

Nói rồi, TS Nguyễn Tùng Lâm lấy ra một ví dụ thực tế ở lớp cô giáo Lê Thị Thanh làm chủ nhiệm. Trong lớp có cậu học sinh T.P thường xuyên ngủ gật trong giờ học, lúc khác lại trêu chọc các bạn trong lớp. Thậm chí, cậu học sinh này thường xuyên không ghi chép và làm bài tập được giao.

Đã có nhiều lúc cô Thanh cảm thấy nản lòng vì sau bao nhiêu lần nhắc nhở với các hình thức phạt liên miên nhưng cậu học sinh ngỗ nghịch này vẫn không thay đổi. Nhưng rồi, khi tìm hiểu, cô Thanh được biết cậu học sinh này rất thích võ thuật.

 
Ở trường Đinh Tiên Hoàng, mỗi người thầy phải là một “nghệ sĩ" với nghệ thuật làm thầy
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng
 
Trong một lần tiếp xúc với T.P, cô Thanh buột miệng nói như vô ý: “Người như em học võ tốt đấy”. Như được khơi “trúng mạch”, ánh mắt cậu học trò như sáng lên, rồi cậu thao thao kể về niềm đam mê võ thuật của mình.


Vì vậy, mỗi lần cậu học sinh “cá tính” này mắc lỗi, cô Thanh thường không mang các hình phạt ra để dọa học trò mà phân tích thêm về chữ “đạo” của một người học võ. Câu chuyện ấy đã thực sự hấp dẫn và lôi cuốn cậu học sinh này khiến cho cậu dần dần đã thay đổi chính con người của mình.

Không chỉ có những nam sinh khiến các thầy cô giáo phiền lòng, thầy Tùng Lâm còn kể câu chuyện có nữ sinh thường xuyên nói tục, chửi bậy, thường bỏ học ở nhà lập chiếu bạc mong đổi đời nhờ “đỏ đen”. Không muốn học sinh lún sâu hơn vào những tệ nạn xã hội, cô giáo Hoàng Liên Minh dù đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn thiết tha kéo học sinh của mình trở về với đời thường.

Biết học sinh thường xuyên thích lê la ngồi trà đá vỉa hè, cô Minh không ngần ngại gọi học trò của mình ra tâm sự. Câu chuyện của hai cô trò nơi quán nước vỉa hè cứ rủ rỉ tâm tình như những người bạn. Câu chuyện của cô cứ ngấm dần vào cô nữ sinh kia lúc nào không biết. Chính sự gần gũi và hiểu tâm lý của học trò đã giúp cho cô học trò không tiếp tục lao vào những trò “đỏ đen” mà dành nhiều thời gian cho học tập.

Đó chỉ là hai trong số hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện trong suốt 23 năm làm hiệu trưởng tại trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng được thầy Tùng Lâm chia sẻ.
Học sinh trường Đinh Tiên Hoàng thực hành về giá trị sống, kỹ năng sống
Ông cũng bảo rằng, để có một đội ngũ giáo viên tận tụy với nghề phải đảm bảo cho giáo viên sống được bằng chính đồng lương của mình.

“Cái quan trọng là làm thế nào để các trường học được trả lương cho thầy giáo theo những lao động hiệu quả thực tế. Lương hiện nay chỉ xếp theo giờ dạy chuẩn, nhưng công tác giáo dục, ngoại khoá, đoàn đội, chủ nhiệm... cũng phải được trả tiền” - TS Nguyễn Tùng Lâm nêu lên những bất cập trong vấn đề về lương của giáo viên hiện nay.

Vì vậy, tại trường THPT Đinh Tiên Hoàng, giáo làm chủ nhiệm được nhà trường trả thêm từ  1,5 - 2 triệu đồng trong khi các trường công lập khác phụ cấp cho công tác chủ nhiệm chỉ từ 200 nghìn đồng – 300 nghìn đồng.

Vị hiệu trưởng này phân tích: “Nếu trả tượng trưng thì người ta cũng làm tượng trưng thôi. Một tuần chỉ gặp học sinh vài ba lần. Còn giáo viên của tôi thì suốt thời gian học sinh ở trường, họ phải có mặt ở đấy, xảy ra việc gì là phải nắm được, phải giải quyết. Lao động của người thầy giáo xứng đáng được trân trọng bằng tiền lương”.

Nói rồi ông cười khà khà, giọng đầy tự hào: “Có lẽ thành công lớn nhất ở ngôi trường này là đào tạo được một đội ngũ giáo viên có tâm với học sinh, có tầm nhìn và tài năng sư phạm. Chúng tôi dạy các em học sinh không vì thành tích”.

Niềm tin của ông vào học sinh đã phần nào trở thành hiện thực khi số học sinh ra đi từ mái trường này nay đã trở thành những ông chủ doanh nghiệp, những kỹ sư, bác sĩ nổi tiếng và đang tiếp tục quay trở lại để giúp đỡ mái trường.

Từ sinh viên Văn khoa trở thành hiệu trưởng

Trước đây, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Tùng Lâm từng là học sinh trường cấp 3 Việt Đức (Hà Nội). Khi rời khỏi mái trường phổ thông, cậu học trò với vóc người nhỏ bé này chưa một lần nghĩ rằng mình sẽ trở thành một thầy giáo dạy Văn.

Nhưng sự việc diễn ra như một định mệnh khi bài văn thi đại học của Nguyễn Tùng Lâm đã được đánh giá và cho điểm rất cao. Bất ngờ, cậu học trò Nguyễn Tùng Lâm được gọi vào học sư phạm Văn chứ không phải là sư phạm Toán theo nguyện vọng  ban đầu.


Lúc đó, với tâm trạng buồn chán, chàng sinh viên trẻ Tùng Lâm đã từng có ý định bỏ học để đi thanh niên xung phong nhưng khi ấy, với đôi mắt bị đau nặng đã khiến cho chàng trai này phải suy nghĩ lại.

“Nếu chẳng may mắt kém mình vẫn có thể sống bằng nghề văn” - Nghĩ như vậy nên chàng trai này đã bước vào nghề Văn cũng rất tự nhiên và tình cờ.
Các em học sinh trong trường luôn dành những tình cảm chân thành dành cho người thầy đáng kính của mình
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, thầy giáo trẻ Nguyễn Tùng Lâm hăng hái trong các nhiệm vụ khi ra trường năm 1967. Sau khi có thời gian giảng dạy ở trường Trung cấp Sư phạm, thầy Lâm về dạy ở trường THPT Cao Bá Quát.

Sau này, ông về làm quản lý giáo dục thành phố khi làm Phó, rồi Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội từ năm 1982 đến năm 2003.

Với lòng yêu nghề đã ăn vào máu, ông không ngừng lao động học tập và nghiên cứu, để đưa ra những đề tài giáo dục có tính khả thi hữu ích cao. Và một trong những đề tài nổi bật đó là sự ra đời của một mô hình giáo dục vô cùng mới mẻ lúc bấy giờ.

Loại hình các trường dân lập bắt đầu được hình thành và ra đời từ đây. Bắt đầu là trường Đại học dân lập Thăng Long. Về phổ thông, trường phổ thông dân lập đầu tiên là trường PTTH Lương Thế Vinh do PGS Văn Như Cương làm hiệu trưởng ra đời tháng 6/1989.

Trước những bức xúc xung quanh vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, thầy Tùng Lâm đã có đề nghị được thành lập một trường dân lập để giải quyết đầu yếu kém của học sinh trong các trường nội thành.

Ngay lập tức, đề xuất này nhận được sự đồng tình vả ủng hộ của lãnh đạo TP.Hà Nội và lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội.

Vì thế khi đặt tên trường lúc đầu ông muốn tư tưởng nhân văn của Hồ Chủ Tịch phải luôn được quán triệt ở mái trường này. Do đó ông định đặt tên cho trường là trường “Nguyễn Tất Thành”.

“Nhưng đây mới là chương trình thử nghiệm khoa học giáo dục, không biết có thành công hay không mà đặt tên là “Tất Thành” - Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm tỏ ra băn khoăn.

Đeo đuổi tư tưởng nhân văn của Bác, ông lại muốn đặt tên trường là trường “Dục Thanh” – ngôi trường đầu tiên Bác đã dạy học. Nhưng Dục Thanh cũng có nghĩa là trường giáo dục thanh niên, người ta dễ lầm tưởng dây là trường giáo dưỡng của công an thì không ai dám gửi con vào và cũng không đúng đối tượng và mục tiêu của trường.

Quanh quẩn suy nghĩ đi tìm các danh nhân, anh hùng liệt sỹ của nước nhà, ông đã bắt gặp tên “Đinh Tiên Hoàng”. Đọc lại lịch sử ông lại càng yên tâm hơn vì khi nói đến Đinh Tiên Hoàng là mọi người hiểu ngay đặc điểm riêng của trường, và đấy cũng là ý nguyện của người thành lập trường, mong muốn mọi người đều nên người.

Cũng có người đề nghị lấy tên là Đinh Bộ Lĩnh đúng tên gốc, vừa thể hiện đúng cậu bé chăn trâu tinh nghịch thủa nào! Song ông nhận thấy không người Việt Nam nào không biết Đinh Tiên Hoàng tên thật là Đinh Bộ Lĩnh. Chúng ta cần mỗi học sinh chúng ta đều thành đạt chứ chúng ta không cần một “nguyên dạng” Đinh Bộ Lĩnh.

Từ đây trường Đinh Tiên Hoàng sẽ mãi mãi gắn liền với một mô hình giáo dục đặc biệt: Giáo dục lại những học sinh gặp khó khăn bậc trung học phổ thông.

Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn