'VEC ra văn bản cấm xe là sai luật 100%'

Thời sựThứ Tư, 13/02/2019 18:56:00 +07:00

Luật sư cho rằng, VEC chỉ là chủ đầu tư của cao tốc, bỏ tiền ra xây dựng rồi thu phí để hoàn vốn, còn cao tốc là tài sản quốc gia, văn bản của VEC cấm phương tiện là quá sai luật 100%.

Vừa qua, Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã phát đi thông cáo báo chí do đích thân ông Nguyễn Viết Tân - Giám đốc Công ty ký, thông báo về việc đơn vị này quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

Lý do VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện được đưa ra là vì 2 phương tiện này đã có hành vi cố tình gây rối tại trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vào chiều tối 10/2.

Trả lời VTC News, luật sư Nguyễn Thành Long (Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định, VEC đã đưa ra một văn bản không có căn cứ pháp luật.

“Chắc chắn văn bản này là sai rồi, làm gì cũng phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Nghị định 46/2016 có quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

longthanhdaugiay

 Trạm thu phí Dầu Giây. (Ảnh: TPO)

Xe là phương tiện. Nếu như xe đầy đủ đăng kiểm, giấy tờ đúng quy định thì không được cấm nó. Người vi phạm là người lái xe, chủ thể cái xe chứ anh không thể cấm cái xe được. Việc VEC ra văn bản cấm xe là sai luật 100%”, luật sựu Long khẳng định.

Ngoài ra, luật sư Long cho rằng, việc ông Nguyễn Viết Tân ra văn bản cấm phương tiện vì nhầm lẫn với những trường hợp cấm bay trong luật hàng không. Cụ thể, luật hàng không có Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không, trong đó có quy định cấm bay.

Theo luật sư Long, an toàn hàng không ở một mức độ cao hơn nhiều so với giao thông đường bộ, vì 1 cá nhân khi quậy phá, gây rối có thể ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người khác.

“Thế nên luật hàng không mới có quy định xử phạt và cấm bay trong thời gian nào đó hoặc vĩnh viễn, không cho người vi phạm lên máy bay nữa, vì tính khí và thái độ của anh như thế ảnh hưởng nghiêm trọng đến phi hành đoàn và cả chuyến bay. Còn trong luật giao thông đường bộ thì hoàn toàn không có vấn đề đó”, luật sư Long chia sẻ.

Luật sư Long phân tích, trong trường hợp này, VEC chỉ là chủ đầu tư của cao tốc, bỏ tiền ra xây dựng rồi thu phí để hoàn vốn. Còn cao tốc là tài sản quốc gia, không thuộc sở hữu riêng của VEC. Chính vì vậy, văn bản của VEC cấm phương tiện là quá bậy và không có giá trị về mặt pháp luật.

Video: Từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện 'gây rối' BOT Dầu Giây

“Dự kiến trong 1 - 2 ngày nữa, VEC buộc phải rút lại văn bản đã ra, mà trong trường hợp không rút thì nó cũng không có giá trị gì về mặt pháp luật.

Nếu như người ta cứ chạy xe trên đường đó thì làm được gì nào? Chẳng lẽ anh chắn cái barie lại không cho người ta qua, không cho qua còn nguy hiểm hơn nữa khi gây ra tình trạng kẹt xe. Anh thấy biển số xe đó rồi anh cấm mà không cần biết ai ngồi trong lái, cái đó sai hoàn toàn.

Tài xế sai đến đâu thì Nhà nước xử lý đến đó, nếu như tài xế gây rối thì VEC gọi lực lượng cơ động đến xử phạt theo quy định của pháp luật. Còn doanh nghiệp thì làm gì được quyền xử phạt tài xế và phương tiện”, luật sư Long nói.

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn