Verona, ngôi nhà Juliet và thông điệp tình yêu

Tổng hợpThứ Sáu, 23/09/2011 11:57:00 +07:00

Shakespeare đã sống mãi cùng Romeo và Juliet trong lòng những ai từng đọc và xem kịch của ông trên toàn thế giới...

      Shakespeare sống mãi cùng Romeo và Juliet trong lòng những ai từng đọc và xem kịch của ông trên toàn thế giới, mà ngày nay đến nước Italia trên đường tới thành phố Milan, ai nấy cũng háo hức đòi cho được ghé ngang qua thành phố Verona để ngắm thăm ngôi nhà có chiếc ban công huyền thoại của nàng Juliet và chàng Romeo, mặc dù một Verona thành phố không có Shakespeare.

 
      Chiếc ban công ấy có gì lạ đâu. Chỉ vọi ra nơi tầng hai trước cái cửa mở ra ngoài mặt phố có chiều ngang vỏn vẹn trên hai mét. Cạnh có giàn cây hoa leo lên lưng chừng chiếc ban công. Và dưới ban công là hai mảng tường tróc vữa trát, để lộ ra những hàng gạch xây đỏ đã rêu phong. Ở phố cổ Hà Nội thiếu gì những chiếc ban công cũ càng như thế này. Tôi thầm nghĩ.

      Không cần phải đợi có ngày Valentine thì ngôi nhà của Juliet ở Verona, thành phố nằm ở bắc nước Italia, cũng đông nghẹt những cặp tình nhân đủ mọi lứa tuổi từ tuổi Teen Teen đến tuổi Xế chiều. Hơn cả sự cầu mong tình yêu son sắt, là sự tò mò háo hức được đứng giữa khung cảnh thật cho nền vở kịch nổi tiếng của Shakespeare, mà tất tần tật từ gã xanh tóc cho tới kẻ bạc đầu, đến đây đều phải xếp hàng để được đặt tay lên… ngực nàng Juliet với niềm tin rằng may mắn vững bền sẽ gõ cửa khuấy sôi lên tình yêu của mình.

      “Không có thế giới nếu không có bức tường Verona!” Những tín đồ của “Tình yêu” tuyên bố thế.

      Không khó khăn gì để tìm ra Casa di Giulietta, ngôi nhà của Juliet, trên đường Via Cappello, bởi tất cả các ngõ phố đều có gắn bảng chỉ dẫn rất đủ đầy thông tin. Đằng sau cánh cửa sắt cao, trên bức tường hai bên lối dẫn vào khoảnh sân nhỏ trước nhà Juliet, là những cái tên lưu bút mà những đôi yêu nhau đã vẽ và viết lên bằng đủ thứ ngôn ngữ, chi chít tới mức không thể tưởng tượng nổi sao có thể lại như vậy được.

Tôi đã cố thử tìm cho mình một kẽ hở nào đó để viết cái tên mình có ba ký tự thôi mà không thể thấy một mi-li-mét tường nào trống, ngay cả phần tường rất cao bên trên mặc dù anh chàng hướng dẫn viên du lịch Đặng Sơn “chiều chú” mách nước sẽ công kênh tôi. Những cặp đến sau tay trong tay đành viết chồng tên lên những cặp đến trước, mà không thể viết tên mình và người yêu lên giấy, lên sticker hoặc băng cá nhân rồi dán lên tường, bởi nắng mưa thời gian sẽ bong tróc. Mà tình yêu bong tróc là… đứt.

      Các nhà khai thác du lịch còn rất hiểu tâm lý của những kẻ đi một mình, gắn sẵn ở đó những thùng điện thoại với hình ảnh Romeo và Juliet hiển thị trên màn hình, để cho ai đó có thể gọi cho ai đó đang ở xa. Đồng thời cũng để sẵn một máy chụp hình kèm chức năng gửi e-mail để ai đó có thể gửi hình về cho người ấy.

      Thấy khôn ngoan nơi xứ người, làm tôi nhớ về xứ mình. Tháp Hòa Phong nằm bên bờ hồ Hoàn Kiếm Hà Nội, cũng chi chít những lưu bút đủ loại ngôn ngữ và hình vẽ của những cặp trai gái để lại kín các bức tường. Lưu bút nơi đây không cầu tình yêu, mà chỉ nói lên điều rằng họ đã tới đây, có mặt ở nơi đây rồi chụp bức ảnh bên lưu bút đó, khoe.

      Réne Traunitze bạn tôi là Tùy viên Văn hóa Sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam hơn chục năm trước đã rình chộp được chùm ảnh mùi mẫn về đề tài này. Nhưng anh cũng áy náy vì tháp Hòa Phong là công trình văn hóa tâm linh. Giá như Hà Nội xây dựng được các biểu tượng tình yêu như “cái giếng yêu” nào đó, “bức tường yêu” nào đó, “cái cây yêu” nào đó, “tượng đài yêu” nào đó…, rồi thổi hồn vào cho nó sống động để có nơi cho mọi người biểu thị cảm xúc mình, có phải hơn không. Đâu cần tới huy động thanh niên tình nguyện hằng tuần đến “cạo rửa làm sạch” tháp Hòa Phong.

 
      Trở lại Verona, trong cái sân nhỏ trước bức tượng Juliet Capulet bằng đồng do nhà điêu khắc Nereo Costantini sáng tác năm 1972, là một hàng dài người xếp hàng chờ đến phiên mình sờ lên ngực nàng cầu may mắn.  (Nghe nói có hai phiên bản sao chép của bức tượng này cũng được thấy ở Monaco và Chicago). Với tấm vé giá 3 euro dành riêng cho sinh viên, là 4 euro cho vé thường, tôi vào bên trong căn nhà kiến trúc kiểu Gothic, đi qua cầu thang gỗ lên những tầng lầu dẫn đến chín căn phòng được trang trí nội thất theo phong cách quý tộc, để say sưa ngắm nhìn những bức tranh tường lộng lẫy cùng những vật dụng từ bẩy thế kỷ trước tại ngôi nhà của Juliet Capulet, ngôi nhà của Romeo Montague trên đường Via Arche Scaligere mà hầu như chẳng mấy người ghé qua. Sau những bức tường có lỗ châu mai, phần bên trong của ngôi nhà không mở cửa cho khách tham quan. Tuy nhiên nếu muốn tận mắt nhìn, ta vẫn có thể vào nhà hàng gần đó – một số căn phòng của căn nhà nằm ở đây. Phía bên ngoài cánh cửa đóng im ỉm khắc câu nói nổi tiếng của Romeo trong phần đầu vở kịch của Shakespeare: “Tôi đã đánh mất chính mình. Tôi không có ở đây. Đây không phải là Romeo. Anh ta ở một chỗ khác!” Câu nói ẩn dấu sự bí hiểm càng thêm tò mò.

      Được xây từ thế kỷ XIII, hai ngôi nhà trên thực tế thuộc về hai gia đình Montague và Dal Cappello (Capulet) từng có mối hận thù sâu sắc với những trận chiến đẫm máu trong lịch sử Verona. Thế nhưng các nhà nghiên cứu vẫn tranh cãi về việc hai ngôi nhà này có thực sự liên hệ với những nhân vật trong vở kịch của Shakespeare hay không.

      Dưới sự bảo trợ của chính quyền Verona, ngôi nhà đó đã được trùng tu ba lần. Mặc dù ngôi nhà đó rất cũ, nhưng chiếc ban công chỉ mới được xây thêm vào năm 1936 để thu hút du khách. Nhưng điều đó có quan trọng gì, chỉ cần một khi tin tưởng rằng tình yêu chân thành luôn luôn tồn tại, thì bất cứ cái ban công nào cũng là ban công nhà Juliet. Như Shakespeare đã từng nói: “Không có thế giới nếu không có những bức tường Verona. Thiên đường là ở đây, nơi Juliet sống!” (There is no world without Verona walls. Heaven is here, where Juliet lives). Lý lẽ thật giản đơn. Bởi vì tình yêu là nguyên liệu cơ bản nhất để xây dựng nên tất cả.

 
      Một Verona không có Shakespeare. Mặc dù nhiều người biết đến Romeo và Juliet trước khi nghe nhắc về Verona nổi tiếng. Ngược lại ngòi bút của đại văn hào người Anh này đã mượn chính nét đẹp và sự nổi bật của thành phố miền bắc Italia ấy làm nền cho vở kịch xúc động lòng người trải qua bao thế hệ của ông.

      Sau khi mò mẫm theo bản đồ đi theo những con phố nhỏ ngoằn ngoèo, tôi đặc biệt ấn tượng trước cái Giếng Tình Yêu (Well of Love) nằm tận cùng trong góc cuối đường. Im vắng không một bóng người. Nhưng tôi tin chắc một số lượng không đếm hết các cặp yêu nhau đã tìm đến đây. Bằng chứng là hằng hà sa số các ổ khóa có viết tên bên trên được móc khóa vào giếng. Đều ước cho những tình yêu bền chặt mà một trong hai kẻ có chìa khóa cùng loại mới có thể mở ra được đường vào trái tim kia. Tôi đoán, nhiều cặp đến đây mà không chuẩn bị trước ổ khóa như thế, đã thay thế bằng việc viết tên lên đồng xu, hoặc lên mảnh giấy và thả xuống giếng, đến nay lòng cái giếng ấy đã đầy lưng.

      Nhận được danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2000, Verona được biết đến như một “La Mã nhỏ” (Little Rome) vì những nét tương đồng và tầm quan trọng của nó.

      Giữa cái nắng đổ lửa mùa hè, tôi leo 238 bậc lên đỉnh tháp Lamberti, nhìn từ nơi ngang trời mây này có thể thấy nổi lên giữa thành phố một đấu trường La Mã hình bầu dục với sức chứa 30.000 người. Tuy kém hoành tráng so với đấu trường La Mã tại thủ đô Rome, nhưng điều thú vị là nơi đây vẫn còn được đưa vào sử dụng. Mặc dù phần bên ngoài đã bị tàn phá một ít trong trận động đất năm 1117, nhưng phần bên trong vẫn là nơi lí tưởng để thưởng thức các vở nhạc kịch, cảm giác như đang ngồi giữa không khí của những buổi biểu diễn opera từ hơn 2.000 năm trước.

      Đi bộ lang thang qua những con đường nhỏ hẹp ở Verona là cái chạm mắt chạm tay vào những kiến trúc nghệ thuật mang đậm tính lịch sử. Đó là nhà hát La Mã bên dòng sông Adige. Là pháo đài Castelvecchio nơi dang lưu giữ một bộ sưu tập phong phú các bức tượng thời Trung cổ và những bức tranh thời Phục Hưng. Là Piazza delle Erbe bên đài phun nước Madonna Verona, nơi hội họp của người dân thời La Mã. Còn chưa nhắc đến Porta Borsari, cánh cổng tồn tại từ thế kỷ thứ II trước Công Nguyên, nhà thờ St Zeno – vị thánh bảo hộ của Verona. Nhà thờ này có bức tranh tường thánh Peter khổ lớn 10 mét dài, cũng là trung tâm hành hương của người dân châu Âu nhiều thế kỷ. Lời viết, tranh vẽ của họ theo lối graffiti trên tường từ những năm 1390 mà còn được nhìn thấy cho tới tận hôm nay.

 
      Thư gửi Juliet và Giải thưởng “Viết cho tình yêu”. Một ý tưởng tuyệt vời cho sự lãng mạn.

      Cứ mỗi năm đến ngày 16 tháng 9 cả thành phố Verona từ nghệ sĩ đến dân buôn bán lại tưng bừng tổ chức sinh nhật cho Juliet. Ngày này là dựa theo cuốn tiểu thuyết của Lugi Da Porto, người đầu tiên kể câu chuyện về tình yêu kém may mắn của Romeo và Juliet, mà theo tác giả, đó là một câu chuyện có thật ông nghe được từ một người bắn cung, tên là Pellegrino da Verona. Tác phẩm của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà văn châu Âu, cho tới khi nó đạt đến đỉnh cao của văn học qua bàn tay của Shakespeare.

      “Viết cho Tình yêu” là giải thưởng văn học quốc tế hằng năm dành tặng cho quyển sách về chủ đề này được xuất bản trong năm trước đó. Người đoạt giải năm 2007 là một nhà văn Thụy Điển Per Olov Elquist với “Quyển sách về Blanche và Marie” (Il libro di Blanche e Marie).

      Để chuyển tải thông điệp tình yêu từ Romeo và Juliet, và giới thiệu hình ảnh Verona, một tổ chức tình nguyện mang tên “Câu lạc bộ Juliet” đã ra đời tại đây. Nhân kỉ niệm ngày sinh Juliet vừa qua Câu lạc bộ này đã tổ chức cuộc thi và triển lãm tranh đương đại với chủ đề “Romeo and Juliet in the Collective Imagination” dành cho giới trẻ khắp năm châu với giải nhất trị giá 3.000 euro. Ngoài các hoạt động văn hóa, các bạn trẻ trong vai trò “Thư ký của Juliet” đã trả lời hàng ngàn lá thư đến từ khắp nơi trên thế giới. Là cầu nối qua mọi khoảng cách về địa lý và văn hóa, họ gửi đi những lời khuyên, sự động viên, hay đơn giản chỉ là lắng nghe và chia sẻ với những ai đang cần trút bầu tâm sự của trái tim.

 
      Chuyện bắt đầu từ những năm 1930, nhà Juliet nhận được vô số thư bằng đủ mọi ngôn ngữ, từ những tác giả đủ mọi lứa tuổi mà giới trẻ chiếm đa số, và lạ kỳ thay những người gửi thư vô vọng đều nhận được thư hồi âm của Juliet. Lise Friedman and Ceil Friedman đã tình cờ khám phá ra câu chuyện của những “Tình nguyện viên” âm thầm trả lời thư trong suốt 70 năm qua. Hai tác giả này đã chọn lọc một số bức thư và cho ra đời quyển “Thư gửi Juliet”, còn đính kèm phong bì để người đọc có thể dùng nó gửi thư của họ cho Juliet. Nếu không thể đến tận nơi và tận tay bỏ lời nhắn vào thùng thư tại nhà Juliet, người đó cũng có thể viết thư cho Juliet và gửi về địa chỉ e-mail [email protected]. Ngày 14 tháng 2 năm 2008 vừa qua, Giải thưởng “Dear Juliet” dành cho bức thư hay nhất trong năm 2007 đã được trao tại ngôi nhà của Juliet và trở thành một sự kiện quan trọng của Verona.

      Vượt qua những giới hạn của không gian và thời gian, vượt trên ranh giới của sự thật và truyền thuyết, ngôi nhà của Juliet – biểu tượng toàn cầu cho một tình yêu vĩnh cửu – vẫn đứng đó, đón hàng triệu triệu người đến thăm và cầu nguyện cho một tình yêu của riêng mình. Trong đó có tôi.

       Du ký của Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn