Về thăm nhà Lê Bích Phương - cô gái vàng Asiad

Thể thaoThứ Tư, 01/12/2010 06:52:00 +07:00

(VTC News) - Cô Oanh cười tươi chia sẻ “Đọc báo mới biết con mình có tài một tý. Hôm Phương lên đường sang Quảng Châu ở nhà cũng chỉ động viên em thi đấu.

(VTC News) - Cô Oanh, mẹ Lê Bích Phương, cười tươi chia sẻ: “Đọc báo mới biết con mình có tài một tý. Hôm Phương lên đường sang Quảng Châu ở nhà cũng chỉ động viên em thi đấu hết mình. Cố gắng giành được huy chương dù là Đồng thì cũng quý. Giờ được Vàng thì vui quá rồi”.

Rạng danh làng Lở

Làng Lở, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) những ngày này đông như có hội. Khi chúng tôi dừng xe ở đầu làng còn chưa kịp hỏi, thấy người lạ, người dân trong làng đã đoán ra có phóng viên, nhà báo về quay phim chụp ảnh. Người con của làng, nữ vận động viên Karatedo 18 tuổi Lê Bích Phương giờ đã trở thành niềm tự hào của cả nước.

Hàng xóm mấy ngày nay thường đến nhà Phương để chia vui. (Ảnh: Phạm Thịnh)

Một người phụ nữ tự giới thiệu mình là bà trẻ của Bích Phương niềm nở dẫn chúng tôi vào thăm nhà. Thấy có phóng viên đến thăm nhà cô Oanh, hàng xóm xung quanh sang mỗi lúc một đông, đứng chật kín sân nhỏ.

Bà Vũ Thị Lý, ở cạnh nhà Phương một tay bế cháu nhưng miệng vẫn móm mém chia sẻ với phóng viên: “Cái Phương nó giỏi lắm. Cả cái làng này, cái xã này tự hào. Quá là đáng khen. Cả cái làng này đã có ai được lên ti vi như nó đâu”.


Theo những người già kể lại, ở trong làng Lở xưa nay không có mấy người theo nghiệp võ và Bích Phương là trường hợp duy nhất làm rạng danh cho làng Lở với môn võ thuật. Đối với những người dân, họ cũng chỉ biết là vùng quê này có người mang về vinh quang cho Tổ quốc chứ cũng không biết được giá trị của tấm huy chương vàng còn “quý hơn vàng” của Bích Phương đã giành được.

Lê Bích Phượng - Cô gái vàng của Thể thao Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Anh)

Khi chúng tôi vào nhà, chỉ có cô Nguyễn Thị Kim Oanh, mẹ của Phương đang dọn dẹp để chuẩn bị đón cô "con gái vàng” trở về. Căn nhà 2 tầng được xây chắp vá đã lâu bên trong cũng chỉ có một bộ bàn ghế đơn giản cùng chiếc tủ đã cũ.

Trước khi lên đường sang Quảng Châu, Phương đã dặn với mẹ lịch thi đấu vào ngày 25 và bảo mọi người ở nhà chú ý xem nhưng chờ gần hết buổi chiều vẫn chưa thấy có tin tức, cô Oanh vẫn ra chợ bán hàng như thường lệ. Cô Oanh chia sẻ: “Đang đứng bán hàng thì nghe thấy tiếng ti vi gần đó nhắc đến tên Phương, thế là cả khu chợ chạy vào xem. Khi biết em nó giành huy chương vàng thì tôi vui quá không nói được thành lời”. Tối hôm đó, dù chưa tới 7h nhưng hàng cô Oanh đã sạch trơn. Hễ có ai đến mua, cô lại bán rẻ như chia sẻ niềm vui với người dân trong làng.

Từ chiều tối 25/11, khi tin Phương giành huy chương vàng Asiad dội về, nhà cô Oanh lúc nào cũng nườm nượp người đến chơi hay gọi điện chúc mừng. Con đường làng ngày thường yên ắng và tĩnh mịch nay trở nên đông vui lạ thường. Không chỉ có họ hàng, người trong làng, trong xã mà cả nhiều cụ ông ở những xã gần đó nghe tiếng cũng đạp xe hàng chục cây số xuống thăm nhà.

Bích Phương: Ít ốm và sợ... uống thuốc

Cô Oanh kể, ngày bé cũng như khi lớn, Phương thường rất ít ốm đau, nếu có ốm thì chỉ hôm sau là khỏi: “Ngày bé và cho tới bây giờ Phương rất sợ uống thuốc. Có lần bị ốm cô bắt Phương uống thuốc, em cũng hứa nhưng mấy ngày sau khi em lên đội tuyển, cô dọn nhà mới thấy mấy viên thuốc trong gầm giường”.


Thậm chí, dù Bích Phương đã là một vận động viên đội tuyển Quốc gia nhưng cô Oanh lại phải nhẹ nhàng “dỗ” Phương uống thuốc vì “con bé cứ nhìn thấy thuốc là sợ”. Thương con tập luyện vất vả, cô Oanh thường phải gọi điện lên trường để nhắc nhở Phương giữ gìn sức khỏe, chuyện ăn uống.

Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, mẹ Lê Bích Phương kể những kỷ niệm về con gái. (Ảnh: Phạm Thịnh)


Cô Oanh nhớ lại ngày bé, cuộc sống gia đình khó khăn, thậm chí suýt phải để Phương nghỉ học. Ngày đó hai vợ chồng cô Oanh đi làm thợ xây, công xá lại thấp nên không có đủ tiền ăn, cô phải vay tiền bà ngoại để đóng học cho Phương. Cô vẫn còn nhớ ngày Phương học tiểu học, bạn bè trong lớp năm nào cũng được tổ chức sinh nhật. Vì thương con, năm Phương học lớp 4, lần đầu tiên cô Oanh mới tổ chức sinh nhật nho nhỏ để Phương mời bạn bè. Từ đấy tới giờ, đấy cũng là lần duy nhất Phương được tổ chức sinh nhật. Từ ngày lên đội tuyển, biết được cha mẹ vất vả, Phương cũng ý thức: “Mẹ cứ yên tâm. Con biết nhà mình nghèo nhất đội nên con cũng... hà tiện nhất đội rồi”.

Bà Nguyễn Thị Si (77 tuổi), bà nội của Phương kể, ngày bé Phương đã tỏ ra một cô bé nhanh nhẹn, khỏe mạnh và hiếu động: “Con bé nhanh lắm, hay chạy nhảy, tính cách mạnh mẽ như đàn ông. Sai cái gì nó cũng làm rất nhanh”. Tuy là con gái nhưng Phương cũng nghịch không kém gì các bạn nam bằng tuổi.

Cô Oanh cười tươi chia sẻ: “Đọc báo mới biết con mình có tài một tý. Hôm Phương lên đường sang Quảng Châu, ở nhà cũng chỉ động viên em thi đấu hết mình. Cố gắng giành được huy chương dù là Đồng thì cũng quý. Giờ được Vàng thì vui quá rồi”.

Bà Nguyễn Thị Si, bà nội của Lê Bích Phương. (Ảnh: Phạm Thịnh)

Nhớ lại quãng thời gian ròng rã hơn 5 năm từ ngày bắt đầu bước chân vào con đường thể thao chuyên nghiệp, cô Oanh là người chứng kiến không ít công sức Phương đã bỏ ra để đánh đổi thành công ngày hôm nay. Nhiều lần về thăm nhà, thấy con gầy đi, đen hơn, cô Oanh không khỏi cũng có lúc chạnh lòng.

Năm 2005, khi đoàn của Sở TDTT Hà Nội xuống địa phương tìm kiếm các tài năng, Phương đã háo hức về nhà xin ý kiến bố mẹ để đăng ký tham gia. Ông Lê Văn Vang, bố của Phương là người kịch liệt phản đối vì sợ con theo thể thao thì tương lai sẽ “không nên cơm cháo gì”. Những năm tiểu học, Phương đều là học sinh khá, giỏi trong lớp.

Với cá tính mạnh mẽ, Phương vẫn quyết tâm lên đội tuyển với ý nghĩ “bố không chở con sẽ tự đi xe bus”. Nhưng nhờ sự ủng hộ của ông nội và mọi người, Phương đã thực hiện được giấc mơ của mình. Ba tháng trời ròng rã ngày ngày chở con sang Trịnh Hoài Đức tập luyện rồi chiều lại đón con về đã khiến ông Vang thay đổi suy nghĩ. Ngày đầu Phương bắt xe bus sang Trịnh Hoài Đức tập luyện, ông Vang lặng lẽ đi xe máy theo sau và chỉ khi biết con sang đến nơi tập luyện an toàn ông mới quay xe trở về.

Vốn là một người ít nói, ông Vang không giấu được niềm tự hào chia sẻ: “Con được như thế chưa biết tiền nong nhiều ít thế nào nhưng cả gia đình cũng vui rồi. Được thành tích này thì tương lai của em cũng sẽ khá hơn”.

Bích Phương sinh ngày 14/8/1992 tại Gia Lâm, Hà Nội, cao 1,62 m và nặng 52 kg. Cô hiện là thành viên của đội karate Quân Đội do HLV Lê Công dẫn dắt. Phương đến với karatedo năm 2005, và năm 2008 được gọi lên tuyển. Asiad 16 là giải đấu quốc tế chính thức đầu tiên của Bích Phương.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn