'Vi hành', xin đừng 'trống giong cờ mở'

Thời sựChủ Nhật, 16/03/2014 07:11:00 +07:00

“Vi hành”, xin đừng là một hiện tượng lạ như thời gian qua mà hãy trở thành “chuyện thường ngày ở… bất cứ nơi đâu.

» Bộ trưởng Thăng 'vi hành' xe bus khác Bí thư Hà Nội thế nào?
» Chuyến 'vi hành' đặc biệt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
» Những chuyến 'vi hành' đặc biệt của ông Nguyễn Bá Thanh

"Vi hành" là một từ cổ, dùng để chỉ việc các vị vua quan cải trang đi ra khỏi nơi làm việc để xem xét tình hình dân chúng. Đây cũng là một vấn đề khá thời sự khi gần đây, có nhiều cán bộ lãnh đạo, nhất là các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy cũng “vi hành”.

Có thể thấy gì qua những chuyến đi ấy?

Cách đây hai năm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng từng đội mũ cối lụp xụp, ăn mặc tuềnh toàng lên xe buýt vài lần. Dù những tuyến ông chọn có vẻ “ổn” hơn so với thực trạng chung nhưng cũng giúp gợi mở thêm nhiều bài toán quản lý.

Đầu tháng 3 năm ngoái, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính một mình “vi hành” các quán cà phê và chỉ trong nửa buổi sáng, ông đã “tóm” được tới 15 cán bộ sở, ngành bỏ công sở la cà và chấn chỉnh được kỷ cương công sở ở Quảng Bình.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mặc áo gió, đội mũ lưỡi trai một mình đi vào bệnh viện mà không bị ai phát hiện nên đã thấy một bệnh nhân nằm sấp trên cáng từ sáng sớm vẫn chưa làm xong hết các xét nghiệm; một bệnh nhân khác ở Bắc Giang chỉ vì thiếu giấy tờ nên phải chờ mấy ngày...

phạm quang nghị, vi hành
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trò chuyện với hành khách và nhân viên soát vé trên xe buýt. Ảnh: http://nld.com.vn

Trong vai một người lái xe, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Minh Cương đã tới các trạm đăng kiểm và phát hiện hàng loạt sai phạm, 5 cán bộ bị đình chỉ công tác.

Giữa năm 2013, trước tình hình an toàn giao thông phức tạp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp nhắc nhở lãnh đạo ngành giao thông nên “vi hành”. Nhưng 7 thứ trưởng đã dẫn theo 7 đoàn công tác, 42 nơi đến đều được công bố nên kết quả nhiều nơi đã “tốt đột xuất” so với thực tế.

Còn Bộ trưởng Bộ Y tế đi thị sát tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, chẳng rõ thông tin có bị rò rỉ không nhưng các chỉ số đều “âm tính”, khác hẳn báo chí phản ánh.

Một Bí thư Tỉnh ủy lội xuống đồng cấy lúa cùng nông dân… nhưng lại mặc com-lê!

Những câu chuyện trên đủ cho thấy “vi hành” là một cách làm tốt nhưng không dễ. Các cuộc “vi hành” thất bại thường có một điểm chung: Người “vi hành” đã không hiểu đúng bản chất “vi hành” là cần phải bí mật nhập vai, hóa thân vào đời sống xã hội phức tạp thì mới nắm bắt được những lát cắt thực chất nhất của nó.

Ngoài mục đích nắm tình hình để cải tạo hiện thực, các cuộc vi hành không còn một mục đích nào khác. Những kiểu “vi hành” trống giong cờ mở sẽ đều cho về kết quả là những hiện trường được dàn dựng.

Từng có nhiều tấm gương mẫu mực về “vi hành”. Để bài trừ tham nhũng, vua Lê Thánh Tông nhiều lần cải trang thành những người lao động nghèo khổ. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần “vi hành” nhưng cách đi của Người rất tự nhiên, đơn giản. Có khi Bác phải mượn hẳn bộ đồ áo the khăn xếp của cụ Tôn Đức Thắng để đi đón Giao thừa cùng nhân dân.

Có lần, Bác xuống một hợp tác xã, khi hỏi ngư dân trên hội trường thì ai cũng nói “ơn Đảng, ơn Chính phủ, đời sống “sung sướng lắm”. Bác đã đi ra biển, vào kéo lưới cùng các lão ngư dân. Thấy ông già nọ tâm đầu ý hợp, một lão ngư “vô tư” tông tốc “tố” ban chủ nhiệm hợp tác xã ngư nghiệp tính toán công điểm không sòng phẳng, làm ăn thiếu bàn bạc dân chủ, bao che sai phạm…

Để nắm tình hình, với Bác Hồ, có rất nhiều “kênh” thông tin và “vi hành” chỉ là một cách song bao trùm nhất vẫn là phải có tác phong sâu sát, gần dân, gần cơ sở.

Nhìn rộng hơn, “vi hành” không chỉ cần thực chất mà cần được có những thiết chế gắn với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ. Cần có chế độ đi cơ sở cho từng cấp lãnh đạo. Về phía người dân, hoàn toàn có thể yêu cầu cán bộ “vi hành” đối với những nơi có vấn đề nổi cộm, giống như cách mà đại biểu Quốc hội Bùi Thị An gần đây có văn bản chuyển tải ý kiến cử tri yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sắp xếp thời gian đi vi hành ở các vùng sâu, vùng xa để nắm bắt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Bàn về chuyện “vi hành” sau chuyến đi xe buýt của Bộ trưởng Đinh La Thăng, một bạn đọc ở nước ngoài đã chia sẻ câu chuyện tại Hoa Kỳ. Các giám đốc tàu điện ngầm ở Washington, sau khi nhậm chức, đều phải bắt buộc đi tàu điện ngầm hằng ngày để “hưởng” những toa tàu do chính họ quản lý.

Có lẽ vì thế mà hệ thống tàu điện ngầm nơi đây luôn thuộc loại sạch nhất thế giới. Nếu như có một chế độ trách nhiệm để các quan chức luôn có mặt trên địa hạt mình quản lý thì chắc chắn mọi chuyện sẽ tự nhiên tốt hơn rất nhiều.

“Vi hành”, xin đừng là một hiện tượng lạ như thời gian qua mà hãy trở thành “chuyện thường ngày ở… bất cứ nơi đâu.

Theo QĐND

Bình luận
vtcnews.vn