Về với miền đất Bảo Hà

Du LịchThứ Ba, 30/06/2020 11:32:00 +07:00
(VTC News) -

Xuôi theo cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đến km 198 rẽ vào nút giao IC 16, hoặc theo các chuyến tàu du lịch Hà Nội – Lào Cai điểm dừng chân là ga Bảo Hà, huyện Bảo Yên.

Nếu đến Bảo Hà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vào mùa thu, bạn mới thấy hết ở vùng quê này, thiên nhiên dường như hòa vào làm một, với màu xanh dịu đến nao lòng. Đứng trên đỉnh cao phóng tầm mắt nhìn ra xa là điệp trùng rừng núi, là thảm thực vật với bao hoa trái ngọt lành.

Tựa lưng vững chãi dưới chân đồi Cấm là ngôi đền thờ tướng Hoàng Bẩy trong khuôn viên rợp bóng hoa ngọc lan, thoang thoảng hương thơm.

Sử sách ghi lại, vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786, tướng Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách trấn giữ vùng biên ải phía Bắc, dẹp giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi. Trong một trận chiến không cân sức với kẻ thù nơi đầu sông, ông bị tử trận, thi thể ông trôi dạt về Bảo Hà, dân làng vớt lên an táng lập đền thờ ghi ơn công đức và được vua Minh Mạng (Thiệu Trị) thuộc triều Nguyễn phong tước hiệu “Trấn an Hiển liệt”.

Về với miền đất Bảo Hà - 1

Đền Bảo Hà.

Ngôi đền được thiết kế mang đậm nét văn hóa truyền thống. Với kiến trúc độc đáo trang trí hình rồng, phượng cùng những hoa văn tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII từ cổng tam quan nội, ngoại đến tòa Đại bái. Tiếp đến là cung công đồng, cung cấm, phủ chúa sơn trang, lầu cô, lầu cậu, am hóa vàng làm từ đá và gỗ nhóm quý.

Đối diện bên tả ngạn con sông Hồng trĩu nặng phù sa là đền Cô Tân An. Tục truyền rằng, con gái tướng Hoàng Bẩy có tên húy Nguyễn Hoàng Bà Xa là cánh tay đắc lực sát cánh cùng cha mình chiêu dụ các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sĩ, rèn dũa khí giới, dự trữ lương thảo. Sau này khi giặc tan, Hoàng Bà Xa lại có công lớn trong việc tập hợp các thổ hào địa phương đón người Dao, người Thổ, người Nùng áo xanh khẩn điền, khai mỏ dựng xây cuộc sống no ấm, thanh bình.  

Lễ hội đền Bảo Hà hằng năm tổ chức vào ngày 17/7 (âm lịch). Vào ngày này, du khách từ khắp mọi miền đất nước lại nô nức về đây trẩy hội với hàm ý con cháu hội tụ nhân ngày giỗ cha thể hiện lòng biết ơn, trân trọng các thế hệ tổ tiên.

Đêm rằm tháng Bảy, du khách còn được tham dự hội thả đèn hoa đăng xuống sông Hồng. Rồi tiếng chiêng, tiếng trống rền vang, những đoàn rước lộng lẫy cờ hoa chuyển động... tất cả như cùng níu chân du khách để có những phút giây sống chậm, cảm nhận và thanh lọc tâm hồn.

 

Song song với những hoạt động tín ngưỡng trong phần lễ, phần hội diễn ra khá phong phú với nhiều trò chơi dân gian bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, hát văn.

Ngoài ra, nhiều gian hàng nhằm giới thiệu quảng bá về hình ảnh, con người, sản phẩm nông sản, trang phục thổ cẩm, ẩm thực, tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn huyện cũng được mở ra, mời chào du khách. 

Đến với danh thắng đền Bảo Hà, sau khi thả hồn vào cõi tâm linh, du khách sẽ có cơ hội được hít thở bầu không khí trong lành, được dạo thăm vùng trồng những loại quả đặc sản như hồng không hạt, bưởi đào... Cùng với đó là được thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương được chế biến từ cá sông Hồng, bánh gai và nhiều loại rau rừng thanh khiết.

Rồi cũng từ nơi đây, khách dễ dàng đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện để chiêm ngưỡng cảnh quan từ các khu di tích lịch sử văn hóa Đồn Phố Ràng, thành cổ Nghị Lang, đền Phúc Khánh, đền Nghĩa Đô, mang phong cách kiến trúc thời Trần – Lê toát lên vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm.

Thắp nén tâm nhang giữa tiếng chuông ngân trong chiều buông, du khách chắc hẳn thấy lòng thanh thản, bao muộn phiền lo lắng chợt tan biến và càng thấu hiểu hơn cuộc sống, càng yêu hơn quê hương đất nước mình.

Miền quê này còn nhiều vùng đất rất hấp dẫn du khách như: khu căn cứ địa cách mạng Việt Tiến, thác Xa Tân Tiến, hang động kỳ bí Xuân Thượng là vùng du lịch sinh thái lý tưởng bên dòng sông Chảy hiền hòa, thơ mộng được mệnh danh là vùng đất của tình yêu. 

Tất cả tạo nên sức cuốn hút của miền đất hai dòng sông thân thiện và mến khách Bảo Hà.

Nguyễn Quang Chính
Bình luận
vtcnews.vn