Vị giáo sư say sưa với cây lúa Việt

Sản phẩmThứ Năm, 22/06/2017 09:18:00 +07:00

Gắn bó với cây lúa đã gần nửa thế kỉ, thế nhưng GS.TSKH Trần Duy Quý cho biết ông vẫn sẽ tiếp tục dồn tâm sức của mình để nghiên cứu, lai tạo và phát triển các giống lúa Việt Nam…

_DSC0131 4

GS.TSKH Trần Duy Quý tại nhà riêng (Ảnh: Lệ Chi) 

Nặng lòng với cây lúa

Chia sẻ với VTC News, GS.TSKH Trần Duy Quý kể lại, ông bắt đầu nghiên cứu về chọn tạo giống lúa từ khi còn là sinh viên đại học. Tới nay, ông đã có gần 50 năm liên tục làm việc và nghiên cứu sâu về đặc điểm di truyền về bộ gen và bộ nhiễm sắc thể của lúa dưới tác động của các tác nhân vật lý hóa học.

GS.TSKH Trần Duy Quý cho hay, công trình nghiên cứu nổi bật nhất của ông là nghiên cứu được các giống lúa năng suất siêu cao, chống chịu sâu bệnh, có phẩm chất khá, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Được ưu ái mệnh danh là “cha đẻ” của những giống siêu lúa cho nông dân Việt, GS.TSKH. Trần Duy Quý cùng với đồng nghiệp đã tạo ra được hơn 50 loại cây trồng đột biến, chủ yếu là lúa, ngô, đậu tương, hoa; trong đó có gần 30 giống lúa khác nhau đang được ứng dụng rộng rãi tại nhiều tỉnh thành, một số giống lúa có thể cho năng suất thực tế lên tới 9 – 10 tấn/ha như NPT3, NPT4, NPT5, NPT6, NPT7,… Đặc biệt, giống NPT3 đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công nhận là giống khu vực hóa vào ngày 28/12/2016, hiện đang được phát huy trong sản xuất.

GS.TSKH Trần Duy Quý cũng cho biết, những giống lúa này được bắt nguồn từ việc xử lí hạt khô độ ẩm hạt 13% bằng bức xạ hạt nhân kết hợp với chọn lọc bằng chỉ thị phân tử để chọn ra các tính trạng đột biến mong muốn.

“Đây là một bước đột phá, bởi bức xạ hạt nhân đã tạo các đột biến quy định các tính trạng mà trong tự nhiên không có như thân to, cứng cây, bông to, hạt nhiều, khó rụng… phương pháp này có thể chuyển trạng thái gen trội không thơm sang trạng thái gen lặn để có mùi thơm tạo hiệu quả kinh tế” – Ông nói.

Nói không với các giống lúa lai nhập nội

19059829_217566525430015_1347476171048952292_n 6

GS.TSKH Trần Duy Quý  và các đại biểu tại mô hình trình diễn giống lúa NPT4 vụ xuân năm 2017, tại Hợp tác xã Tân Ước, huyện Thanh Oai Hà Nội. 

Chia sẻ về mục đích của việc nghiên cứu các giống siêu lúa, GS.TSKH Trần Duy Quý cũng cho biết, ông muốn hướng tới việc hạn chế nhập khẩu và phụ thuộc vào các giống lúa lai của Trung Quốc, Ấn Độ… cũng như các giống lúa nhập nội khác.

Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, mỗi năm chúng ta tốn khoảng 30 - 50 triệu đô để nhập từ 5000 - 7000 tấn lúa lai giống từ Trung Quốc, ông cho rằng điều đó không có lợi cho nền sản xuất lúa gạo Việt Nam.

“Hiện nay, hai giống lúa thuần có nguồn gốc từ Trung Quốc là Khang Dân và Q5 vẫn còn được sử dụng  nhiều hơn, có nơi các giống này chiếm khoảng 30% - 50% diện tích gieo trồng. Lúa lai Trung Quốc cũng có rất nhiều ưu điểm, nhưng lại có nhược điểm lớn là kém chịu sâu bệnh, đặc biệt chúng làm cho ta bị mất ngoại tệ và lệ thuộc vào các giống ngoại nhập, có nhiều năm người dân đã bỏ ruộng không cấy nữa. Vậy vì lý do gì mà không tạo ra giống lúa thuần siêu năng suất của chính chúng ta, phải đi nhập của nước ngoài chứ?” – Ông tâm sự.

Do đó, ông đã chọn tạo ra các giống siêu lúa và giống lúa ngắn ngày, cho năng suất khá và chất lượng gạo ngon, thơm, dẻo phục vụ nhu cầu trong nước và cả nhu cầu xuất khẩu.

Hướng tới phát triển nền nông nghiệp Việt

GS.TSKH Trần Duy Quý cho biết, trong thời gian vừa qua, ông đã hợp tác cùng nhiều đơn vị, hợp tác xã, chính quyền địa phương để trình diễn các giống siêu lúa để có thể kịp thời đưa giống ra sản xuất diện rộng phục vụ nhân dân trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời kết nối với rất nhiều doanh nghiệp trong nước như: công ty giống cây trồng TW, Thái Bình, Miền Trung, Hải Phòng, Miền Nam,…. để cùng cọ xát và đưa giống lúa ra ngoài thị trường.

Cùng thời gian đó, ông cũng đã bán bản quyền của 8 giống lúa cho các doanh nghiệp đó, bao gồm các giống: Sơn lâm 1, VS1, QP5, BQ, QJ1, QJ4, NPT3, TQ-14… để ứng dụng gieo trồng trên quy mô rộng lớn, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân từ 15 – 25%.

19275327_219471425239525_2801391043911796360_n 5

Người dân trồng giống lúa NPT5 tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội vụ xuân 2017 

Ông cũng cho biết, ông đánh giá rất cao vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ.

“Tôi cho rằng chúng ta muốn đưa khoa học vào ứng dụng sản xuất thì bắt buộc phải kết nối với các doanh nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp mới dám đầu tư tạo ra khối lượng hàng hóa lớn có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nếu như không có doanh nghiệp đồng hành thì việc đưa ứng dụng khoa học kĩ thuật vào rất chậm và không bền vững, không đáp ứng cho sản xuất trong quy mô rộng. Doanh nghiệp có vốn, có sức đầu tư, chỉ trong vòng 1-2 năm hợp tác thì giống đó sẽ tràn ngập thị trường. Nếu không có doanh nghiệp, giống có thể mất hàng chục năm mới tới tay người dân, khi đó nghiên cứu đã mất đi tính thời sự, thời điểm đó các tiến bộ khoa học đã muộn màng.” – Ông nói.

Video: Máy nông nghiệp cũ nát: Nước ngoài vứt đi, Việt Nam ồ ạt nhập về

GS.TSKH Trần Duy Quý chia sẻ, ông không chỉ hướng tới việc phục vụ người dân, vượt qua các giống lúa ngoại nhập mà ông còn hướng tới việc nghiên cứu các giống lúa mới để tạo dựng thương hiệu của lúa gạo Việt Nam. 

“Tới đây tôi sẽ nghiên cứu những giống lúa cổ truyền của Việt Nam ta, các giống đó tuy rằng có năng suất thấp nhưng chất lượng gạo rất ngon, có giá trị cao để xuất khẩu, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Myanmar. Các giống đó là Dự Hương – Nam Định, Tám thơm Hải Hậu,… Ngoài ra, cũng đã có một tập đoàn lớn đã kết nối đầu tư để tôi thực hiện nghiên cứu này.” – Ông nói.

GS.TSKH. Trần Duy Quý cũng bày tỏ, kì vọng của ông đó chính là nền sản xuất lúa Việt Nam sẽ xây dựng được thương hiệu của mình, trong nước không cần phải nhập các giống lúa lai từ bên ngoài nữa, đồng thời ông khẳng định sẽ tiếp tục dồn tâm sức nghiên cứu để hiện thực hóa được kì vọng này…

GS.TSKH Trần Duy Quý sinh năm 1948, đến nay ông đã ở độ tuổi thất thập. Ông hiện đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật Châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp.

Ông cùng với nhiều đồng nghiệp khác đã thành lập trường phái chọn tạo đột biến ở Việt Nam, lĩnh vực chuyên môn nghiên cứu đó là: công nghệ sinh học, đa dạng sinh học, di truyền và chọn tạo giống cây.

Ông từng đạt giải thưởng Nhà nước năm 2005 cho những đóng góp về phát triển lúa lai; giải Vifotec các năm 1997, 2000, 2006 cho việc chọn tạo các giống lúa mới DT10, DT11, các giống đậu tương mới DT02, DT2006, công nghệ chọn tạo giống lúa lai 2 dòng; giải thưởng của Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á - Thái Bình Dương năm 1995, giải thưởng của Tổ chức Nông - Lương quốc tế và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế năm 2014 về công trình đột biến tạo giống lúa.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn