VFF đi ngược thế giới:Ai bảo vệ quyền lợi cầu thủ Việt?

Thể thaoThứ Năm, 11/10/2012 11:42:00 +07:00

Quy định cầu thủ 25 tuổi mới được phép chuyển nhượng tới đây nếu trở thành hiện thực cũng chính là sự phủ định điều hiển nhiên đúng với mọi nền bóng đá

Một đội bóng bất kỳ trên thế giới có nhọc công và tốn kém đào tạo cầu thủ cỡ nào, và các cầu thủ dù có xác định cống hiến, đền đáp, thì việc họ được hưởng những quyền lợi chính đáng vẫn là một điều đương nhiên. Phải đặt ra vấn đề này vì quy định cầu thủ 25 tuổi mới được phép chuyển nhượng tới đây nếu trở thành hiện thực cũng chính là sự phủ định điều hiển nhiên đúng với mọi nền bóng đá vừa nhắc tới ở trên.   

Chưa quan tâm đến quyền lợi cầu thủ
   
SLNA với Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Thanh, người đã đưa ra ý tưởng kéo dài thời gian đào tạo lên 25 tuổi, đang đứng trước nguy cơ mất trắng lứa cầu thủ tài năng Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Văn Bình… khi hợp đồng của họ sắp đáo hạn. Nhưng cũng nên sòng phẳng rằng những cầu thủ tuy còn trẻ tuổi đời nhưng đều đảm nhiệm vai trò trụ cột ấy, kèm theo chức vô địch vẫn còn lấp lánh ánh hào quang tại V.League 2011, đã nhận lại được gì sau công sức mà họ bỏ ra?
   
Trọng Hoàng sẽ phải chơi thêm 2 năm không lót tay  nữa tại SLNA

Sau khi nâng cao chiếc Cúp vô địch lịch sử, một cầu thủ loại A cỡ Trọng Hoàng chỉ nhận vỏn vẹn chừng hơn 100 triệu đồng tiền thưởng. Đó là một thực tế khá phũ phàng nếu đối chiếu với những lời tuyên bố về tỷ này tỷ kia trước thềm trận “chung kết” với HN.T&T; và để dễ hình dung, nó cũng chỉ tương đương với những gì các cầu thủ V.HP hay HP.HN (cũ) nhận được sau khi trụ hạng.
   
Sau những gì đã cống hiến cho bóng đá quê hương, không thể nói là SLNA đã không “kiếm” được gì từ những sản phẩm do họ đào tạo, thậm chí còn là một món hời. Nhưng bây giờ, những Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Văn Bình…, sau khi đạt đến độ tuổi 23, đang đứng trước nguy cơ phải đóng vai “cầu thủ trẻ” thêm 2 năm nữa và không có quyền đòi hỏi phí lót tay gia hạn hợp đồng.
   
Thật ra, nếu viễn cảnh vừa nhắc trở thành hiện thực thì nó cũng không phải điều quá mới mẻ với bóng đá VN, nhất là ở những đội bóng vẫn mang nặng mô hình kiểu bao cấp.

Các nhà làm bóng đá ở Nam Định hay Thanh Hóa… xưa nay vẫn nổi tiếng với những chiêu “trói” cầu thủ rất “độc” như hợp đồng chuyên nghiệp không ghi ngày tháng hoặc “gí” cho cầu thủ một suất vào biên chế….
 
Thể Công trước kia lấy tôn ti trật tự kiểu quân đội và chủ nghĩa mệnh lệnh làm thiết chế để cho phép mình cái quyền gọi cầu thủ lên ký vào tờ giấy trắng, xong, ra về và chấm hết. Còn biện pháp mà hầu hết các CLB đang sử dụng hiện nay là “đẻ” thêm ra phần phụ lục sau các bản hợp đồng, quy định về việc cầu thủ phải kéo dài thêm thời gian phục vụ đội bóng.

   
Nam Định chỉ vô địch ở các giải trẻ

Nhưng tới đây, công việc của lãnh đạo các CLB sẽ đơn giản hơn nhiều tương ứng là quyền lực trong tay họ sẽ tăng lên gấp bội nếu quy định 25 tuổi mới được phép chuyển nhượng trở thành hiện thực.

Bước tiến hay bước lùi?
   
Phàm đã theo nghiệp quần đùi áo số hay làm công việc liên quan đến trái bóng tròn, ai cũng nằm lòng câu: “Đời cầu thủ không dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
   
SLNA sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động vẫn không thể mang lại một cuộc sống sung túc hơn cho những người gắn bó và trong nhiều trường hợp là hy sinh vì đội bóng ấy. “Lịch sử” của đội bóng xứ Nghệ cũng ghi nhận khá nhiều cầu thủ mất nghiệp hoặc không thể trở lại đá bóng đỉnh cao vì những chấn thương không được điều trị đến nơi đến chốn do thiếu tiền. Như thế cũng không thể đổ hết lỗi cho những cuộc ra đi của cầu thủ qua các năm tháng khác nhau.
   
Sắp tới đến lượt quyền lợi của CLB và ĐTQG bị xung đột

Nó cũng tương tự như chuyện bóng đá Nam Định, Thanh Hóa hay Đồng Tháp… sau mỗi năm lại trở nên tiêu điều thoạt nhìn là sự ra đi của những lớp cầu thủ tài năng, nhưng sâu xa là hậu quả của cách nghĩ và cách làm bóng đá bao cấp bon chen với bóng đá chuyên nghiệp.

Lấy ví dụ trường hợp của Nam Định, trước khi trách “các cháu” dứt áo ra đi, có bao giờ “các bác” dằn vặt với câu hỏi rằng tại sao lần lượt từng nhà tài trợ từ Tập đoàn Sông Đà, Mikado, Đạm Phú Mỹ rồi Megastar… ai cũng chạy mất dép?!
   
Có một sự thật là khi các nhà quản lý bóng đá đưa ra các quy định nhằm ràng buộc cầu thủ chặt chẽ hơn, họ ít chú ý hoặc cố tình phớt lờ nguy cơ vậy thì ai sẽ đứng ra lo cho cầu thủ nếu bị đẩy vào những tình cảnh không mong muốn.

Họ có vẻ cũng không quan tâm lắm tới khía cạnh cơ hội thăng tiến của những cầu thủ tuy trẻ tuổi đời nhưng chững chạc về chuyên môn và nhân cách, trong khi khát khao được đầu quân cho những đội bóng giàu sức cạnh tranh với chế độ đãi ngộ tốt là mơ ước của bất kỳ cầu thủ ở độ tuổi nào và ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

   
Hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở thời điểm hiện tại có vẻ đã được “phù phép” thành một lý do thuyết phục để quy định “kéo dài tuổi trẻ” của cầu thủ trở nên hợp lý. Nhưng cũng không loại trừ khả năng các “nhà đầu tư” thừa nước đục thả câu. Và trên hết, cần phải nhấn mạnh rằng, thế giới không ai làm như vậy.    

Đức Hoàng (Thể thao 24h)


Bình luận
vtcnews.vn