Vị cứu tinh già ở 'ngã tư tử thần'

Thời sựChủ Nhật, 01/07/2012 11:58:00 +07:00

Gắn bó với công việc cứu người tại “ngã tư tử thần” bao nhiêu năm nay, ông Đang luôn coi công việc cứu người làm phúc là niềm vui sống của mình.

Gắn bó với công việc cứu người tại “ngã tư tử thần” bao nhiêu năm nay, ông Đang luôn coi công việc cứu người làm phúc là niềm vui sống của mình. Ông giúp đỡ người ta mà không cần họ phải nhớ mình, phải trả ơn.


Như một “y tá đường phố”

Ở “ngã tư tử thần” - một điểm đen về tai nạn giao thông ở Yên Dũng (Bắc Giang) ấy, ngày nắng cũng như ngày mưa, luôn có một người đàn ông hi sinh thầm lặng, coi nỗi đau của người khác là nỗi đau của chính mình để rồi dấn thân giúp đỡ, sơ cứu bông băng vết thương cho những ai lỡ không may gặp nạn.

Người đàn ông ấy là Đào Ngọc Đang, 54 tuổi, ở thôn Nam, xã Song Khê, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Cái tên "vị cứu tinh ở ngã tư tử thần" cũng chính do những người dân ở nơi đây đặt cho ông.

Đặt chân vào quán nhỏ bên ngã tư đường quốc lộ, tôi thấy ông Đang đang miệt mài cặm cụi vá xăm cho một chiếc xe đạp hỏng của vị khách qua đường. Khách lạ mới đầu đến đây ai cũng nghĩ rằng ông chỉ là người thợ sửa xe đơn thuần với công việc hàng ngày như thế, chứ chỉ người dân ở trong vùng này mới biết rằng ông còn là y tá sơ cứu cho những người không may rủi ro gặp tai nạn ở đoạn đường này. “Gọi là y tá chứ cũng chỉ làm phúc cho người qua đường thôi, thôi thì giúp họ những lúc không may gặp hoạn nạn giữa đường” - ông Đang tâm sự.

Ông Đang được coi là một vị "cứu tinh" ở "ngã tư tử thần" 

Ông cụ thân sinh ra ông là thầy thuốc Nam, y đức nổi tiếng trong vùng. Kế thừa đức tính làm phúc cứu người từ cha, lại có thêm chút hiểu biết sơ qua về cách băng bó vết thương, sát trùng… mặc dù công việc chính là vá săm, sửa xe nhưng ông kiêm luôn cả thầy thuốc sơ cứu.

Ông gắn bó với công việc này từ năm 2007, khi Hội chữ thập đỏ Bắc Giang mở lớp tập huấn cho các tình nguyện viên về băng bó vết thương cơ bản và đặt điểm sơ cứu ở tại ngã tư Song Khê - Yên Dũng. Chốt sơ cứu được đặt tại hiệu sửa xe của ông Đang, có tên biển rõ ràng, được trang bị tủ thuốc, bông băng, gạc, trang thiết bị y tế, bình lọc nước vô trùng. Có hôm, một mình ông băng bó cho 3 người bị thương, người bị nặng thì sơ cứu trước, người bị nhẹ thì làm sau.

Hội chữ thập đỏ Bắc Giang giao cho ông cuốn sổ theo dõi sơ cấp cứu tai nạn thương tích ở ngã tư này. Tất cả những vụ tai nạn dù lớn hay nhỏ đều được ông thống kê, ghi lại rành mạch rõ ràng cả tên tuổi người bị nạn, rồi chuyện sơ cấp ra sao…

Những con số về các vụ tai nạn, số nạn nhân bị thương vong trong cuốn sổ ấy… khiến tôi ám ảnh. “Tính từ năm 2000 đến nay, từ khi quốc lộ 1A mới được đưa vào sử dụng, tại điểm đen này phải có đến hàng chục người bỏ mạng” - ông ngậm ngùi day dứt. Từng có một vụ tai nạn kinh hoàng giữa một xe ô tô 30 chỗ đưa người đi chùa Yên Tử về đến đoạn này đã va chạm với chiếc xe tải 15 tấn khiến 25 người bị thương, 1 đứa trẻ con chết tại chỗ, 4 người khác lên đến viện cũng tử nạn.

Ông ngậm ngùi kể lại ngày kinh hoàng ấy - ngày 15 tháng Giêng âm lịch năm 2000 khiến ông không thể nào quên được. Còn nhiều vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong cùng một ngày như thời điểm năm 2007, trong một buổi tối từ 7h đến 10h xảy ra 2 vụ tai nạn làm 4 người tử vong tại chỗ.

Ông Đang vẫn còn nhớ rất rõ lần đầu tiên sơ cấp cứu rồi chở người bị nạn vào Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cứu chữa. Đó vào một đêm tháng Chạp buốt giá, cửa hàng sửa xe máy của ông bỗng xuất hiện một vị khách lạ ghé vào hỏi mua mấy chai nước. Thấy một bên cánh tay của vị khách này đờ ra và có một vệt máu dầm dề, ông liền hỏi thăm.

Thì ra, một mình phóng xe máy từ Lạng Sơn về quê vợ ở tận Thanh Hóa trong đêm tối, khi vừa qua cầu Xương Giang do buồn ngủ nên anh này đã lao vào dải phân cách ven đường, gãy tay.

Biết chuyện, ông Đang liền kiếm ngay hai thanh gỗ, rồi xé cái áo mỏng làm dây bó nẹp cánh tay cho anh này. Ngay trong đêm đó, ông chở vị khách lạ vào bệnh viện và báo tin cho thân nhân anh ta. “Lúc đó, người thanh niên này chỉ có 40.000 đồng, tôi phải đưa thêm cho 150.000 đồng để làm thủ tục nhập viện...” - ông Đang nhớ lại.

Cứu người là niềm vui


Gắn bó với công việc này bao nhiêu năm, ông luôn coi công việc cứu người làm phúc là niềm vui sống của mình. Ông giúp đỡ người ta mà không cần họ phải nhớ mình, phải trả ơn. Ông bảo, nhiều người sau khi được ông băng bó vết thương xong còn đưa cho ông vài trăm ngàn tiền bông băng, gọi là tiền công cứu chữa, nhưng ông nhất định không cầm, bảo họ dùng số tiền đó để mua thuốc thang điều trị cho chóng khỏi.

“Người ta gặp hoạn nạn mình giúp người ta làm phúc chứ cần gì đồng tiền đâu. Nhưng nhiều khi họ gặp tai nạn, mình vội vàng chạy ra đỡ họ dậy để bông băng cầm máu có người lại hiểu lầm mình làm để lấy tiền nên đã xua tay không cần”- ông Đang chia sẻ.
Cuốn sổ ghi chép ca cấp cứu do ông Đang ghi lại từ các vụ tai nạn ở "ngã tư tử thần" 

Những lúc như thế, ông Đang lại nhẹ nhàng giải thích để cho người ta hiểu công việc ông làm chỉ để làm phúc, bông băng để cầm máu, giúp đỡ ai gặp nạn chứ không vì mục đích lợi danh nào. Khi được ông sát trùng, băng bó vết thương xong họ mới hiểu ra tấm lòng đầy nhân hậu của “vị cứu tinh” ở “ngã tư tử thần” này.

Tại điểm đen này, ông không thể nhớ chính xác được bao nhiêu người đã được ông sơ cứu vì ở đây thường xuyên xảy ra các vụ va chạm. “Nhẹ thì trầy xước ngoài da, nặng thì gãy chân, gãy tay, bất tỉnh. Ai tôi cũng sơ cứu bông băng vết thương, sát trùng để cầm máu rồi chuyển họ đi bệnh viện Đa khoa Bắc Giang hay lên Hà Nội cấp cứu, điều trị”- ông Đang cho biết.

Anh Hoàng Văn Nghĩa - lái xe ôm ở khu vực này chia sẻ: “Nhắc đến ông Đang, không ai không biết biết ông là một người hiền lành, phúc hậu nổi tiếng trong vùng. Ông thường xuyên giúp đỡ cho những người không may gặp tai nạn rủi ro ở ngã tư này, bất kể là người già hay trẻ em, là trai hay gái… đều tận tình giúp đỡ”.

Bà Lê Thị Minh Khánh – Hội trưởng Hội chữ thập đỏ thành phố Bắc Giang cho biết: “Ông Đang là thành viên của Đội tình nguyên viên sơ cấp cứu tai nạn giao thông từ tháng 5 năm 2009 đến nay. Bề ngoài hiền lành ít nói nhưng mỗi khi cứu giúp người ông rất tận tình, tâm huyết và hết lòng vì nạn nhân. Mỗi năm có hàng chục người được ông sơ cứu, giúp đỡ ở ngã tư này”.

Theo Infonet

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Bình luận
vtcnews.vn